Kinh tế xã hội hôm nay

Người đi xây thư viện nhỏ trên núi

Tự nhận mình là “cô đồng nát” chuyên đi xin sách cũ, chị Lan Anh dồn tâm huyết cho dự án lập những thư viện nhỏ, mong muốn từng bước thay đổi tư duy của trẻ em miền núi thông qua giáo dục.
Những ngày cận Tết, chị Phan Thị Lan Anh (Hà Đông, Hà Nội) tất bật đóng gói sách cũ để chuẩn bị cho chuyến đi Mèo Vạc, Hà Giang. Cả tháng nay chị bán những mặt hàng Tết qua mạng như lạp xưởng, măng khô, rượu táo mèo, rượu La Pán Tẩn để gây quỹ làm tủ sách cho trẻ em miền núi.

Ý tưởng làm từ thiện bằng sách đến với chị Lan Anh rất tình cờ. Vài năm trước, khi chị mua sách tặng cho đứa cháu nhỏ, nó tỏ ra bực bội “dì tặng quà cho cháu thì đừng tặng sách”. Tuy nhiên, trong những chuyến công tác lên vùng cao, chị nhìn thấy cảnh trẻ con thiếu thốn mọi thứ, khao khát được cầm những quyển sách dù đã sờn cũ.

Vốn làm việc cho tổ chức phi chính phủ, thường xuyên đi khảo sát nhiều vùng sâu, hành lý của chị Lan Anh luôn có thêm vài cuốn sách cũ gom từ nhà. Dần dần, nhiều địa phương thi nhau xin sách khiến chị nảy ra ý tưởng lập những tủ sách nhỏ cho trẻ em khó khăn.

Sau khi nghỉ sinh, chị bỏ hẳn công việc ở tổ chức phi chính phủ để tập trung cho dự án “thư viện nhỏ trên núi”, ra đời vào năm 2015.

“Nhiều người lên miền núi thường mang bánh kẹo tặng trẻ em, nhưng theo tôi đó chỉ là sự giúp đỡ tức thời, không có giá trị lâu dài. Nguyên nhân đói nghèo của người miền núi chính là tư duy cũ. Để thay đổi, cần đánh vào nhận thức của trẻ em thông qua giáo dục, mà phương tiện rẻ nhất là sách”, chị Lan Anh nhận định.

Trẻ em miền núi có nhiều thời gian rảnh nhưng không có hình thức giải trí phù hợp. Chị Lan Anh kêu gọi mọi người quyên góp sách, gồm sách giáo khoa và những cuốn có nội dung đơn giản, dễ đọc. Sau hai năm thực hiện dự án, chị xây dựng được 7 thư viện, mỗi thư viện hơn 1.000 đầu sách, chưa tính sách giáo khoa. Hiện các thư viện chỉ có sách tiếng Việt, thời gian tới sẽ được bổ sung sách tiếng Anh.

Quyên góp sách đối với chị Lan Anh không phải là chuyện khó nhất, điều quan trọng hơn là vận hành thư viện hiệu quả nhằm kích thích văn hóa đọc ở trẻ em vùng cao. Với chị, thư viện không chỉ là nơi các em đến tìm sách mà còn là địa điểm sinh hoạt văn hóa, nơi giao lưu của câu lạc bộ đọc sách, câu lạc bộ làm thơ, dạy kỹ năng sống.

Từng có thời gian làm việc cho một công ty sách, chị Lan Anh liên kết với khoa Thông tin thư viện của Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, nhờ hỗ trợ về kỹ thuật như mã hóa sách, viết tài liệu hướng dẫn sử dụng thư viện và phương pháp đánh giá hiệu quả. Những sinh viên thuộc khoa này có cơ hội thực tập cùng dự án, đến từng điểm tặng sách để khảo sát, học hỏi về quy trình gây quỹ, xử lý sách, điều hành thư viện.

Bên cạnh đó, chị muốn chọn ra một số trường điểm để làm thư viện thân thiện chuẩn. “Tôi không chỉ tặng sách mà sẽ hướng dẫn trẻ làm sổ thư viện, bao gồm thông tin người mượn, ngày mượn, ngày trả nhằm giữ gìn sách và để mỗi cuốn sách có vòng đời dài nhất. Sau một thời gian, những thành viên trong dự án sẽ quay trở lại để đánh giá hiệu quả của thư viện”, chị Lan Anh nói.

Những ngày mới bắt tay thực hiện, chị Lan Anh phải tự bỏ tiền túi mua sách, tự mình đi khảo sát vùng núi phía Bắc. Chứng kiến những nỗ lực của chị, nhiều người ngỏ ý quyên góp tiền nhưng chị từ chối, chỉ quy đổi ra thành sách bởi không muốn bị hiểu nhầm ý nghĩa.

Không ít lần chị Lan Anh gặp phải sự cố trên đường đi, nhưng với chị khi dám dấn thân vào khó khăn, cơ hội sẽ tự tìm đến. Mới đầu chưa có kinh nghiệm tổ chức từ thiện, hoạt động tự phát của nhóm còn khiến nhiều người e dè. "Điều may mắn là khi hiểu được thông điệp của thư viện nhỏ trên núi, nhiều đơn vị sẵn sàng giúp đỡ. Chẳng hạn, công an ở Hòa Bình phối hợp tổ chức các buổi giảng dạy về an toàn giao thông cho trẻ em xen kẽ với các buổi đọc sách", chị kể.

Khi chưa có ai tài trợ tiền, chị kêu gọi tình nguyện viên và thực hiện các hoạt động gây quỹ. Hiện dự án có khoảng 10 tình nguyện viên nòng cốt và rất nhiều mạnh thường quân từ khắp nơi luôn sẵn sàng giúp đỡ.

Việt Anh, sinh viên Đại học Kiến trúc Hà Nội, tình nguyện viên của dự án ngay từ những ngày đầu, chia sẻ: “Kinh phí hoạt động hạn hẹp nên chúng em luôn cố gắng tiết kiệm chi phí tối đa cho mỗi chuyến đi làm tủ sách, bạn làm truyền thông, bạn thiết kế logo sự kiện, bạn làm hoạt náo viên”.

Với chị Lan Anh, dự án “thư viện nhỏ trên núi” không chỉ mang đến tri thức cho các em nhỏ vùng cao mà còn đem lại nhiều bài học cho những người thực hiện. Dự án hướng đến những người trẻ, giúp họ tự rèn luyện kỹ năng đánh giá, giám sát, thiết kế một chương trình khoa học. Nhiều sinh viên vốn là cậu ấm, cô chiêu, chưa từng trải qua cực nhọc, nay được tự tay đóng tủ, phân loại sách, đi đến những vùng đất xa xôi để trao cho các em nhỏ.

Chưa có điều kiện hỗ trợ trẻ em ở mọi nơi, chị Lan Anh ưu tiên vùng khó khăn nhưng không quá xa, phù hợp để đi vào hai ngày cuối tuần, thuận tiện cho lịch làm việc và học tập của mọi người. Ngoài ra, nhiều phượt thủ khi biết đến dự án đã chủ động liên hệ và đề nghị giúp vận chuyển sách.

Thời gian gần đây, chị Lan Anh kết hợp tổ chức tour du lịch từ thiện nhằm tạo cơ hội cho phụ huynh dẫn con nhỏ đi cùng. Trẻ thành phố được tham gia vào mọi khâu tổ chức, kết bạn với trẻ vùng cao, thường xuyên viết thư hỏi thăm nhau. Đa số phụ huynh cảm thấy tự hào khi nhìn con lau dọn, nâng niu từng cuốn sách để mang tặng trẻ miền núi, đi mò cua bắt ốc với các bạn mới một cách hào hứng.

Hè 2016, chị Lan Anh kêu gọi được nhiều tình nguyện viên từ Tây Ban Nha, New Zealand, Mỹ sang Việt Nam dạy tiếng Anh. Nhiều gia đình địa phương lo chỗ ăn chỗ ở cho các tình nguyện viên suốt ba tháng hè. Clara MacDonell, một nữ sinh người Mỹ sau khi về nước đã viết thư bày tỏ: “Trải nghiệm dạy tiếng Anh cho trẻ em ở Yên Bái không chỉ giúp tôi rèn luyện kỹ năng giảng dạy mà còn khiến tôi cảm động khi được đối xử như một phần của cộng đồng”.

Ra Tết, chị Lan Anh có kế hoạch xây dựng thư viện cho 3 trường học ở Ninh Thuận, một trường ở Thanh Hóa. Với mục tiêu nhân rộng mô hình “thư viện nhỏ trên núi”, chị đang xây dựng app nhằm cập nhật địa điểm lập thư viện trên cả nước. Bằng cách này, những ai muốn tặng sách cho trẻ khó khăn sẽ nắm được tình hình, tránh chồng chéo và tiện bổ sung đầu sách một cách khoa học.

Mạng Y Tế
Nguồn: Vnexpress (http://vnexpress.net/tin-tuc/giao-duc/nguoi-di-xay-thu-vien-nho-tren-nui-3529563.html)

Tin cùng nội dung