Trong bối cảnh nhiều chính phủ trên thế giới lên kế hoạch nới lỏng lệnh phong tỏa, số người nhiễm bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus corona chủng mới (Covid-19) gây ra đã gia tăng trở lại tại một số quốc gia, làm dấy lên nỗi lo về một làn sóng lây nhiễm mới.
Tại châu Á, nơi virus khởi phát, số ca nhiễm Covid-19 tại các quốc gia như Trung Quốc và Hàn Quốc, đã tăng trở lại sau khi lệnh phong tỏa được nới lỏng và trong một số trường hợp, giới chức phải tái ban bố các biện pháp giãn cách xã hội.
Trong tháng 4-2020, số ca nhiễm mới mỗi ngày của Trung Quốc luôn ở mức thấp và chủ yếu từ nước ngoài trở về. Tuy nhiên, giới chức y tế nước này những ngày qua cảnh báo nhiều ổ dịch mới đã xuất hiện tại một số thành phố như Vũ Hán và Thư Lan.
Theo Reuters, giới chức Trung Quốc đã tăng mức độ rủi ro của Thư Lan từ trung bình lên cao, đồng thời tái áp đặt một số biện pháp phong tỏa vào tuần này, bao gồm đóng cửa nhiều không gian công cộng như cơ sở thể thao và thư viện, hoãn một số dịch vụ tàu đến và đi từ thành phố.
Với nhiều chuyên gia, câu hỏi lúc này không phải là liệu đợt lây nhiễm tiếp theo có xảy ra hay không mà là chính phủ và người dân các nước có thể chuẩn bị như thế nào để ứng phó tốt hơn đợt lây nhiễm thứ nhất.
Nhân viên y tế phun Thu*c khử trùng tại một ổ dịch mới ở khu vực Itaewon - Hàn Quốc hôm 12-5 Ảnh: REUTERS
Với việc virus đã lây lan ra khắp châu Âu, "thật ngây thơ khi nghĩ rằng đại địch Covid-19 sẽ sớm kết thúc" - chuyên gia về bệnh lây nhiễm Erika Vlieghe của Bệnh viện Trường ĐH Antwerp (Bỉ) cảnh báo.
Trong khi đó, Giám đốc Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát Dịch bệnh châu Âu (ECDC) Andrea Ammon khẳng định nếu lệnh phong tỏa được gỡ bỏ quá sớm mà không kèm theo hoạt động xét nghiệm, truy dấu liên lạc, duy trì khoảng cách và rửa tay, "chúng ta có thể đối mặt với làn sóng lây nhiễm tiếp theo khá nhanh chóng".
Theo trang Politico, những dấu hiệu ban đầu có thể đã hiện hữu. Sau khi Đức nới lỏng một số biện pháp phong tỏa, tỉ lệ lây nhiễm Covid-19 tại quốc gia này đã tăng lên mức cao hơn 1, nghĩa là một bệnh nhân có thể lây nhiễm cho hơn một người.
Tại Anh, Thủ tướng Boris Johnson hôm 11-5 công bố "lộ trình cẩn trọng" để tái mở cửa kinh tế, trong đó có khuyến nghị đeo khẩu trang. Theo Trường ĐH Hoàng gia London (Anh), số Tu vong vì Covid-19 tại quốc gia này (đã vượt mốc 32.000 người) có thể tăng lên hơn 100.000 người nếu các biện pháp phong tỏa được gỡ bỏ quá nhanh.
Cùng ngày, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố chấm dứt giai đoạn "nghỉ làm, cách ly" trên toàn quốc sau 6 tuần thực hiện, bất chấp số ca nhiễm Covid-19 mỗi ngày tại quốc gia này vẫn đang tăng mạnh, với gần 11.000 ca vào ngày 11-5, lên tổng số hơn 232.000 ca.
Theo đó, công nhân làm việc trong những ngành "không thiết yếu" sẽ được chính phủ liên bang cho phép trở lại làm việc từ ngày 12-5. Dù vậy, ông chủ Điện Kremlin vẫn để giới chức địa phương quyết định về việc gỡ bỏ hoặc gia hạn các biện pháp phong tỏa riêng, bởi "cuộc chiến chống Covid-19 vẫn chưa kết thúc".
Giám đốc điều hành Chương trình Khẩn cấp Y tế của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Mike Ryan cũng nhấn mạnh rằng các nước cần "cảnh giác cao độ" trong lúc nới lỏng phong tỏa.
Cao Lực
Chủ đề liên quan:
bệnh lây nhiễm cảnh giác cao độ chính phủ liên bang công nhân làm việc Covid 19 COVID_19 đeo khẩu trang hô hấp cấp không gian công cộng kiểm soát dịch bệnh lây nhiễm nhân viên y tế thứ hai tổ chức y tế thế giới Tổng thống nga vladimir putin viêm đường hô hấp viêm đường hô hấp cấp