Phóng sự hôm nay

Chuyện làng cá ngừ vang danh Đông Nam Á

Có hàng ngàn làng chài, ngư dân đời nọ nối tiếp đời kia sống bằng nghề đánh cá.

Nhưng, nếu hỏi ngư dân miền Trung rằng ở đâu thợ săn đại dương điêu luyện nhất, can trường, nghĩa tình và lãng mạn nhất họ sẽ trả lời ngay đó là Thiện Chánh (xã Tam Quan Bắc, huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định). Mỗi trận bão tố, cuồng phong dập dồn thành một cuộc tập rèn nghị lực và đúc rút kinh nghiệm với đời ngư phủ. Bắt bệnh, chăm chút cho nhau trong những ngày phiêu dạt cũng đã hun đúc nên ý nghĩ sắc son, rằng: Biển là nhà, mọi ngư dân đều là anh em.

Cá ngừ săn được sẽ không bảo quản bằng tạp chất.

Từ trong xóm nhỏ, cách đây gần một thế kỷ, những ngư dân lão luyện ở Thiện Chánh đã truyền nhau lời nhắc nhở ẩn chứa khát vọng: Không có đói nghèo nào ở cùng Thiện Chánh mãi/ Cứ bền bền lòng yêu biển, mẹ biển chẳng phụ mình. Cứ thế, người nọ động viên người kia dẫu có lúc cơm rau qua ngày thì họ cũng không bỏ làng, bỏ nghề.

Gần 60 tuổi đời, 40 năm đi biển, ông Nguyễn Thanh Xê (thôn Thiện Chánh 2) hào hứng: Lăn lộn qua nhiều vùng biển, tiếp xúc, đối mặt, đối thoại với ngư dân hàng chục nước khác nhau như Campuchia, Philippines, Đài Loan, Thái Lan... ai cũng thán phục “tinh thần thép” của người Thiện Chánh. Nghề đánh và câu cá ngừ nơi đây có từ hơn 100 năm nên kinh nghiệm tích lũy được rất dày. Trước đây gọi chung là làng Thiện Chánh, gần đây mới chia ra thành Thiện Chánh 1, Thiện Chánh 2.

Nhớ những ngày tháng chật vật, ông Lê Hợi (thôn Thiện Chánh 1) càng thấy khâm phục chính mình lẫn các bạn thuyền, ông bảo: Hiếm có nơi nào ngư dân như Thiện Chánh. Xưa, khổ lắm nên muốn thoát nghèo nhanh chúng tôi đi bắt cá mập. T*i n*n xảy ra liên tục. Có đợt hàng chục người sức khỏe suy kiệt mà vẫn không đánh được nhiều cá. Đối mặt cá mập, hiểm nguy rình rập nên trai tráng túa hết ra khơi xa “ăn ngủ với biển” để nghiên cứu phương án mới đó là săn cá ngừ. Ngay từ đầu đã xác định chỉ săn những con cá to, tuyệt đối không đánh tận diệt các loại nhỏ khác.

Năm 1998 có người Philipines hỏi ông Hợi: Ngư dân nước ông lạ thế. Bảo còn nghèo mà sao không vét sạch đi, không lấy mìn mà nổ nữa cho nhanh. Có người cho không ông Thu*c nổ. Nhưng, cả ông Hợi cùng tất cả ngư dân liền đồng loạt đáp: Không phá hoại biển, một lòng biết ơn biển, chỉ đánh bắt loại cá trưởng thành là lẽ sống của ngư dân Việt Nam. Từ đó, khí phách của ngư dân Thiện Chánh hằn in trong ý nghĩ ngư dân nhiều nước ở Đông Nam Á một cách đầy trân trọng.

Một trong những người giàu sáng kiến dụ và câu cá ngừ, ông Nguyễn Thanh Hồng (gần 60 tuổi, thôn Thiện Chánh 2) chia sẻ: Để thuần thục như hôm nay, chúng tôi cũng lăn lộn dữ lắm. Hơn 20 năm trước ngư dân nước ngoài họ đã nhăm nhe xâm hại lãnh hải của mình. Thấy chúng tôi đạm bạc, họ còn dụ dỗ này nọ nhưng ai cũng vững lòng, coi biển đảo là máu thịt của mình.

Nghiên cứu cách săn cá ngừ trưởng thành không dễ vì chúng thường đi theo đàn. Thợ câu phải nghiền ngẫm kỹ để chế tác ra các loại lưỡi phù hợp với cá trưởng thành. Thả xuống độ sâu bao nhiêu thì cá lớn ăn. Nếu có dấu hiệu các loài cá bé, sẽ tìm cách đuổi ra. Phải để chúng sinh sôi, thế mới không cạn kiệt được.

Coi mỗi lần gặp ngư dân nước bạn là một lần truyền đi quyết tâm của ngư dân Việt trên biển khơi, người Thiện Chánh sẵn sàng sẻ chia bữa ăn, nhu yếu phẩm nhưng tuyệt nhiên không để lộ ra bí quyết săn cá ngừ cho những ngư dân lạ có ý đồ không tốt. Lão ngư Trần Công (thôn Thiện Chánh 1) quả quyết: Từ đứa trẻ ở Thiện Chánh đã hiểu hải sản là nguồn sống của mình. Có lần mấy người ở nước khác cứ tiếp cận làm quen và mong tôi chỉ bí quyết săn cá ngừ nhưng đã bị chúng tôi khước từ. Biết đâu rồi họ lại dùng chính phương pháp của mình để lén đánh bắt trên vùng lãnh hải của ta.

Ngư dân Thiện Chánh vươn khơi.

Từ những chuyến vươn khơi thắng lợi, cá ngừ thành “cá nữ hoàng”, “cá biệt thự” với người Thiện Chánh. Nhớ những lần đối mặt với ngư dân Thái Lan, Campuchia, ông Nguyễn Thanh Xê bộc bạch: Với tinh thần, nghĩa tình là không biên giới, nhiều phen, người nước bạn gặp nạn được chúng tôi cứu giúp nên họ học tiếng Việt để giao tiếp. Bí quyết đi biển của họ kém sáng tạo hơn mình nhiều. Giờ, khẳng định ngay được rằng, chính nghề cá ngừ đã hiện thực hóa giấc mơ về một đời sống sung túc của người dân Thiện Chánh.

Quan trọng nhất của nghề câu cá ngừ là chuẩn bị cần câu (bằng tre), lưỡi, mồi và nắm bắt được tâm tính, thói quen di chuyển của loài cá này. Ở Thiện Chánh, khi thạo kỹ năng mới được vươn khơi, thế nên chẳng mấy khi về tay không.

Với kinh nghiệm lẫn sự sáng tạo của mình, người Thiện Chánh đi biển quanh năm. Mỗi tàu săn cá trên 10 người, vươn khơi 20-25 ngày cho thu nhập trung bình gần 1 tỉ đồng. Thợ săn cá ngừ trẻ Lê Đức Tính tâm tình: Chúng tôi chủ yếu câu cá ngừ ở Hoàng Sa, Trường Sa chứ không ở gần bờ. Vươn xa vừa để bảo vệ biển đảo vừa được cá lớn. Bắt đầu xuất biển chuyến đầu tiên, người thợ săn cá ngừ Thiện Chánh phải thề: Bảo vệ biển đến cùng. Tuyệt đối không được ủ bất cứ chất gì khác lạ để làm cá tươi ngoài đá lạnh. Bởi lẽ này nên cá ngừ ở Thiện Chánh rất được ưa chuộng, tàu thuyền cập bến buổi sáng, buổi trưa thương lái đến mua sạch.

Không dừng lại ở việc vươn khơi săn cá ngừ, ngư dân nữ ở Thiện Chánh còn học cách chế biến và mở các nhà hàng “cá ngừ sạch” để hút khách đến với vùng đất đầy nắng gió này. Bà Lê Hậu (thôn Thiện Chánh 1) khẳng định: Thiện Chánh giờ có trên 30 biệt thự rồi, nhà tiền tỷ nhiều lắm. Không ai nghèo nữa. Nhưng cái đặc biệt là, người Thiện Chánh thỏa ước với nhau, tiền nhiều là để phục vụ việc học tập cho thế hệ trẻ.

Nhiều lão ngư giàu có, hỗ trợ thế hệ trẻ đóng tàu mới vươn khơi xa.

Ở Thiện Chánh hiếm có sự ganh ghét. Ông Nguyễn Thanh Xê khẳng định: Không chỉ ở biển mà trong đất liền cũng vậy. Ai cũng phải chia sẻ cùng nhau. Vài chục năm trước còn khổ là vậy nhưng trong các chuyến đi săn cá ngừ, được anh em đánh lưới mách cho biết ở những vùng có cá ngừ to, chúng tôi đều chia phần công bằng hết, không ai thiệt cả. Trên tàu nếu có người ốm không làm được gì thì kết thúc chuyến đi vẫn được chia phần và chăm sóc chu đáo. Điều này cũng khiến nhiều ngư dân ở Đông Nam Á rất nể phục chúng tôi.

Bây giờ, nhiều ngư dân lão luyện thành đại gia như ông Trần Văn Sơn, Huỳnh Nầy, Lê Sô...làng xem đó là tấm gương để người khác đến học. Các lão ngư này cũng sẵn lòng chia sẻ, thậm chí hỗ trợ cho thế hệ trẻ đóng thuyền chắc chắn, thuyền mới để vươn khơi xa.

Theo UBND xã Tam Quan Bắc: Xuất phát điểm, Thiện Chánh có mấy chục tàu săn cá ngừ nhưng đến nay đã có khoảng 1.000 tàu. Tàu nào cũ nát là lập tức được sửa hoặc đóng mới ngay nên thợ săn rất an toàn. Có trên 1.000 người thạo nghề cá ngừ và hơn 500 người thạo các nét đẹp văn hóa dân gian như: Bài Chòi, dân ca... nên trong mỗi chuyến vươn khơi, đây sẽ là món ăn tinh thần góp phần xóa bớt mệt mỏi cho ngư dân.

Niềm vui với hàng ngàn ngư dân Bình Định nói chung, Thiện Chánh nói riêng, ngày 21/12/2018, tại huyện Hoài Nhơn, Cục Sở hữu và Trí tuệ (Bộ KH&CN) đã công bố Quyết định 38745/QĐ-SHTT công nhận nhãn hiệu Cá ngừ đại dương Bình Định. Pháp nhân chủ sở hữu nhãn hiệu này là Sở NN & PTNT Bình Ðịnh.

Ông Nguyễn Trung và nhiều người dân vừa đánh bắt vừa kinh doanh cá ngừ ở Thiện Chánh bày tỏ khát vọng: Nhãn hiệu đó vừa là niềm tự hào vừa là nhắc nhở để chúng tôi trung thực tuyệt đối với sản phẩm từ khâu đánh bắt, bảo quản đến tiêu thụ. Tất cả phải bảo đảm an toàn cho người tiêu dùng. Cá ngừ từ đây không chỉ xuất bán trong nước mà rồi sẽ còn vươn ra thị trường nhiều nước trên thế giới nữa.

Bài và ảnh: Hà Văn Đạo

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khỏe đời sống (https://suckhoedoisong.vn/chuyen-lang-ca-ngu-vang-danh-dong-nam-a-n158727.html)

Chủ đề liên quan:

cá ngừ đông nam á vang da

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY