Dinh dưỡng hôm nay

Cua Huỳnh Đế - Danh bất hư truyền

Nhắc đến tên loại cua này, không ít người tỏ ra ngạc nhiên vì lạ lẫm, nhưng đối với giới sành ăn thì nó lại có thứ bậc không kém gì những hải sản nổi tiếng như cá trích, cá trám đen, cá hồi đỏ...

Truyền thuyết kể rằng, khi vua Gia Long đến Hòn Tranh, một đảo nhỏ sát đảo Phú Quý, thấy ngư dân đánh bắt được loại cua màu đỏ hồng như chiến bào, hình dáng như loài rùa nên ăn thử. Càng ăn càng thấy ngon nên đã ông đưa tên nó vào danh sách thực phẩm cung tiến cho triều đình và cũng từ đó ngư dân trên đảo Phú Quý đã đặt tên thứ cua biển này là cua Huỳnh Đế (còn gọi là Hoàng Đế) và xem nó như biểu tượng của sự may mắn và phồn thịnh.

Từ truyền thuyết đến thực tại

Theo giả thuyết của các nhà sinh vật biển đưa ra thì cua Huỳnh Đế có thể có nguồn gốc từ những loài cua đá nguyên thủy nên hình dạng khá đặc biệt, dễ gây ấn tượng mạnh hơn so các giống cua khác như: nhìn giống con bọ cánh cứng khổng lồ, có khá nhiều râu, lưng nhiều gai, càng và que ngắn, mặt lưng mai phủ đầy phiến vảy lồi chếch về phía trước …

Và có lẽ để tương xứng với những truyền thuyết xuất thân của mình, nên cua Huỳnh đế chỉ chọn nơi sinh sống ở những vùng biển sạch, có đáy cát vàng và nguồn nước trong xanh.

Khác với các loài cua khác, cua Huỳnh đế khá khôn ngoan khi biết cách ngụy trang rất tinh tế. Với bộ mai nhiều râu, lưng đầy gai nhỏ, càng và que ngắn, cua Huỳnh Đế dễ dàng ẩn mình hòa vào các đám san hô để săn mồi và tránh kẻ thù khi thấy động. Vì vậy, việc bắt được cua Huỳnh Đế đối với các ngư dân lành nghề có thể nói là khá kỳ công, nó đòi hỏi sự khéo léo, kinh nghiệm và độ kiên trì rất cao.

Để có được một con cua Huỳnh Đế chất lượng, người đánh bắt phải dùng cách bẫy “rập” từng con thay vì cào hay lưới như các loại cua khác. Mỗi thuyền đánh bắt cua Huỳnh Đế ra khơi thường trang bị từ 200-300 cái rập, khi thả, mỗi rập phải cách nhau 5m, ấy vậy mà sau một chuyến như thế họ chỉ thu về được vài chục con! .

Với ngư dân ở các vùng biển có cua Huỳnh Đế, tháng chạp âm lịch chính là tháng được mùa cua. Vì vào tháng này cua Huỳnh Đế đực và cái đều mang những chiếc bụng căng tròn vì gạch, cua cái lại có thêm trứng nên chúng khá lười vận động trong làn nước biển lạnh cuối năm.

Thông thường, cua Huỳnh Đế có phần thân chỉ to hơn bàn tay, nặng hơn nửa ký. Một số con sống ở vùng biển sâu có thể cân nặng một, hai ký. Nếu xét về cân nặng thì cua Huỳnh Đế có thể bị xem là “hạng lông” so với các giống cua vua khác trên thế giới, nhưng nếu xét về độ thơm ngon và chất lượng thịt thì chưa chắc loại nào đã hơn được loại nào! S

ớ thịt cua Huỳnh Đế chắc, ngọt-dai-thơm với rất nhiều đạm, khi luộc chín mai cua màu đỏ hồng tươi rất đẹp giòn, mềm, dùng răng thường đã có thể cắn bể được… Vì vậy, nếu ngư dân nào bắt được một chú cua Huỳnh Đế nặng trên 2kg trong chuyến ra biển thì người đó được xem là người may mắn nhất trong ngày! .

Ăn ngon không cần cầu kỳ

Cách chế biến để cua Huỳnh Đế có thể phô được hết cái ngon của mình là hãy tiết giảm gia vị! Những gia vị được cho là có khả năng làm nên nốt thăng cho những món ăn khác như: phômai, bơ, hành, tỏi… lại ít có tác dụng với cua Huỳnh Đế. Vì vậy cách ngon và đơn giản nhất để thưởng thức là hãy hấp cua Huỳnh Đế với muối tiêu cùng ớt xanh dân dã.

Thêm một cách chế biến truyền thống tuy khá lích kích nhưng dễ khiến nhiều người sau một lần thưởng thức phải nhớ mãi là cháo cua Huỳnh Đế. Với mùi thơm đặc trưng, cháo cua Huỳnh Đế có thể tăng cường sinh lực cho đàn ông, bồi bổ cơ thể cho phụ nữ, nhất là những phụ nữ đang nuôi con nhỏ.

Bên cạnh những cách chế biến truyền thống này, nếu bạn là người thích cho khẩu vị của mình được miên man trãi nghiệm trong thế giới ẩm thực thì có thể nếm vị cua Huỳnh Đế qua các cách chế biến hiện đại và cầu kỳ khác như: rang me, rang muối… và chắc chắn một điều là, dù độ ngon ngọt của những cách chế biến sẽ khác nhau, nhưng sự thích thú với cua Huỳnh Đế trong bạn vẫn sẽ giống nhau!

Những điều chưa biết về cua Huỳnh Đế

- Tên tiếng Anh: Spanner crab, Red frog crab, frog crab, kona crab.

- Nếu cua Huỳnh Đế bị chết hoặc bỏ tủ lạnh dài ngày thì thịt sẽ bở, lạt như bột hấp sống. Giá cua Huỳnh Đế hiện nay khoảng từ 500 ngàn đồng trở lên một ký.

- Cua Huỳnh Đế xuất hiện nhiều ở vùng biển Ấn Độ - Thái Bình Dương, vùng biển phía đông Australia, phía Đông của châu Phi băng qua vùng biển Ấn Độ tới Indonesia, Nhật Bản, Hawaii... Ở Việt Nam, cua Huỳnh Đế phân bố khá rộng nhưng nhiều nhất là vùng biển miền Trung và Nam Bộ.

- Khối lượng trung bình nặng khoảng 500g, con lớn nặng khoảng 900g với chiều dài giáp đầu ngực là 15cm, chiều dài toàn thân là 20cm. Cá thể lớn nhất chiều dài toàn thân có thể lên tới 25cm.

- Ở Việt Nam, khi bạn từ phương xa đến chơi mà được ngư dân trên các đảo có cua Huỳnh Đế chiêu đãi bạn món cua “hoàng tộc” này, thì chắc chắn bạn đã là khách quý của họ rồi!

Vũ Hùng

Theo tạp chí Sống Khỏe

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khoẻ gia đình (https://suckhoegiadinh.com.vn/dinh-duong/dinh-duong/cua-huynh-de--danh-bat-hu-truyen-20582/)

Chủ đề liên quan:

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY