Bà bầu hôm nay

Chăm sóc bà bầu

Chủ tịch Hội đồng giáo dục Nguyễn Tùng Lâm: Trong trường học phải có kỷ luật để giáo dục trẻ, nhưng không phải cứ sai là phạt!

Khuyên nhủ là dẫn dắt học trò, dẫn dắt bọn trẻ làm những điều đúng từ việc nhận thức được lỗi sai của chính mình và lựa chọn phương án thay đổi để trở nên tích cực. Đây là cả một quá trình, không phải chỉ dựa vào phạt! - TS. Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội đồng giáo dục, đồng sáng lập trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội) nói.

Mới đây, Tiến sĩ Vũ Thu Hương - nguyên giảng viên khoa Giáo dục Tiểu học, ĐH Sư phạm Hà Nội, là một chuyên gia giáo dục có bài chia sẻ về quan điểm "Giáo dục bằng khuyên nhủ, không phạt đang dần hủy hoại giới trẻ" đang gây ra nhiều tranh cãi trên mạng xã hội.

Cũng trong bài chia sẻ này, nữ tiến sĩ giáo dục cho rằng, trẻ không bị phạt dễ nảy sinh tính coi thường cha mẹ, coi thường người lớn, coi thường mọi luật lệ, quy tắc lễ phép.

Trao đổi với pv dân trí rõ hơn về vấn đề này, ts vũ thu hương cho rằng, từ "phạt" nghe không "lọt tai" nhưng thực ra nên hiểu hình thức "phạt" như thế nào. trong khi dùng từ "khuyên nhủ nhẹ nhàng", thoạt nghe rất "lọt tai" nhưng hoàn toàn không ổn với đứa trẻ.

"Tôi hoàn toàn không đồng ý với việc đánh đập hay hành hạ trẻ em nhưng hãy cứ phạt theo cách mà tôi nói ở trên, tôi tin sẽ tốt cho chúng", TS Hương nói.

Liên quan tới vấn đề này, chúng tôi đã trao đổi với thầy giáo Nguyễn Tùng Lâm – Chủ tịch Hội đồng giáo dục, đồng sáng lập trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội), cũng là người thầy nổi tiếng với cái tên "30 năm "cảm hóa" hàng nghìn học trò ngỗ ngược".

"Trẻ dễ nảy sinh tính coi thường cha mẹ, coi thường người lớn, coi thường mọi luật lệ, quy tắc lễ phép là bởi nhiều nguyên nhân, không phải do bị phạt hay không!"

Trước khi làm rõ vấn đề, thầy giáo Tùng Lâm khẳng định.

Thầy giáo Nguyễn Tùng Lâm – Chủ tịch Hội đồng giáo dục, đồng sáng lập trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội) cho rằng, thay vì chăm chăm tìm cách phạt trẻ, hãy khiến trẻ tự nhận thức được lỗi sai của mình.

Theo đó, để trả lời cho lời khẳng định trên của mình, thầy giáo Tùng Lâm cũng đưa ra ví dụ về việc nguyên nhân đó có thể tới từ những lý do, tác động ngoại cảnh, chẳng hạn việc trẻ có một nguyên nhân nào đó khiến nảy sinh tâm lý bất mãn với thầy cô. Thầy Tùng Lâm cũng cho rằng, việc thầy cô giáo tạo ra được cảm hứng, sức hút với học sinh là điều vô cùng cần thiết.

"Nếu thầy cô không tạo ra được cảm hứng, sức hút với học sinh thì nhiều lần như thế có thể sẽ khiến học trò vô tình nảy sinh sự bất mãn và trở thành vô nghĩa với tất cả những hành động về sau mà thầy cô làm cho trẻ." - TS. Nguyễn Tùng Lâm lý giải.

Cũng theo thầy Tùng Lâm, chúng ta không nhất thiết phải chăm chăm tìm ra điểm sai trái của trẻ mà hãy làm những điều phù hợp với trẻ trước tiên. Nếu trẻ làm được và làm tốt, đừng ngại ngần khích lệ trẻ để trẻ tự nhìn nhận ra những điều thiếu sót của bản thân chứ không thể áp đặt suy nghĩ và quy định như người lớn, chẳng hạn như việc ra đường vượt đèn đỏ là bị phạt thì trẻ cũng phải như vậy.

Trong trường học phải có kỷ luật để giáo dục trẻ, nhưng không phải cứ sai là phạt!

Chia sẻ với chúng tôi, TS. Nguyễn Tùng Lâm nhấn mạnh, trong trường học phải có kỷ luật để giáo dục học sinh phát triển nhân cách bằng cách chỉ dạy, hướng dẫn cho trẻ biết, không phải thích làm gì thì làm. Bởi vì chỉ có thông qua kỷ luật, học sinh mới tự chịu trách nhiệm với hành vi của mình. Song, cũng chính điều này lại gây ra nhiều hiểu lầm.

"Với trẻ em ở từng lứa tuổi, chúng ta cần có những hình thức kỷ luật riêng, phù hợp chứ không phải đưa ra một hình mẫu, quy tắc chung cho tất cả. Và việc này là theo yêu cầu của giáo dục chứ không phải để trừng phạt trẻ. Đây là điểm mà hiện nay nhiều người hiểu sai." – thầy Tùng Lâm nhấn mạnh.

Đưa ra biện pháp giải quyết vấn đề này, TS. Nguyễn Tùng Lâm gợi ý rằng, với mỗi trẻ, chúng ta cần phải tìm ra cách giáo dục thế nào cho phù hợp tùy theo nhận thức của trẻ, tìm ra được những cái chưa đúng của mình và tự nguyện chịu trách nhiệm với điều đó, rút kinh nghiệm để thay đổi. Tuy nhiên, quá trình thay đổi nhận thức theo từng giai đoạn, lứa tuổi của trẻ không phải lúc nào chúng ta cũng làm ngay được. Đó là điều quan trọng nhất và nó đòi hỏi người giáo dục phải nắm bắt được tâm lý của trẻ, tìm nhiều cách tác động khác nhau đến một đứa trẻ.

Như đã nói ở trên, có những lỗi bỏ qua được thì bỏ qua trước. Bố mẹ hãy cứ cho trẻ làm những gì tụi nó thích rồi mới nói với trẻ về những điều trẻ không làm thì sẽ ảnh hưởng như thế nào đến trẻ và thường thì chúng ta sẽ đưa ra yêu cầu trước khi trẻ hành động. Điều này sẽ giúp trẻ học cách thảo luận và chấp nhận, ví dụ như: "Nếu con làm điều mà không được như ý thì nên làm gì để bù đắp lại..."

Hãy để cho trẻ tự nhìn nhận và suy nghĩ chứ không được áp đặt lên trẻ là con đã sai rồi đưa ra những hình phạt. Còn đã là "phạt" mà còn coi đó là nhẹ nhàng thì không đúng.

"Nếu cứ chăm chăm đi tìm hình phạt để trừng phạt trẻ thì bao giờ chúng ta mới có thể khiến trẻ nhận thức được lỗi sai của mình?"

Trong môi trường giáo dục nói chung và với bọn trẻ nói riêng, TS. Nguyễn Tùng Lâm cho rằng không nên sử dụng từ phạt vì từ này khiến người nghe cảm thấy nặng nề. Do đó, chúng ta nên dùng từ "kỷ luật tích cực" và thay vì chăm chăm tìm cách phạt trẻ, hãy khiến trẻ tự nhận thức được lỗi sai của mình.

"Cụm từ kỷ luật tích cực có vẻ hơi dài nhưng tôi nghĩ chúng ta nên dùng nó, vì nếu "phạt" thì có nghĩa là chúng ta đang dùng cách ngăn cản trước. Điều này không được khuyến khích trong giáo dục, bởi muốn trẻ thay đổi thì phải cho trẻ tự nhận thức được tính kỷ luật chứ không phải cứ không phạt thì trẻ sẽ nhờn! Đấy mới là bài toán khó." - TS. Nguyễn Tùng Lâm nêu quan điểm.

Mạng Y Tế
Nguồn: Afamily (https://afamily.vn/chu-tich-hoi-dong-giao-duc-nguyen-tung-lam-trong-truong-hoc-phai-co-ky-luat-de-giao-duc-tre-nhung-khong-phai-cu-sai-la-phat-20210930164108784.chn)

Tin cùng chuyên mục

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY