Môi trường hôm nay

Ô nhiễm môi trường

Chuyện của “Ký sự Xuyên Rừng”

Thanh Hóa: Phát động Cuộc thi viết và ảnh báo chí “Khát vọng Thanh Hóa” năm 2020

Báo Nhà báo và Công luận đã gặp gỡ và trò chuyện với BTV Phạm Kông Chí – người thực hiện kịch bản và đạo diễn loạt “Ký sự Xuyên Rừng” sẽ được phát sóng vào ngày 18 tháng 5 tới để hiểu hơn về hành trình tác nghiệp đầy dấn thân và nguy hiểm này.

Lao mình vào nơi “rừng thiêng nước độc”

Tôi biết đến BTV Phạm Kông Chí (VTV5) đã từ lâu, anh là nhà báo gần mười năm qua gắn bó với đồng bào dân tộc ở mọi miền của Tổ quốc. Lâu lâu tôi lại thấy anh xuất hiện ở những bộ phim tài liệu, phóng sự về một bản làng xa xôi nào đó trên đất nước. Đó có thể là đề tài về cuộc sống đồng bào dân tộc, phóng sự về thực hiện chính sách của Nhà nước đối với đồng bào dân tộc... Mọi thứ đều được thể hiện qua những thước phim sắc nét, rõ ràng.

Khác với những chuyến đi trước, chuyến đi rừng dài ngày lần này được anh chuẩn bị hết sức kỹ càng. Theo anh, công việc của chuyến đi lần này không phải để học hỏi, hòa mình vào mẹ thiên nhiên mà đó là lao mình vào nơi “rừng thiêng nước độc” và không có chỗ cho sai lầm.

Sau khi được lãnh đạo ban duyệt đề tài, việc chuẩn bị kỹ được triển khai khẩn trương. Không khác gì đi chiến đấu, quá trình rèn luyệt sức khỏe cho bản thân cũng được thực hiện rất nghiêm túc. Kông Chí chia sẻ: “Từ khi bắt đầu xây dựng kịch bản, trong khoảng 1 tháng đầu tôi và các thành viên ê-kíp đã tập thể lực, dậy từ 5giờ sáng chạy bộ, leo cầu thang bộ,... để khi bị “ném” vào rừng không bị choáng”.

Chuyến đi đầu tiên là khu vực Tây Bắc với điểm đến là Khu Bảo tồn loài và sinh cảnh Mù Căng Chải. Ê-kíp với sự hướng dẫn của lực lượng kiểm lâm đã leo xuyên những cánh rừng già lên tới độ cao 2.400 mét. Thành viên trong đoàn leo bộ mỗi chặng đường chừng 4 đến 5 giờ đồng hồ, với độ dốc núi lớn, nhiều nơi phải buộc dây vào cây để bám đi lên. Vừa đi vừa tác nghiệp, cả chuyến đi dài tổng cộng 5 ngày trong rừng và mọi thứ tách biệt với thế giới bên ngoài.

Mỗi thành viên phải chuẩn bị gồm võng, túi ngủ, chăn vì trên rừng rất lạnh, các loại bạt che. Những vật dụng không thể thiếu là giày chuyên dụng leo núi, các loại quần áo bảo hộ, Thu*c chống muỗi, vắt... Nhưng quan trọng nhất và được bảo quản nhất là các loại máy móc để tác nghiệp.

Kông Chí chia sẻ: “Chúng tôi mất 14 ngày để hoàn thành tác nghiệp tiền kỳ ở chuyến đi đầu, nội dung xuyên suốt của 4 tập phần Tây Bắc mà chúng tôi muốn truyền tải đó là nỗ lực, trách nhiệm và tình yêu với rừng của các lực lượng giữ rừng ở đây. Bởi chỉ đồng hành trong một chuyến đi tuần thôi mà vất vả, gian nan ngoài sức tưởng tượng của chúng tôi, còn với các lực lượng ở đây, đó là công việc hằng tuần của họ”.

Giá trị cuộc đời được đo bằng những chuyến đi

Những tưởng quen rừng Tây Bắc thì đến vùng rừng khác sẽ quen hơn, nhưng mỗi vùng trên mọi miền Tổ quốc lại có những đặc trưng riêng. Rừng Tây Nguyên ẩn chứa biết bao điều kỳ diệu với những cánh rừng nguyên sinh xanh thẳm bạt ngàn, những dòng thác hùng vĩ.

Nhắc đến đại ngàn Tây Nguyên, nhà báo Kông Chí lại nhớ một kỷ niệm rùng mình. Đó là chuyến đi mà anh cùng cậu quay phim theo chân một chuyến đi phục rừng di chuyển trên dòng sông Sê rê Pốk. “Sông đang mùa lũ, nước sông lên cao, trời tối đen vì chúng tôi không được bật đèn khi đi phục. Con thuyền tròng trành giữa dòng sông, bỗng dưng đâm uỳnh một tiếng, mọi thứ chao đảo. Lúc đó chúng tôi chỉ biết ghì chặt tay vào mạn thuyền, trong đầu chỉ nghĩ đến chuyện...bị lật thuyền. Đêm tối giữa dòng sông, thuyền bị đâm phải 1 thân gỗ lớn đang cuốn theo dòng lũ. Rất may anh kiểm lâm lái thuyền hôm đó nhiều kinh nghiệm, vững tay chèo. Đến khi vào bến an toàn, anh kiểm lâm mới nói, lúc đó anh không dám hô to, vì sợ các em mất bình tĩnh, nhảy khỏi thuyền thì cũng không biết xử lý thế nào”. Kông Chí chia sẻ.

Nếu giá trị cuộc đời được đo bằng những chuyến đi mà đã đi thì phải cố gắng cống hiến hết mình. Mong muốn có được hình ảnh chân thực nhất của lực lượng kiểm lâm khi làm nhiệm vụ, ê-kíp đã theo chân đi tuần. Và hình ảnh cán bộ kiểm lâm trên chiếc xe máy, với đủ thứ đồ đạc, cứ lao vun vút xuyên những cánh rừng trong đêm, không bật đèn, luôn sẵn sàng đối mặt với hiểm nguy đã ăn sâu vào tâm chí Kông Chí ngay cả tới thời điểm đang trò chuyện với chúng tôi. “Nó khiến tôi cảm nhận một cách đầy đủ nhất về sự hy sinh, cống hiến thầm lặng của các anh trong nhiệm vụ bảo vệ rừng. Trong đêm tối nhưng trái tim họ luôn sáng một tinh thần chiến đấu, sẵn sàng đối đầu, truy bắt, chiến đấu và chấp nhận những hiểm nguy” - Kông Chí xúc động cho biết.

Hãy chung tay bảo vệ môi trường sống

Hết chuyến đi Tây Nguyên, hành trình tại Vườn quốc gia U Minh Hạ cũng để lại nhiều ấn tượng với ê-kíp. Đó là cảnh quay chân thật khi lội bì bõm dưới nước đen ngòm trộn bùn than, khi thụt hố ngập đến tận bụng không thể bước tiếp, muỗi, vắt vây xung quanh, lấy tay đuổi không hết.

Nội dung ký sự là ghi nhận những thách thức trong việc bảo vệ rừng ở khu vực này đang phải đối mặt, nhất là tác động của biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn, đi kèm với đó là những giải pháp bền vững mà các lực lượng giữ rừng cùng cộng đồng dân cư đang chung tay thực hiện.

Riêng với Kông Chí, rừng Việt Nam mang đến cho anh cảm giác thú vị khác, đó là được về nơi mà cha ông đã từng sống những ngày chiến đấu giải phóng miền Nam, rồi mường tượng về những ngày chiến đấu ác liệt “rừng che bộ đội rừng vây quân thù”.

Ăn rau rừng, uống nước suối, ngủ trong đêm giữa rừng, trong quá trình đó hình ảnh cán bộ kiểm lâm thân thiện, chất phát thật thà, luôn sống lạc quan giữa muôn vàn khó khăn, thiếu thốn. Thấy được đóng góp cống hiến đó, mỗi thành viên ê-kíp lại có thêm động lực để bước tiếp, cố gắng thực hiện các cảnh quay sao cho chân thật và sinh động nhất.

Có đôi chỗ đâu đó hình ảnh không thể được rõ nét, chỉn chu như mong muốn bởi những điều kiện tác nghiệp khắc nghiệt, nhưng loạt ký sự mà ê-kíp muốn truyền tải là những hình ảnh chân thực nhất mà có thể nhiều người còn chưa biết, chưa hiểu hết về lực lượng kiểm lâm, về công việc giữ rừng mà các lực lượng đang hằng ngày thực hiện.

Kông Chí cho biết: “Trong hành trình được đi, gặp, đồng hành, nhiều kiểm lâm ở các địa bàn có trăn trở với chúng tôi rằng: Xã hội đâu đó dường như cũng có cái nhìn còn phiến diện về lực lượng kiểm lâm. Thế nên thông qua loạt ký sự này chúng tôi muốn khán giả hiểu hơn về họ, về lực lượng nòng cốt đang từng ngày bảo vệ rừng, mong muốn được mọi người hiểu và cùng chung tay góp phần nhỏ bé để bảo vệ môi trường trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày nay”.

Cũng giống như chiến sỹ canh giữ nơi đảo xa, những cán bộ kiểm lâm trên núi cao cũng cần được tôn vinh vì đóng góp thầm lặng. Nhưng đó không phải là tất cả những gì loạt ký sự muốn mang đến, mà đó còn là nghị lực vươn lên trong hoàn cảnh ngặt nghèo nhất, cũng giống như tinh thần chiến đấu của ông cha năm xưa. Mỗi thước phim cho khán giả những cung bậc cảm xúc khác nhau, nhưng đằng sau đó lòng say mê yêu nghề và tinh thần dám nghĩ, dám làm của tuổi trẻ, của các thành viên ê-kíp VTV5.

Lê Tâm

Mạng Y Tế
Nguồn: Công luận (https://congluan.vn/chuyen-cua-ky-su-xuyen-rung-post79142.html)

Tin cùng nội dung

  • Công an tỉnh Hậu Giang cho biết, ông chủ khu du lịch Phú Hữu ký nhiều hợp đồng huy động vốn, nhưng có nhiều điều khoản bất lợi đối với khách hàng...
  • Tự tay tạo ra và biên tập video bằng những ý tưởng độc đáo mang đậm phong cách cá nhân để quảng bá thương hiệu, chất lượng không kém gì các nhà làm phim chuyên nghiệp – Đó là những gì bạn có thể làm được chỉ sau 6 buổi học video content chuyên sâu với Huấn luyện viên, Nhà báo Phạm Nhung – CEO của Công ty Cổ phần Truyền thông và Dược phẩm VCM Việt Nam (VCM) Việt Nam, người có kinh nghiệm hơn 10 năm công tác trong lĩnh vực báo chí truyền hình.
  • Với tôi, cuộc đời làm báo, có lẽ được tính từ cái tin ngắn bé bằng nửa bàn tay viết về tăng gia rau xanh được in trên báo Quân đội Nhân dân cách đây khoảng 40 năm.
  • Vừa qua, tại Bệnh viện TƯQĐ 108 đã tiếp nhận một trường hợp nhồi máu cơ tim cấp đến trong tình trạng hết sức nguy kịch, bệnh nhân đau ngực dữ dội, mạch chậm, huyết áp xu hướng tụt. Đó là anh Trần Đăng K., phóng viên báo Nhân dân ở tuổi 42, cái tuổi đang chín về kinh nghiệm và gặt hái thành công thì lại lâm vào tình cảnh ngàn cân treo sợi tóc.
  • Nhà báo Hữu Thọ nguyên là Tổng Biên tập báo Nhân Dân, Chủ nhiệm khoa Báo chí của Học viện Báo chí và Tuyên truyền...
  • Đó là nhà báo Tống Hồ Cầm: sinh 23/2/1918; Bút danh: Tống Anh Nghị. Ông đã có hơn 70 năm viết văn, làm thơ, báo.
  • Người càng hiểu biết càng điềm đạm, chín chắn và sâu sắc trước một biến cố. Ngược lại, người càng nông cạn càng tỏ ra hiếu chiến và phản ứng dữ dội theo một chiều hướng mà có thể đúng hoặc sai.
  • Nhà báo Hoàng Thảo Minh tâm sự: “Chúng tôi không hề ép buộc các con điều gì. Tất cả đều từ sở thích và khả năng của các cháu.
  • Ngay trước hôm mổ, tôi phát hiện bệnh nhân đó là phóng viên của tờ báo đã đăng cả loạt bài về tôi. Tôi quyết định không mổ cho nhà báo đó. Tôi đã nói thẳng mọi chuyện với anh ta và thân nhân. Tôi chọn giải pháp ít xấu nhất cho mình, và cả cho bệnh nhân..
  • Ðầu tư cho y tế cơ sở (bao gồm y tế tuyến xã, phường, thị trấn và y tế thôn, bản) gắn với chăm sóc sức khỏe ban đầu và y tế dự phòng là chiến lược chăm sóc sức khỏe đỡ tốn kém
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY