Kinh tế xã hội hôm nay

Đắng lòng những vụ ly hôn tại xã giàu nhất Hà Tĩnh

MangYTe - Nhiều người biết đến Cương Gián (huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh) với những từ mỹ miều như “xã tỷ phú”, “xã Hàn Quốc”…

Hàng năm, số tiền người xuất khẩu lao động gửi về khoảng 400 tỷ đồng nên đã mang lại đời sống kinh tế khá giả cho người dân nơi đây. Tuy nhiên, ít ai biết được nhiều hệ lụy xấu đã và đang xảy ra tại địa phương dẫn đầu cả nước về lượng người đi xuất khẩu lao động.

Ly hôn để… làm giàu

Theo thống kê, hiện nay toàn xã Cương Gián có khoảng hơn 2.700 người đang lao động tại nước ngoài. Chủ yếu là các nước như Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản… Tính bình quân mỗi năm, người dân trong xã gửi về lượng tiền kiều hối khoảng 400 tỷ đồng. Hầu hết gia đình nào cũng có người đi XKLĐ nên đời sống của người dân ngày càng được nâng cao rõ rệt.

Những căn biệt thự sang trọng mọc lên như nấm tại Cương Gián

Về Cương Gián (huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh), chúng tôi gặp không ít những dãy nhà cao tầng san sát. Đường thôn, ngõ xóm được trải nhựa, bê tông sạch sẽ. Nhà hàng, quán xá mọc khắp nơi, ban đêm đèn điện sáng rực. Bóng dáng của quá trình đô thị hóa len lỏi vào từng nếp nhà, lối sống và suy nghĩ của nhiều người. Nhưng đằng sau những ánh hào quang đó, chúng tôi phải giật mình vì con số ly hôn nơi đây quá cao.

Để thay đổi cuộc sống ở nơi vùng biển nghèo, nhiều phụ nữ xã Cương Gián chấp nhận rời xa chồng con đến nơi đất khách làm kinh tế. Mặc dù nó mang lại cuộc sống khá giả cho gia đình nhưng không ai biết đến cái mặt trái mà nhiều gia đình phải đối diện. Nó là những hệ lụy phải trả quá đắt, có những gia đình tình cảm vợ chồng tan nát vì họ mải miết chạy theo giấc mơ đổi đời.

Trong căn nhà nhỏ năm ở cuối thôn Nam Mới, nhiều người vẫn cảm thấy cay đắng cho hoàn cảnh của anh P.V.T. (1975). Mặc dù, anh đã bươn chải làm việc ở nước ngoài nhiều năm nhưng đến khi trở về phải chịu cảnh trắng tay, vợ ôm tiền đòi ly hôn. Anh phải chịu cảnh "gà trống nuôi con" nhiều năm nay.

"Vì muốn cuộc sống khá giả, con cái có điều kiện kinh tế để ăn học nên tôi đã chấp nhận đi XKLĐ tại Hàn Quốc. Tuy nhiên, đến khi hết hạn hợp đồng về với gia đình thì vợ nói tôi đi làm không có tiền, mặc dù hàng tháng tiền tôi vẫn gửi về đều đặn. Sau đó vợ tôi yêu cầu phải ly hôn. Dù nhiều người khuyên can nhưng cố ấy vẫn không từ bỏ ý định đó nên chúng tôi đành phải đường ai nấy đi. Cuộc sống thiếu bàn tay người vợ, một mình tôi phải làm thay bổn phận người phụ nữ, vất vả chăm hai đứa con đang tuổi ăn, tuổi học", anh T. đau xót

Kết hôn giả rồi thành thật với người nước ngoài

Mặc dù XKLĐ mang lại đời sống kinh tế khá giả cho người dân, nhưng đằng sau màu hồng rực rỡ ấy đã xuất hiện những mảng tối đáng buồn, khi không ít gia đình trở nên đìu hiu, lạnh lẽo vì lao động chính đi XKLĐ. Theo thống kê chưa đầy đủ, đến nay đã có khoảng 200 cặp vợ chồng ly hôn vì tình cảm lứa đôi nhạt nhẽo khi phải xa nhau hàng nghìn km.

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến ly hôn nhưng chủ yếu vẫn là vợ chồng xa nhau lâu ngày, thiếu thốn tình cảm nên rất dễ nảy sinh tình cảm "ngoài luồng". Một nguyên nhân khác là do ảnh hưởng của lối sống tự do ở nước ngoài nên khi về quê hương, đối mặt với cuộc sống thực tại thấy không còn phù hợp nên sẵn sàng "lôi nhau ra tòa".

Sự việc xảy ra cách đây hơn 1 năm, người dân Cương Gián vẫn chưa quên trường hợp anh N.T.V. (SN 1985, trú thôn Nam Mới). Vì hoàn cảnh khó khăn nên anh V. đã để cho chị K. đi XKLĐ Đài Loan. Khi đó, để có chi phí cho vợ đi làm việc anh V. đã phải mang sổ đỏ của gia đình cắm ngân hàng để vay tiền. Lúc mới sang được vài tháng, chị K. vẫn gửi tiền về cho chồng con, nhưng một thời gian sau thì người vợ này "bặt vô âm tín" không liên lạc gì với chồng con. Sau đó, anh V. cay đắng nhận tin vợ đi theo một người đàn ông khác.

Bà Dương Thị Hương - Chi hội trưởng Hội Phụ nữ thôn Đại Đồng chia sẻ với PV

Bà Dương Thị Hường (SN 1958, Chi hội trưởng Hội Phụ nữ thôn Đại Đồng, xã Cương Gián) kể rằng, hơn 15 năm làm Hội Phụ nữ, bà chứng kiến biết bao cảnh bi hài giữa những cặp vợ chồng quyết định ly hôn để vợ đi làm kinh tế nơi xứ người.

"Có nhiều trường hợp vợ đi làm ăn bên nước ngoài chồng ở nhà lấy vợ khác. Cũng có trường hợp vợ đi gửi tiền về nuôi chồng con, nhưng vì cuộc sống kinh tế có dư giả chút ít những ông chồng ở nhà lại sinh ra nhiều tệ nạn như cờ bạc, bồ bịch, đến khi vợ về tiền hết rồi vợ chồng sinh sự đánh nhau. Hiện toàn thôn 340 hộ, nhưng mỗi khi thôn họp Hội Phụ nữ thì chỉ có hơn 100 người tham gia. Chủ yếu họ đi XKLĐ, rất ít chị em sinh sống làm ăn tại địa phương", bà Hường phân trần.

Trường hợp anh N.T.B (SN 1974, trú tại thôn Đại Đồng) là một ví dụ. Cách đây hơn chục năm, anh B. ký giấy ly hôn để vợ là chị B.T.N. đi XKLĐ ở Hàn Quốc. Sau khi sang làm việc được một thời gian, chị N. về nước đưa cả con sang cùng, để anh B lủi thủi sống một mình.

Một trường hợp tương tự là P.T.H (SN 1973). Cưới nhau được hơn 15 năm, vợ chồng anh có hai con trai kháu khỉnh. Cuộc sống gia đình không giàu có dư dả nhưng cũng đủ ăn đủ tiêu. Cách đây 5 năm, có người họ hàng xa ngỏ ý muốn giúp vợ chồng anh cải thiện cuộc sống. Theo đó, để vợ đi XKLĐ tại Hàn Quốc, vợ anh H. đã ly hôn chồng rồi kết hôn giả với một người đàn ông Hàn Quốc. "Cũng vì nhiều người bàn đi tính lại khuyên tôi nên để vợ đi theo hình thức đấy nên tôi quyết định đồng ý ký đơn ly hôn. Không ngờ khi sang Hàn Quốc một thời gian, vợ không liên lạc về với bố con tôi nữa, sống hẳn với "chồng" bên đấy", anh H. chia sẻ.

Theo anh H., thời gian đầu mới sang, vợ anh có gọi điện về gia đình, cũng gửi tiền về cho chồng con. Nhưng đến năm thứ hai, vợ anh H. cắt đứt liên lạc với gia đình, thỉnh thoảng gửi tiền về nuôi con, còn lại gia đình cũng không có thông tin gì.

Ông Nguyễn Văn Thanh - Chủ tịch UBND xã Cương Gián cho biết: "Vì muốn đi XKLĐ được dễ dàng, thuận tiện, đỡ tốn chi phí nên rất nhiều cặp vợ chồng đã ký đơn ly hôn để vợ sang kết hôn giả với người nước ngoài. Nhiều người phụ nữ muốn kiếm tiền về lo cho cuộc sống gia đình, nhưng cũng có một số người ở hẳn nước ngoài không về nữa".

Trao đổi với PV, một cán bộ Tòa án nhân dân huyện Nghi Xuân cho biết, trong mấy năm gần đây tình trạng người dân ký đơn ly hôn để đi XKLĐ vẫn thường xuyên diễn ra. Nhiều nhất vẫn là người dân Cương Gián. Tính từ đầu năm 2019 tới nay toàn huyện có 141 vụ ly hôn, riêng Cương Gián đã có 13 vụ. "Nguyên nhân dẫn đến các cặp vợ chồng ly hôn chủ yếu là do nhu cầu XKLĐ. Có nhiều trường hợp làm thủ tục ly hôn giả để kết hôn với người nước ngoài. Nói là giả nhưng sau đó lại thành thật", vị cán bộ này cho hay.

Được biết, vì xuất ngoại bằng con đường chính ngạch vừa tốn kém, lại mất nhiều thời gian nên nhiều phụ nữ nơi đây chọn con đường xuất ngoại bằng hình thức kết hôn giả. Giấc mơ đổi đời đã thôi thúc không ít cặp vợ chồng đang hạnh phúc ấm êm đâm đơn ra tòa ly hôn để vợ lấy chồng ngoại sang xứ người mưu sinh.

Sơn Nguyễn

Báo Gia đình và Xã hội cập nhật tin tức trong ngày liên tục, mới nhất

Mạng Y Tế
Nguồn: Gia đình (http://giadinh.net.vn/xa-hoi/dang-long-nhung-vu-ly-hon-tai-xa-giau-nhat-ha-tinh-20200113075445976.htm)

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY