Khoa học hôm nay

Cô là mối tình đầu của Napoleon năm 15 tuổi, nhảy sông tự vẫn khi bị người yêu phản bội, sau này trở thành Hoàng hậu của Thụy Điển

Napoleon từng say đắm thiếu nữ 15 tuổi Eugenie xinh đẹp và hứa hẹn trọn đời với cô, khiến Eugenie sụp đổ khi biết mình bị phản bội. Không ngờ rằng nhân duyên bất ngờ sau đó lại khiến cô trở thành Hoàng hậu Thụy Điển.

Napoleon là một con người đầy nghị lực và rất tham vọng, một nhà cai trị xuất chúng và được ca ngợi vì khả năng quân sự thiên tài. Nhưng bên cạnh đó, Napoleon cũng có những mối tình bi thảm và lãng mạn vẫn được lưu truyền đến ngày nay. Trong đó không thể không kể đến Bernadine Eugenie Desiree Clary, người sau này trở thành Hoàng hậu Thụy Điển.

Eugenie Desiree Clary là mối tình đầu của Napoleon, sau này trở thành Hoàng hậu Thụy Điển

Suốt cuộc đời mình napoleon đã gặp gỡ nhiều mỹ nhân, nhưng ông không bao giờ có thể quên được thời điểm lần đầu tiên gặp cô gái xinh đẹp eugenie desiree clary (1777 - 1860) vào năm cô vừa bước sang tuổi 15.

Eugenie vốn là con gái út của một thương gia tơ lụa giàu có ở Marseille. Tuy còn ít tuổi nhưng Eugenie tỏ ra khá trưởng thành, biết đối nhân xử thế và được lòng nhiều người.

Chị gái của Eugenie đã giới thiệu cô với Napoleon, ngay lập tức, chàng trai trẻ biết mình đã trúng "tiếng sét ái tình".

Napoleon khi đó chưa có địa vị hay quyền lực, nhưng Eugenie yêu vẻ cương nghị, quyết đoán của chàng trai này, cô tin vào tương lai của Napoleon - điều chưa có gì hứa hẹn. Cả hai nhanh chóng chìm đắm trong tình yêu. Cô nhận lời cầu hôn của Napoleon, khiến cha mẹ cô buộc phải chấp nhận mối quan hệ đôi bên. Họ nhân nhượng nhưng vẫn đặt điều kiện rằng cả hai chỉ có thể kết hôn khi cô đủ 18 tuổi.

Tuy nhiên không lâu sau, hai người phải sống trong cảnh phải biệt ly. Hôn ước đã bị phá vỡ khi gia đình cô chuyển đến Genoa. Chán nản, Napoleon đã gửi gắm cảm xúc của mình về mối quan hệ này vào một cuốn tiểu thuyết lãng mạn mang tên "Clisson et Eugenie" (Clisson và Eugenie), kể về mối quan hệ phức tạp giữa một người lính và người vợ của anh ta ở quê nhà.

Năm 1794, Napoleon được cử tới nước cộng hòa Genoa cực kỳ nghèo khó. Mặc dù khó khăn nhưng ông vẫn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình. Về lý mà nói, Napoleon là một công thần nhưng khi quay về Nice không lâu, ông lại bị bắt giam và giam cầm trong một pháo đài gần Antibes vì một số lý do chính trị.

Trong thời gian bị cầm tù, Napoleon rất nhớ Eugenie. Ông thường xuyên hôn lên món đồ đeo trước ngực mà cô tặng. Biết tin Napoleon bị bắt, Eugenie đã hết sức lo lắng. Sau nhiều lần khóc cạn nước mắt, cuối cùng cô quyết định lấy hết can đảm tới nhà tù ở Nice thăm Napoleon.

Eugenie dùng nước mắt để làm động lòng mấy viên cai ngục với mục đích đem gói đồ vào cho Napoleon. Sau này mỗi khi nhớ lại chuyện này, Napoleon cũng không khỏi bùi ngùi xúc động: "Gói đồ mà Eugenie mang vào lúc bấy giờ là tình thương, dũng khí và sức mạnh là đức tin để tôi thoát khỏi xiềng xích". Vì vậy, ngay khi ra tù, Napoleon đã ngỏ lời cầu hôn Eugenie nhưng cô khước vì muốn chờ tới năm 18 tuổi.

Năm 26 tuổi, Napoleon chính thức trở thành anh hùng dẹp loạn tại Paris. Có trong tay danh tiếng và tiền bạc, ông bắt đầu quen biết nhiều phu nhân thuộc tầng lớp thượng lưu trong xã hội. Như một lẽ tự nhiên, Napoleon nhanh chóng bị những người phụ nữ quý tộc xinh đẹp quyến rũ và tình yêu đối với Eugenie dần bị ông lãng quên.

Napoleon sau đó rơi vào vòng xoáy tình ái với Josephine - một quả phụ đã có hai đứa con. Cũng nhờ có các mối quan hệ của Josephine mà Napoleon được bổ nhiệm làm tổng tư lệnh bên Ý.

Về phần mình, sau một năm bặt vô âm tín, Eugenie quyết định lên Paris tìm vị hôn phu. Trái ngang thay, ngày Eugene gặp được Napoleon cũng chính là lúc ông tuyên bố kết hôn với Josephine. Nghe xong tin này, Eugenie như bị sét đánh ngang tai. Cô thốt lên từ "không" rồi ném chai rượu lên chiếc váy trắng mà tình địch đang mặc vì quá đau đớn và xúc động. Sau đó, Eugenie một mình bỏ đi trong cơn mưa tầm tã.

Bức tranh tái hiện cảnh Napoleon phong danh phận Hoàng hậu cho Josephine

Tức giận và tuyệt vọng, Eugenie nhảy xuống sông tự vẫn. Rất may, tướng Bernadotte đã kịp thời tới cứu cô. Cảm phục trước tình cảm chân thành, thủy chung của Eugenie, Bernadotte đã cầu hôn cô nhưng Eugenie thẳng thừng từ chối.

Mối quan hệ tay ba giữa Bernadotte, Eugenie và Napoleon cũng vô cùng đặc biệt. Bernadotte là một trong số ít các Thống chế đã tự mình tạo dựng được danh tiếng trước khi Napoleon nổi lên, bởi vậy cả hai đều là đối thủ tiềm năng cho ngai vàng Hoàng gia. Vì cùng quen biết hai người, Eugenie trở thành cầu nối thư từ giữa hai người đàn ông.

Sau trận chiến Wagram năm 1809, Napoleon tức giận với Bernadotte, tước bỏ danh hiệu Thống chế của ông, điều này cũng đã kết thúc sự nghiệp của ông trong quân đội Pháp.

Năm 1798, Eugenie quay lại Paris và lần này cô đã không từ chối lời cầu hôn của tướng Bernadotte. Nếu nhìn vào bên ngoài, Eugenie đã kết hôn với một người kém hơn tình cũ, thay vì trở thành Hoàng hậu Pháp thì lại là vợ của một Thống chế bị thất sủng. Tuy nhiên thời gian và số phận đã chứng minh điều ngược lại.

Trở lại năm 1806 khi Bernadotte vẫn còn là Thống chế, trong trận Lübeck, lực lượng của Bernadotte đã bắt được một đội quân Thụy Điển. Bernadote đã tuân theo nguyên tắc riêng của mình, đối xử tử tế với các tù nhân. Khi trở về Thụy Điển, những tù nhân này kể lại rằng một Thống chế Pháp không phải là kẻ thù vô nhân đạo.

Câu chuyện này lại tiếp tục mang lại lợi ích cho Bernadotte vài năm sau đó, khi Vua Charles XIII cần tìm một người có thể làm con nuôi trong Hoàng gia để kế thừa ngai vàng sau này. Vì châu Âu bị lôi kéo vào chiến tranh, họ nghĩ điều quan trọng là người này phải có đầu óc quân sự tốt. Bernadotte trở thành một ứng cử viên xuất sắc. Và thế là vào năm 1810, Bernadotte được nhận vào dòng dõi Hoàng gia Thụy Điển, theo đó Eugenie cũng trở thành Công chúa.

Điều này chứng tỏ là một vị trí lâu dài tốt hơn nhiều so với việc trở thành Hoàng hậu của Napoleon. Vào năm 1815, quyền lực của Napoleon đã bị tiêu tan, trong khi Bernadotte sẽ cai trị Thụy Điển (và cuối cùng là Na Uy) trong gần ba thập kỷ nữa. Ngay cả sau cái chết của Bernadotte, Eugenie sẽ có ảnh hưởng trong vương quốc của ông với tư cách là Hoàng thái hậu cho đến khi bà qua đời vào năm 1860, rất lâu sau khi Đế chế thứ nhất của Pháp được lưu danh vào lịch sử.

Theo Thương hiệu và Pháp luật

Link bài gốc Lấy link

https://ngoisao.vn/theo-dong-su-kien/ho-so-tu-lieu/co-la-moi-tinh-dau-cua-napoleon-nam-15-tuoi-nhay-song-tu-van-khi-bi-nguoi-yeu-phan-boi-sau-nay-tro-thanh-hoang-hau-cua-thuy-dien-335150.htm

Theo Thương hiệu và Pháp luật

Mạng Y Tế
Nguồn: Doanh nghiệp VN (https://doanhnghiepvn.vn/kham-pha/co-la-moi-tinh-dau-cua-napoleon-nam-15-tuoi-nhay-song-tu-van-khi-bi-nguoi-yeu-phan-boi-sau-nay-tro-thanh-hoang-hau-cua-thuy-dien/20240411064131123)

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY