Kinh tế xã hội hôm nay

Cuộc chạy đua quà biếu sếp ngày đầu năm: “Nhỡ đâu không tặng quà Tết thì sếp không ưa mình?”

Những tưởng câu chuyện “Biếu quà Sếp” chỉ còn lại trong các tiết mục Gala cười từ những năm 2000s nhưng hóa ra, nó vẫn âm ỉ và sục sôi với những người đi làm mỗi dịp Tết đến Xuân về, bất kể ngành nghề lớn nhỏ. Trào lưu hay gì, đó cũng là một áp lực không nhỏ với mọi người mỗi dịp Tết.

Nhân lúc sếp không có mặt ở phòng, chị em công sở A bàn tán sôi nổi.

“Năm nay các chị có qua nhà biếu sếp không?”.

Chưa biết nữa, tính qua mà chưa biết biếu gì. Chúng mày qua không, bọn mày không qua thì chắc chị cũng không qua đâu”, một chị đồng nghiệp trả lời. Cả phòng ra điêu đăm chiêu nghĩ ngợi, ai đó lại quay về màn hình máy tính của mình. Công việc cuối năm bận rộn nhưng tâm trí và màn hình máy tính đều đang hướng về các cửa hàng online trên mạng hay Google search: “Mua quà gì biếu sếp”.

Văn hóa biếu xén những năm gần đây chắc chắn đã không còn bị lên án nhiều như trước kia và không trở thành nguồn cảm hứng cho các tiết mục hài Tết. Khi người lao động chọn con đường phát triển bằng năng lực và có nhiều lựa chọn việc làm, biếu xén ngày Tết không còn là việc “bắt buộc” để mở đường thăng quan tiến chức. Dù vậy, “được lòng sếp thì vẫn hơn, việc gì cũng trôi chảy”. Cái suy nghĩ đẹp lòng cấp trên thì mình chẳng thiệt hại gì, đời sống văn phòng đâu chỉ có chuyện lương thưởng hay vị trí? Thế nên mới nói, dù ở thời buổi nào, câu chuyện cho sếp vẫn là vấn đề muôn thuở; thời nay lại càng khó hơn khi không thể dùng phong bao phong bì làm quà tặng, mà vẫn phải đau đầu nghĩ một món quà sao cho phù hợp với người được tặng và hầu bao của nhân viên. Tặng nhiều thì không có tiền và mang tiếng, tặng ít thì ngại rồi sợ không bõ.

Một cuộc chạy đua quà Tết lại bắt đầu rộn ràng, từ đầu tháng Chạp tới tận ra Giêng.

Từ “quà em trai xách tay về” cho tới “ở nhà quê biếu lên”

Là nhân viên của một công ty truyền thông, Thanh Mai (26 tuổi, Hà Nội) đã lùng sục khắp Hà Nội để lựa một món quà ưng ý cho sếp. Sếp cô là người đi du học về nên rất chuộng các món đồ ngoại ăn Tết: Từ đồ ăn, hoa quả cho tới các món đồ trang trí nhà. Vì thế, Mai phải tranh thủ order đồ từ trước Tết thì mới có hàng biếu sếp: Cherry, nho sữa, hạt mắc-ca, bình dân là như vậy chứ có nhiều người còn phải chơi sang hơn mới xứng tầm sếp.

Lương thì không được là bao nhiêu nhưng mua mấy món đồ kiểu như vậy là cũng đi một phần tháng lương rồi. Nhưng nghĩ bụng cả năm chỉ có một cái Tết nên thôi tặc lưỡi mà mua đồ sếp thích”.

Nhiều người “nghiện nhưng ngại”, muốn biếu quà sếp nhưng sợ mang điều tiếng là biếu xén, thành thử cứ ngày Tết là lại lấy đủ lý do để tặng quà, nào là “cái này em trai em đi nước ngoài mua về” hay “vợ em làm công ty nước ngoài được tặng”. Có món quà nào là hàng xách tay rẻ đâu, năm nào cũng phải cân não để chọn mấy món quà nhập cho ra tấm ra món. Song song với thị trường tiêu dùng cơ bản trong dịp Tết, thị trường hàng cao cấp làm quà biếu cũng không tấp nập hơn trong những năm gần đây. Hoàng Phong (28 tuổi, thành phố Hồ Chí Minh) ngán ngẩm: “Chọn được quà biếu thực sự rất khó. Không nên chọn đồ ăn vì sợ không hợp khẩu vị, Tết nhất mà họ đau bụng hay làm sao thì ch*t. Quần áo thời trang thì nào biết gu của mọi người thế nào. Đồ dùng gia đình thì chỉ sợ nhà có hết rồi”.

Song song với các mặt hàng ngoại nhập, những năm gần đây cũng rộ lên các gói quà “địa phương”. Đây cũng là lựa chọn được nhiều người ưa chuộng vì chi phí có phần phải chăng hơn - trừ những “đặc sản” như tổ yến, vây cá, sâm có giá cũng không kém đồ ngoại nhập.

Tặng sếp đặc sản như kiểu gạo nếp, thịt gà hay món ăn địa phương thì chủ yếu là các mối quan hệ thân thiết thôi. Xách tặng sếp cũng lích kích, nhiều người cũng chưa chắc đã ăn mà lại đem cho người khác”, Thanh Mai chia sẻ khi nhắc tới các món quà quê.

Không biếu bố mẹ thì luồn đường con cái, ông bà

Với nhiều người ngại đi đường sếp, họ tìm cách biếu qua đường con cái, bố mẹ sếp. Câu chuyện này có phần dễ dàng hơn khi không bị mang tiếng là biếu xén, sếp cũng không thấy khó xử.

Nói gì thì nói, cứ đưa tiền là dễ nhất, sếp muốn mua gì thì mua, chứ quà cáp khó lắm. Sếp thì không ai nhận tiền rồi, thành thử bí quá thì chọn cách lì xì con cái, bố mẹ sếp là tốt nhất. Muốn nhét vào phong bì bao tiền cũng được”, chị Hoàng Hà (29 tuổi, nhân viên ngân hàng) chia sẻ. Không biếu quà được bố mẹ, nhiều cô cậu nhân viên luồn đường con cái cho “dễ”. Những món đồ chơi, giày dép, đồ công nghệ thì trẻ con lúc nào cũng thích cả, đưa tới nhà rồi thì bố mẹ có muốn chối cũng không được nếu trẻ con yêu thích.

Nhiều người khác thì chọn cách mua quà biếu bố mẹ sếp; người cao tuổi có nhiều nhu cầu về chăm sóc sức khỏe, các loại Thu*c bổ, thực phẩm chức năng trở thành lựa chọn tối ưu nhất. Đây cũng là các dòng sản phẩm không hề rẻ khi một hộp Vitamin hay Thu*c bổ có giá vài triệu là chuyện hết sức bình thường. Những món quà không cồng kềnh, có giá trị lại khiến người nhận khó có thể từ chối, bảo sao nhiều người lại ưa chuộng đến vậy. Có những người chơi trội, vừa tặng quà, vừa lì xì cho con cháu sếp; nhẩm tính số tiền mỗi mùa Tết cũng ngót nghét cả chục triệu đồng. Bảo sao nhiều người phải chi cả nửa tháng thưởng Tết chỉ để chạy theo cuộc đua quà cáp.

Biếu quà sếp và áp lực: Áp lực cả sếp cả đồng nghiệp?

Biếu quà Tết trên thực tế là một nét đẹp văn hóa truyền thống thể hiện sự quan tâm tới nhau trong dịp Tết, từ biếu quà họ hàng, bà con làng xóm cho tới đi Tết thầy. Có những nhân viên cũng thấy thoải mái đến thăm và biếu quà Tết sếp vì mối quan hệ thân thiết, giúp đỡ nhau trong công việc, không nhất thiết phải là những câu chuyện ai được lợi sau mỗi mùa quà Tết. Quà Tết không phải điều gì sai trái nhưng với câu chuyện biếu sếp, “của cho và cách cho” đều quan trọng như nhau. Nếu cho quà có lớn sẽ thành ra hối lộ, nếu cho không khéo sẽ thành nịnh bợ và vô hình chung tạo thành áp lực cho bản thân, đồng nghiệp và lên cả sếp.

Thùy Linh (24 tuổi, marketing) than thở rằng cô mới đi làm cho một công ty nhỏ, nhân viên và sếp cũng thân thiết nhau. Cô và sếp cũng có mối quan hệ tốt và biết rằng sếp không phải là người ưa nịnh, ham quà tặng hay những thứ màu mè. Tuy nhiên ngày Tết, đồng nghiệp cứ chộn rộn nghĩ xem tặng quà gì rồi chuẩn bị quà cáp khiến cô cũng thấy bứt rứt.

Em mới đi làm nên không rành mấy vấn đề quà cáp như vậy, nghĩ thấy áp lực kinh khủng. Mình thì không muốn biếu xén gì sếp, có thể ngày Tết đến nhà sếp chơi thì mừng tuổi con sếp là đủ. Nhưng giờ mọi người cứ thi nhau tặng quà, mình không tặng thì lại thành “chơi trội” trong văn phòng, nghĩ cũng khó xử”.

Cuộc đua biếu quà không chỉ là một cuộc đua về vật chất mà rõ ràng còn là cuộc đua về tinh thần. Người này tặng thì người kia lo lắng, không biết sếp có nghĩ gì không. Tặng thì thấy không phải với lòng mình vì sợ mất đi sự vô tư trong văn phòng rồi sẽ thành nếp văn hóa, không tặng thì áp lực với những câu hỏi “Nhỡ đâu không tặng rồi sếp không ưa mình”.

Vấn đề quà cáp thời buổi này cũng bớt quan trọng hơn trước đây nên đôi khi tặng quà sẽ gây áp lực lên cả những người làm sếp, đặc biệt là các sếp trẻ. Ai cũng hiểu cuộc đời không ăn không được cái gì của ai, nhận một món quà đắt tiền rồi lại thấy có trách nhiệm phải giúp đỡ nhân viên, đôi khi là cất nhắc hay châm trước khi nhân viên làm sai. Quà cáp, nếu không khéo sẽ thành một vòng luẩn quẩn trong văn phòng mà ai cũng nghĩ mình là “con nợ” của người kia.

Cuộc chạy đua quà Tết sẽ không bao giờ có hồi kết, từ năm nay qua năm khác. Bạn không cần phải dừng cuộc đua này lại nhưng có thể chọn bước ra khỏi vòng luẩn quẩn đó. Hãy chọn một món quà ý nghĩa, không nặng về vật chất để tặng sếp trong dịp đầu năm mới. Kể cả không tặng quà cho sếp, có lẽ cũng không phải vấn đề gì quá to tát khi quan trọng vẫn là cách đối nhân xử thế, cách làm việc trong văn phòng với nhau mà thôi.

Ảnh minh họa: Internet

Theo Trí Thức Trẻ

Mạng Y Tế
Nguồn: Kenh14 (http://kenh14.vn/cuoc-chay-dua-qua-bieu-sep-ngay-dau-nam-nho-dau-khong-tang-qua-tet-thi-sep-khong-ua-minh-20200120095053939.chn#mingid_comments_content)

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY