Bà bầu hôm nay

Chăm sóc bà bầu

Song song với dạy con, bố mẹ vẫn phải học làm phụ huynh

Con trẻ chưa thể đọc - biết các bộ luật, cũng chưa hiểu được hết về ranh giới và những gì liên quan tới nguyên nhân – kết quả. Vậy, bố mẹ phải làm sao?

Những ngày qua, vấn đề "có nên phạt con hay không và nếu phạt, thì phạt bằng cách nào" một lần nữa nổi cộm trong cộng đồng, gây ra hàng loạt những tranh cãi trái chiều. Trong hàng nghìn ý kiến tranh luận về đòn roi hay hình thức "giáo dục bằng khuyên nhủ", có rất nhiều sự đồng tình nên phạt con bằng những hình thức nghiêm khắc khi con quá vô kỷ luật, bởi chỉ có thế mới giúp con trưởng thành và khôn lớn. Nếu không, trái lại, những đứa trẻ dễ nảy sinh tính coi thường cha mẹ, coi thường người lớn, mọi luật lệ cũng như quy tắc lễ phép…

Song, cũng có không ít phân tích cho rằng, dạy con rõ ràng không có công thức chung cho mọi đứa trẻ, nhưng "văn minh thì đừng phạt con". ý kiến của chánh văn hoàng anh tú dưới đây là một minh chứng điển hình cho điều đó!

Văn minh thì đừng phạt con!

Tạm bỏ qua vai trò là một nhà văn nổi tiếng, một kol với rất nhiều bài viết viral về đề tài giáo dục, xã hội, chánh văn hoàng anh tú đứng từ góc độ là một ông bố hạnh phúc của ba đứa con với các câu chuyện về giáo dục con cái được nhiều người mến mộ, chánh văn hoàng anh tú lên tiếng khẳng định: "văn minh thì đừng phạt con. đặc biệt là với những hình phạt bắt nguồn từ sự mong muốn dùng nó để bắt ép con mình phải làm theo ý mình mới là con ngoan trò giỏi, bắt con phải tuân lệnh cha mẹ mới là đúng. hình phạt nào cũng là sai nếu cha mẹ dùng nó để bắt con mình theo đúng ý mình."

Chánh văn hoàng anh tú một lần nữa nhấn mạnh, với anh, thứ cốt lõi của vấn đề giáo dục con cái là trưởng thành cùng con chứ không phải dạy con thành người.

Trong khi đó, chị Trần Thu Hà - một nhà báo, một cây bút sắc sảo với hơn 20 năm kinh nghiệm và là một "mẹ Xu Sim" với các đầu sách best-seller nói về chuyện giáo dục trẻ con như: "Con nghĩ đi mẹ không biết", "Buông tay để con bay"... nói về những mặt trái của các "hình phạt" đối với một đứa trẻ trên trang cá nhân: "Nhiều người nói rằng "tôi không dùng đòn roi, mà chỉ nói/ mắng đánh vào tinh thần". Nhất là giáo viên ngày nay, sợ camera và sợ kiện thì chỉ có mắng là chính.

Nhưng mắng mỏ, chì chiết cay nghiệt, xỉ nhục hoặc so sánh, thở dài não nề... cũng là bạo lực nhé. Mà bạo lực tinh thần có khi còn tổn thương nghiêm trọng và dai dẳng hơn đánh vài roi, tét đít vài cái ấy ạ."

Bởi vậy, chánh văn hoàng anh tú nhấn mạnh về việc nhiều bậc phụ huynh đang đau đầu "lựa chọn hình thức phạt con" như sau: "quát mắng hay nhẹ nhàng mang tính giáo dục đi nữa cũng chỉ là hình thức, phương tiện. thứ cốt lõi của vấn đề giáo dục con cái như tôi nói đó là trưởng thành cùng con chứ không phải dạy con thành người."

Nhưng muốn làm được điều này, các bậc phụ huynh cần nhiều hơn một niềm tin tuyệt đối vào tình yêu thương. Và đó chính là sự trách nhiệm!

YÊU THƯƠNG phải xếp sau TRÁCH NHIỆM

Khoảng chục năm trở lại đây, nhiều bố mẹ bắt đầu thay đổi quan điểm trong việc giáo dục con cái. Họ muốn con cái sau này được Hạnh Phúc - không thành công cũng được, mà nhất định phải Hạnh Phúc. Họ yêu chiều con, thậm chí không bao giờ từ chối hay trách phạt con.

Và thế là con muốn nghỉ học - ba mẹ cho nghỉ, con không hài lòng với giáo viên - ba mẹ sẵn sàng chuyển trường, con muốn mua gì - ba mẹ mua đó. Rồi đến lúc con đi học mẫu giáo, ba mẹ nhất định phải chọn trường nào có lắp camera, để mẹ hoặc bà ngồi nha canh nhìn con từng phút. Con dư cân nhưng không thích ăn rau thì thôi. Con lười suy nghĩ thì thuê gia sư để cầm tay từng bước cho con học... Với tất cả những điều này, nhiều bậc phụ huynh tin rằng, đây là cách thể hiện sự yêu thương với con vô - điều - kiện mà quên mất rằng, nếu yêu thương không đi cùng trách nhiệm, chưa chắc điều đó đã tốt cho con.

"Thực ra 1 đứa trẻ được cưng chiều cũng không sướng đâu. Yêu thương là có bảo vệ. Bạn có thương cái gì mà bạn lại bỏ bê và không bảo vệ nó, mặc nó ra sao thì ra không? Làm sao mà có thể gọi là yêu thương khi mặc con đi trên cầu mà không có lan can, mặc con sống trong khu trống trơn không có ranh giới, không có tường bao, không có cửa nả gì?

Thoải mái quá thì cũng có nghĩa là ba mẹ đang phó thác cho con phải tự ra quyết định mọi thứ, ba mẹ không quyền lực, không trách nhiệm. Nếu con được mặc sức làm tổn thương người khác, thì rồi sẽ tới lúc con làm tổn thương chính mình. Thoải mái quá cũng như bỏ mặc, chỉ có cỏ dại.

Không có ai Hạnh phúc khi bị bỏ mặc cả. Nhu cầu thuộc về là một trong những nhu cầu lớn nhất, bạn không thể nào hạnh phúc nếu bị đơn độc 1 mình. Và 1 người được chiều chuộng vô lối thì rất khó để có thể thuộc về cộng đồng nào.

Phụ huynh quá cưng chiều con cũng là phụ huynh lười, hoặc yếu đuối, sợ hãi.

Vì giải thích rồi chờ đợi con hiểu và đón nhận nhân - quả thì cần rất nhiều kiên định, kiên nhẫn, cần thời gian. Nhất là cần tin tưởng vào con và vào chính mình, vào cuộc đời này. Những ba mẹ quá dễ tổn thương thì thường đầu hàng con cho nó lẹ." - chị Trần Thu Hà bày tỏ.

Đồng quan điểm, chánh văn hoàng anh tú nói: "hình phạt khả dĩ có thể chấp nhận với tôi đó là trách nhiệm. hãy cùng con xây dựng những nguyên tắc trách nhiệm thay vì hình phạt. giống như một công dân vậy. trách nhiệm của con là gì? trách nhiệm của cha mẹ là gì? làm rõ chúng và dựa trên những điều đó để cùng nhau sống một cách có trách nhiệm.

Khi con không hoàn thành trách nhiệm thì con sẽ mất đi những quyền lợi mà con có được từ việc thực thi trách nhiệm đó. Cha mẹ cũng vậy. Yêu thương phải xếp sau Trách nhiệm. Bởi mục tiêu cuối cùng trong hành trình dạy con không phải là con sẽ trở thành ông này bà nọ trong tương lai mà phải là một công dân có trách nhiệm với chính bản thân nó. Tôi biết nó là điều khó khăn với nhiều cha mẹ vì chính cha mẹ đôi khi cũng vô trách nhiệm. Nhưng nhìn cây sửa đất, nhìn con sửa mình mà, hãy tốt lên mỗi ngày cùng con chứ đừng là muốn con tốt lên còn mình thì… già rồi bỏ đi."

"Tôi vẫn nghĩ cách dạy con không thể tách rời được việc học làm cha mẹ của người lớn"

Với Chánh văn Hoàng Anh Tú, anh không dùng những hình phạt để dạy con. Đồng thời, với vợ chồng anh, thời gian cả gia đình ở bên nhau cũng phải trở nên thật thú vị và vui vẻ, cùng những hướng dẫn, chỉ dạy ân cần của bố mẹ.

"tôi không dùng phạt. tôi thích dùng cách cùng. cùng đưa ra vấn đề và cùng tìm ra giải pháp. cùng định hướng tương lai dựa trên việc hài hòa giữa thế mạnh của con và sự hỗ trợ của cha mẹ. xây dựng con người trách nhiệm trong con bằng việc cùng con lập ra tiêu chí, nghĩa vụ và quyền lợi. tôi không phạt con khi con sai mà tôi chỉ cùng con dựa trên bộ tiêu chí để thấy chúng ta chúng ta sai ở đâu, sửa thế nào. sai của con không phải do con thế này hay do con thế nọ mà là chúng ta đã sai ở đâu, chúng ta có thể sửa lại chúng thế nào?

Cách nào đi chăng nữa cũng vô nghĩa nếu như cha mẹ nói một đằng làm một nẻo. Đòi hỏi con kỷ luật nhưng chính mình lại vô kỷ luật. Khuyên nhủ con phải thế này hay thế nọ mới đúng nhưng chính cha mẹ lại làm ngược lại. Hà khắc với con nhưng lại dễ dãi với bản thân vì "quyền làm cha mẹ" thì chẳng có ích gì. Hay những hình phạt tưởng là "kỷ luật không roi vọt" như tước bỏ những thứ con yêu thích, lờ con đi…cũng có nguy cơ trở thành "bạo hành lạnh". Tôi vẫn nghĩ cách dạy con không thể tách rời được việc học làm cha mẹ của người lớn. Chúng ta cứ muốn con phải học làm người nhưng chúng ta lại không chịu học làm cha mẹ thì làm sao con nghe???

Không phải hành trình làm người của chúng ta cũng chính là hành trình làm sai rồi sửa chữa cái sai đó sao? Ai cũng cần được sửa chữa thay vì dùng hình phạt và án phạt. Với riêng tôi, 3 đứa con của mình, chúng tôi đã gắn kết với nhau nhiều hơn sau mỗi lần vợ chồng tôi cùng 3 đứa "vật một sai lầm ra cùng nhau sửa chữa nó lại cho đúng"." - Hoàng Anh Tú chia sẻ.

Trẻ sẽ làm tốt nếu chúng biết cách làm và có đủ "nguyên vật liệu" để làm

Liên quan tới vấn đề này, chánh văn hoàng anh tú cũng mong rằng, các bậc phụ huynh hãy nghĩ đến 2 chữ cùng con chứ đừng thay con hay dạy con.

"Hai cách đó sai rồi với lũ trẻ hôm nay. Chúng ta sẽ DẠY CON thế nào về sự TÔN TRỌNG khi mà chúng ta thiếu TÔN TRỌNG lũ trẻ, chúng ta DẠY DỖ chúng, bắt chúng phải nghe lời chúng ta thay vì TÔN TRỌNG chúng, cùng chúng bàn bạc tìm ra giải pháp?" - Hoàng Anh Tú nhấn mạnh.

Như vậy, có thể thấy, dù cách giáo dục con trẻ được gọi với cái tên "cùng con" như của chánh văn hoàng anh tú hay bố mẹ cần trở thành 'vị sếp tốt' của con như pgs. ts trần thành nam – thành viên hiệp hội tâm lý và giáo dục việt nam – chủ nhiệm khoa các khoa học giáo dục, đại học giáo dục (đại học quốc gia hà nội) gợi ý thì đều có một quan điểm chung là: khi con được tin tưởng, được giải thích, được hướng dẫn từng bước, được học cách trở nên có trách nhiệm với bản thân - phù hợp với lứa tuổi, tính khí riêng, mục tiêu dài hạn, ngắn hạn của con. khi con nhận thức được cách làm và có đủ "nguyên vật liệu" để làm, con sẽ tự giác làm những điều đúng đắn nhất có thể mà không cần bất cứ hình phạt nào.

Mạng Y Tế
Nguồn: Afamily (https://afamily.vn/song-song-voi-day-con-bo-me-van-phai-hoc-lam-phu-huynh-2021100410564962.chn)

Tin cùng chuyên mục

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY