Mang sách, lập thư viện là gieo mầm cho văn hóa, cho khoa học, cho kinh tế, cho hạnh phúc, cho tự do, nhất định sẽ được ủng hộ, phải không nào?
Ấy là những giá sách đã phân loại phủ kín các bức tường, những bao sách mới được chở về còn ngổn ngang, những chồng sách chất nghễu nghện gần hết diện tích hơn trăm mét vuông của căn nhà, những thùng cactông đang chờ đóng và danh sách các điểm trường thôn bản đang chờ lập thư viện, tủ sách...
Người mới đến có thể tìm, cầm lấy một cuốn sách và ngồi xuống đọc. Người đã quen có thể đi quanh tiếp tục việc phân loại sách ai đó làm còn dang dở, có thể lấy một cái thùng to và lần lượt lựa chọn bỏ vào đó những tập tô màu của các bé mẫu giáo, những truyện chữ to cho các bé lớp 1, những truyện tranh đủ màu sắc cấp I, truyện đọc cấp II, cấp III, sách dạy kỹ năng, tham khảo, bổ sung kiến thức cho giáo viên, phụ huynh.
Khi đã đầy, bạn có thể đóng thùng và dán lại. Một tủ sách nho nhỏ đã sẵn sàng để lên rừng xuống biển, tiếp tục cuộc hành trình gieo những mầm xanh hi vọng của những con chữ.
“Kế hoạch 1.001 thư viện sách lên rừng xuống biển đã đi được một nửa, chúng tôi tin rằng nửa còn lại mình sẽ đi được nhanh hơn, chất hơn” - Tú Anh hào hứng nói. Năng lượng trong chàng trai này như chưa bao giờ vơi cạn, ngút ngát lên như màu áo xanh cậu mặc mỗi ngày đi cùng dự án.
Thường xuyên nhất trên trang mạng xã hội của Tú Anh là những lời vừa kêu gọi vừa tự động viên: “Chúng mình cần sách, rất rất nhiều sách. Cần cả triệu quyển sách một năm cho 1.001 thư viện bản xa. Mình tích cực xin và tăng cả số lượng mua, mua cả số lượng lớn.
Cần cả sự giúp sức nữa: soạn sách, đóng sách, gửi sách đi. Trước đây chỉ thứ bảy, chủ nhật, bây giờ phải tranh thủ tất cả các buổi tối trong tuần nữa rồi. Các bạn giúp nhé. Cố lên nào”.
“Chủ nhật yêu thương” cũng thế. Hình thành đã hơn 10 năm, mỗi ngày nhóm đều có thêm thành viên mới, là các bạn sinh viên, học sinh biết đến qua mạng xã hội, các phương tiện truyền thông và truyền miệng, cũng có cả chú lái xe ba gác, xe ôm được nhờ chở bao sách về “đại bản doanh” và thế là đã tham gia nhóm bằng cách cứ cuối tuần lại giúp vài chuyến.
Mỗi người mỗi công việc, rảnh rỗi lại chạy đi các địa chỉ tặng sách, mua sách để chở về, có khi là những bao tải nặng hơn người; rảnh rỗi là đến đại bản doanh thư viện miệt mài phân loại sách, đóng thùng, có khi chỉ một mình; có một khoản thu nhập lại lặng lẽ chuyển khoản vào quỹ để mua sách, mua thùng, gửi bưu điện, tổ chức lễ hội sách bản xa...
Mỗi khi có thông báo sẽ tổ chức lễ hội “nơi bản xa ấy” là cả nhóm lại rộn lên với những mặt hàng mới cần mua, cần đóng góp: bàn ghế, đèn bàn, kệ sách, quả địa cầu, bản đồ, bút chì, bút sáp, máy chiếu, màn chiếu, bóng đá, bóng rổ… và hăm hở lên đường.
Tham gia một chuyến thật xa cùng nhóm đến tận bản Huổi Cọ, xã Nà Hỷ, huyện Tương Dương, Nghệ An mới thấy những tích góp lớn nhỏ, những giọt mồ hôi trong quá trình chuẩn bị ý nghĩa mức nào.
Các em bé dân tộc Thái, Mông lần đầu được cầm những cuốn sách rực rỡ đến như vậy; lần đầu được lần tìm bản làng mình trên quả địa cầu; lần đầu được đọc những câu chuyện ngụ ngôn về con cá, con chim, khu rừng, dòng suối, vừa rất quen vừa rất lạ; lần đầu được sở hữu riêng một góc học tập có bàn ghế, có đèn, có giá sách trong gian nhà gỗ ám khói…
Lễ hội sách do “Chủ nhật yêu thương” tổ chức ở bản Huổi Cọ, Nà Hỷ, Tương Dương, Nghệ An - Ảnh: PHẠM VŨ
Nụ cười bẽn lẽn của các cô cậu bé dần hồn nhiên hơn bên trang sách. Trung Hiếu, một cậu kỹ sư đã là thành viên “Chủ nhật yêu thương” từ những ngày sinh viên, say mê chụp ảnh các em, cười nói:
“Bỏ tiền túi, thời gian, công sức để trèo đèo lội suối, đi đến những vùng miền xa xôi. Thứ chúng tôi nhận được là tận mắt thấy những ánh mắt long lanh khi nhìn vô vàn quyển sách, tận tai nghe những giọng đọc ê a chưa tròn vành rõ chữ nhưng đầy say mê, tận tay làm những thư viện, những góc học tập đơn sơ nhưng đầy ý nghĩa.
Quý giá lắm bạn ơi, những chuyến du lịch xa xỉ không thể nào sánh được. Khi chúng tôi đi về, vẫn như đang còn ở trên mây”. Và “Chủ nhật yêu thương” cứ đi như thế từ Bình Phước, Đắk Lắk, Đắk Nông tới Nghệ An, Thanh Hóa, Yên Bái, Điện Biên, Lai Châu…
Ngồi giữa đống sách ngổn ngang trong căn nhà trọ của mình từng ngày, Tú Anh cười giòn: “Vui nhất là khi các cô giáo, phụ huynh thường xuyên gửi về những tấm ảnh, video chụp các em vẫn say mê đọc sách, đổi sách ở các điểm lập thư viện.
Và thế là chúng tôi lại có động lực để cố gắng xin sách, mua sách, đặt in thêm các đầu sách quý gửi đến bổ sung. Lúc nào quỹ cũng âm, có lúc âm rất sâu khiến bạn kế toán ra nghiêm lệnh: “Không được mua sách nữa”, nhưng rồi các tin nhắn chuyển khoản lại đến, có khi chỉ vài chục ngàn thôi nhưng chúng tôi lại bớt lo, lại yên tâm.
Mang sách, lập thư viện là gieo mầm cho văn hóa, cho khoa học, cho kinh tế, cho hạnh phúc, cho tự do, nhất định sẽ được ủng hộ, phải không nào?”.