Công trình nghiên cứu được thực hiện với 4.029 người tham gia trải dài qua các tỉnh, thành: Thái Nguyên, Hà Nội, Hải Phòng, Thừa Thiên Huế, TP.HCM.
Trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, có nhiều nguồn thông tin khác nhau, có những thông tin sai, gây hoang mang và lo sợ trong cộng đồng. Việc này làm ảnh hưởng tới sức khỏe và chất lượng cuộc sống của người dân. Trong khi đó, Việt Nam là nước có điểm số năng lực về sức khỏe thấp nhất trong số các nước châu Á được nghiên cứu trước đó. Do vậy, việc tìm ra các yếu tố có tác dụng bảo vệ sức khỏe tâm thần và chất lượng cuộc sống trong giai đoạn này là rất quan trọng để “an dân”. Chính vì thế, trong số các yếu tố nghiên cứu, chúng tôi chú trọng vào năng lực sức khỏe của người dân - PGS.TS. Hoàng chia sẻ.
Nhóm nghiên cứu gồm 17 nhà khoa học Việt Nam cùng 02 nhà khoa học Đài Loan, bắt đầu thực hiện nghiên cứu cắt ngang từ ngày 14/2 - 2/3/2020, khi dịch Covid-19 bắt đầu lan ra nhiều nước trên thế giới. Riêng tại Việt Nam, tại thời điểm 14.2 ghi nhận 16 ca nhiễm và đã thực hiện cách ly toàn xã Sơn Lôi, huyện Bình Xuyên, Vĩnh Phúc (với 5/16 ca nhiễm). Nội dung công trình đi vào nghiên cứu vấn đề vai trò của năng lực sức khỏe (Health Literacy) trong việc bảo vệ sức khỏe tâm thần và chất lượng cuộc sống của người dân trong đại dịch Covid-19, đặc biệt là với người có triệu chứng tương tự với người nhiễm Covid-19.
TTƯT.PGS.TS. Nguyễn Công Hoàng (phải) trong một buổi lễ ký kết với đối tác Nhật Bản
Nhóm tiến hành nghiên cứu đối với 3.947 người mang biểu hiện ho sốt và triệu chứng nghi nhiễm Covid-19, tại các cơ sở y tế ở Thái Nguyên, Hà Nội, Hải Phòng, Thừa Thiên Huế, TP. Hồ Chí Minh.
Nghiên cứu này cho kết quả: Trong số những người có dấu hiệu trầm cảm (PHQ ≥ 10), 64,3% được tìm thấy ở người có các triệu chứng nghi nhiễm Covid-19. Trong đó, tỉ lệ này với nhóm người dưới 40 tuổi là 33%, với nhóm người 40 - 59 tuổi là 24,8%, với nhóm người từ 60 tuổi trở lên 42,2%. Đồng thời, tỉ lệ này cũng có sự thay đổi tùy theo sự khác biệt về trình độ học vấn, tình trạng xã hội, tình trạng ăn uống, hoạt động thể chất, khả năng chi trả cho Thu*c men…
Nghiên cứu cho thấy, một trong những lí do quan trọng dẫn đến tâm lí trầm cảm là vì các thông tin về dịch bệnh mà người dân được tiếp nhận chủ yếu mới thiên về bề rộng (ở nhà, tránh tiếp xúc, giữ vệ sinh...) chứ chưa đủ chiều sâu (tại sao, cụ thể cần làm thế nào...), khiến nhiều người lo sợ, phòng chống không đúng cách.
Xét nghiệm virus SARS-CoV-2 (COVID-19) tại Bệnh viện Đa khoa Trung ương Thái Nguyên
Kết quả nghiên cứu này là căn cứ quan trọng để tham khảo trong việc can thiệp y tế khi nó giúp các y bác sỹ có tinh thần và thái độ tích cực, phù hợp hơn trong quá trình tư vấn và điều trị cho người bệnh, cũng như hướng đến cung cấp những dịch vụ y tế hiệu quả hơn trong kiểm soát dịch bệnh.
Một trong những lí do quan trọng dẫn đến tâm lí trầm cảm là vì các thông tin về dịch bệnh mà người dân được tiếp nhận chủ yếu mới thiên về bề rộng (ở nhà, tránh tiếp xúc, giữ vệ sinh...) chứ chưa đủ chiều sâu (tại sao, cụ thể cần làm thế nào...), khiến nhiều người lo sợ, phòng chống không đúng cách.
Theo PGS.TS. Nguyễn Công Hoàng, công trình khoa học này không chỉ có giá trị về lí thuyết với sự đóng góp cho lĩnh vực sức khỏe tâm thần (tinh thần), mà còn có giá trị ứng dụng thực tiễn cao khi nó giúp củng cố và bù đắp những thiếu hụt về hiểu biết y tế cho người dân, hỗ trợ kỹ năng phản ứng cho y bác sĩ.
Như phân tích của các tác giả công trình, hiểu biết sức khỏe là một điều thiết yếu của thực hành y tế công cộng để tạo ra các can thiệp hiệu quả, tối đa hóa kết quả sức khỏe người dân. Hướng nghiên cứu này đã đóng góp một cách tiếp cận mang tính chiến lược trong vấn đề ngăn ngừa, kiểm soát dịch bệnh.
Qua mỗi một giai đoạn của dịch bệnh, nhận thức của toàn xã hội đều có sự cải thiện, cách thức tuyên truyền cũng thay đổi. Tuy nhiên, hiện cách tuyên truyền của chúng ta mới dừng ở chiều rộng là những khẩu hiệu như “không nên tập trung đông người”, “không nên ra khỏi nhà”, trong khi đáng ra phải tuyên truyền ở chiều sâu rằng vì sao lại thế? Đơn cử, hiện Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên có tổng đài tư vấn, tiếp nhận thông tin về Covid-19. Chúng tôi vẫn nhận được những câu hỏi của người dân như Covid-19 có lây qua tiền mặt không, liệu cho tiền vào túi nilon bọc kín có giảm nguy cơ lây nhiễm không, khi khỏi bệnh rồi thì virus có tồn tại mãi trong cơ thể như virus HIV không?... Chính phủ và Bộ Y tế là cung cấp các nền tảng có thể truy cập với thông tin chính thức và đáng tin cậy về đại dịch. Trong chính ngành y tế cũng cần phải tập huấn cho đội ngũ y bác sĩ để tư vấn cho người dân có cách hiểu cặn kẽ về virus này. Ngoài ra, người dân nên tăng cường các hành vi học tập suốt đời như xem các chương trình liên quan đến sức khỏe, đọc các trang web chính thức để cải thiện năng lực về sức khỏe cá nhân, qua đó góp phần ngăn ngừa và kiểm soát các bệnh truyền nhiễm.