Dinh dưỡng hôm nay

Chiều cao người Việt đã được cải thiện

(MangYTe) - Kết quả cuộc tổng điều tra dinh dưỡng toàn quốc do Viện Dinh dưỡng và các đơn vị liên quan thực hiện trên 22.000 người cho thấy chiều cao của người Việt đã có sự cải thiện mà dẫn chứng là các cầu thủ U23 Việt Nam.

Ngày 21-7, chia sẻ sự kiện đưa vào vận hành hệ thống Trung tâm dinh dưỡng - Y học vận động cho trẻ em và người lớn Nutrihome, GS-TS Lê Danh Tuyên, Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia, cho biết kết quả điều tra quốc gia mới nhất cho thấy tầm vóc, sức bền, đặc biệt là chiều cao của người Việt trẻ đã có sự cải thiện đáng kể. "Đây là kết quả sơ bộ cuộc tổng điều tra dinh dưỡng toàn quốc được thực hiện với 22.000 người Việt ở các vùng miền gồm cả trẻ em dưới 5 tuổi, học sinh các cấp học và người trưởng thành. Với nghiên cứu mới nhất này, hiện chúng tôi đang tổng hợp số liệu và sẽ công bố cụ thể trong thời gian tới"- GS Tuyên nói.

Chiều cao của đội tuyển bóng đá quốc gia Việt Nam đã có sự thay đổi rõ rệt

GS Tuyên dẫn chứng một ví dụ cụ thể là đội tuyển bóng đá quốc gia Việt Nam với lứa các cầu thủ sinh năm 1997- 2000 chiều cao đã vượt trội so với nhiều năm trước đây. Đặc biệt, đội tuyển U23 Việt Nam dự vòng loại U23 châu Á 2020 là tập thể có chiều cao trung bình đạt 177,7cm, thậm chí cao hơn các đội tuyển bóng đá trong khu vực như Malaysia, Thái Lan...

Trước đó, kết quả Tổng điều tra năm 2010 và điều tra giám sát dinh dưỡng hàng năm, chiều cao trung bình đạt được của thanh niên Việt Nam ở nhóm tuổi 20-24 là 164,4cm, đứng thứ 19 trong số những nước có chiều cao thấp nhất thế giới. Con số này đối với nữ giới là 153,6cm, đứng thứ 13 trong số những nước có chiều cao thấp nhất thế giới. Nếu tính riêng ở các thành phố lớn thì nam giới cao 167,4cm và nữ 154,7cm; vùng nông thôn chiều cao thấp hơn với nam 164,1cm và nữ 153,2m.

Khám và tư vấn dinh dưỡng sẽ giúp trẻ có một chế độ ăn uống, sinh hoạt khoa học hơn

Theo các chuyên gia dinh dưỡng, từ năm 1975 - 2000 (sau chiến tranh, đổi mới), chiều cao nam thanh niên tăng chậm, trung bình 1,1 cm mỗi thập kỷ. Tuy nhiên, từ sau năm 1990, trẻ em bắt đầu tăng chiều cao. Đặc biệt, năm 2000 đến nay, chiều cao nam đã tăng thêm 2,1 cm, nữ 1 cm. Đây là mức tăng nhanh nếu so với các quốc gia khác trên thế giới. Với mức tăng trưởng chiều cao 2,1 cm trong vòng 10 năm qua, nhiều chuyên gia cho rằng chắc chắn chiều cao thanh niên Việt Nam các thế hệ sau sẽ tăng tiếp tục với tốc độ nhanh cơ sở của các nhà khoa học về niềm tin tăng trưởng chiều cao thanh niên nước nhà là hoàn toàn có căn cứ.

Các bác sĩ khuyến cáo vận động đúng cách để có một sức khoẻ tốt

Các nhà khoa học dinh dưỡng cho biết có 5 yếu tố ảnh hưởng đến phát triển tầm vóc người Việt Nam: Giới tính, gien, dinh dưỡng, hoạt động thể lực, giấc ngủ, môi trường, bệnh tật. Trong đó, gien góp 20% đến 25% sự ảnh hưởng tới chiều cao, nhưng để đạt được chiều cao nhất còn phụ thuộc vào điều kiện nuôi dưỡng như dinh dưỡng, tập luyện, tình trạng bệnh tật... Điều này cho thấy chiều cao còn phụ thuộc nhiều yếu tố như: Dinh dưỡng, môi trường, tâm lý, vận động, nhất là việc nuôi dưỡng trẻ từ trong bụng mẹ có được đúng cách hay không.

GS Lê Danh Tuyên cho rằng nguyên nhân khiến trẻ Việt Nam thấp bé, nhẹ cân là do thường xuyên không được cung cấp đủ dinh dưỡng giai đoạn 1.000 ngày đầu đời, dẫn đến suy dinh dưỡng hoặc thiếu vi chất.

Năm 2011, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án tổng thể phát triển thể lực, tầm vóc người Việt Nam giai đoạn 2011- 2030, với mục tiêu nâng chiều cao trung bình nam thanh niên 18 tuổi lên 167 cm vào năm 2020 (tăng 2,6 cm so với năm 2009), với nữ thanh niên mục tiêu tương ứng là 157 cm (tăng 3,4 cm); đến năm 2030 mục tiêu là nam thanh niên cao trung bình 168,5 cm, nữ 157,5 cm.

D.Thu

Chia sẻ

Mạng Y Tế
Nguồn: Người lao động (https://nld.com.vn/suc-khoe/chieu-cao-nguoi-viet-da-duoc-cai-thien-dan-chung-la-cac-cau-thu-u23-20200721145229303.htm)

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY