Lần thứ 100 mang đơn đến tòa, người mẹ của ba đứa con vẫn cứ lần lữa, phân vân không biết nên ly hôn hay níu giữ…
Bước chân nặng nề của người phụ nữ như ngã quỵ giữa sân tòa. Chị vòng tay ôm nhẹ vai cô con gái. Đứa con gái vỗ về: “Mẹ hãy làm những gì mẹ cảm thấy nhẹ nhàng”. Chị ngả vào vai cô con gái khóc ngon lành như một đứa trẻ.
Chị nói: “Có lẽ đây là lần thứ 100 tôi đem
đơn ly hôn lên TAND quận Sơn Trà (Đà Nẵng)”. Những lần trước, chị cầm đơn lên nộp nhưng bàn chân lại níu bàn chân, lý trí không cho phép chị ly hôn. Cứ thế, 99 lần chị xé
đơn ly hôn để mái nhà được vẹn tròn nhưng hạnh phúc vẫn thật khó níu giữ.
Năm nay chị vừa bước qua tuổi 50. Với 26 năm làm vợ, chị có với chồng ba mặt con. Con gái lớn năm nay đã 20 tuổi, chuẩn bị tốt nghiệp khoa tâm lý của một trường đại học ở TP HCM. Hai cô con gái sau, đứa cũng đã 17 tuổi, đứa còn lại 15 tuổi. Anh và chị đã hứa sẽ để các con được sống trong mái ấm gia đình đầy ắp tiếng cười. Lời hứa ngày nào vợ chồng chị đã cố gánh gồng để thực hiện nhưng có lẽ đến đây đành phải đứt.
“Tôi và anh từng yêu nhau tha thiết, tình yêu của chúng tôi đẹp và thơ mộng lắm. Tôi gắng không sống vì những thơ mộng đó mà nhìn về nó như một kỷ niệm đẹp. Dẫn tới việc ly hôn cũng một phần do tôi”. Nói rồi, chị quay sang con gái: “Ngàn lần mẹ muốn xin lỗi các con!” rồi khóc.
Anh chị yêu nhau khi chị còn là học sinh, còn anh là bộ đội về phụ trách tuyên truyền ở địa phương. “Chuyện tình của tôi và anh còn đẹp hơn cả trong tiểu thuyết”, chị nhoẻn miệng cười và kể về những buổi tối anh đánh đàn cho chị hát thâu đêm. Rồi họ đến với nhau như một lẽ tất yếu của hai trái tim nồng nhiệt.
Chị kể 6 năm sau khi cưới chị mới mang bầu và sinh được cô con gái đầu lòng. Niềm vui có con của hai vợ chồng như vỡ òa trong nước mắt. Rồi chị mang bầu lần thứ hai và sinh tiếp một cô con gái, anh vẫn động viên con nào cũng là con, miễn sao mình yêu thương, chăm sóc, giáo dục con nên người là được. Đến đứa con gái thứ ba, anh vẫn động viên chị con gái mình học hành nên người là vui.
“Nhưng không hiểu vì sao tôi cảm thấy anh có sự thay đổi rõ nét, cứ lầm lì, ít nói, hay nhậu và ít quan tâm tới gia đình. Mâu thuẫn vợ chồng không nặng nề nhưng một bữa cơm có mặt chồng cứ thế thưa dần, tôi hỏi thì anh nói bận tiếp khách, bạn bè lâu lắm mới gặp. Và rồi anh cứ bận rộn với những cuộc hẹn mà không để ý gì tới gia đình. Anh ấy không nhớ nổi con gái mình sinh năm nào, vợ chồng đã cưới được bao nhiêu năm…”.
Rồi chị khẽ hỏi: “Liệu tôi có ích kỷ quá không? Nhiều lúc tôi cũng tự nói với bản thân có mấy người đàn ông nhớ được những ngày này. Nhưng tôi vẫn thấy buồn và cảm giác không được chia sẻ”.
Tôi hỏi chị có nghĩ rằng ly hôn sẽ giúp chị vui hơn. Chị lắc đầu rồi quay sang phía con gái nói: “Mẹ xin lỗi”. Chị nói chị tin tưởng anh là người đàn ông sống vì gia đình nhưng anh chỉ mang tiền về mà không nghĩ tới suy nghĩ của vợ. Anh cũng không phải là người đàn ông lăng nhăng nhưng anh lại không bao giờ thể hiện tình cảm với vợ và không bao giờ cho chị một chút dư vị tình yêu. “Tôi cảm thấy đó là sự tồn tại trong hôn nhân chứ không phải là một tổ ấm”. Nói tới đó, nước mắt chị lại lăn dài. Chị trách chồng rồi lại dằn vặt bản thân sao đòi hỏi quá nhiều… Rồi chị mân mê tờ
đơn ly hôn viết tay có đôi chỗ bị nhòe.
Cô con gái tiếp lời: “Ba em là người cha tốt, còn mẹ là người biết chăm lo cho gia đình. Nhưng có lẽ do ba mẹ không thể hài hòa cuộc sống với nhau. Em tôn trọng ba, yêu quý ba và em cũng hiểu nỗi lòng ba. Nhưng không phải vì vậy mà em khuyên ba mẹ níu giữ những gì không thể níu”.
Rồi cô con gái kể cho tôi nghe về những mâu thuẫn của cha mẹ: “Ba mẹ không bao giờ to tiếng với nhau trước mặt các con, ba cũng chưa từng đánh mẹ. Ba rất thương chúng em và mẹ cũng không bao giờ kể chuyện ba mẹ mâu thuẫn. Mãi tới một ngày, năm đó em 14 tuổi, ba nhậu say về, mẹ mang nước chanh vào cho ba, lau mồ hôi cho ba nhưng ba hắt đổ mà gọi ba đứa con vào ôm hôn. Em nhìn thấy mẹ đã khóc. Đó là lần đầu tiên em thấy mẹ khóc. Gặng hỏi, mẹ chỉ nói chắc do ba con nhậu say. Nhưng nhìn vào mắt mẹ em thấy mẹ đang giấu em điều gì đó. Đến tận bây giờ mẹ vẫn không kể hết những mâu thuẫn của ba mẹ cho em nghe. Nhưng em biết mẹ và ba đều đang sống với hai nỗi niềm riêng”.
Hỏi em về lý do đồng tình cho cha mẹ ly hôn, giọng em nghèn nghẹn: “Đã 26 năm ba mẹ sống với nhau nhưng cả ba và mẹ đều nói họ thấy bế tắc khi hiểu được suy nghĩ của nhau nhưng không thể sống vui cùng nhau. Em không thể ích kỷ, ba và mẹ sống chung trong một mái nhà nhưng chẳng khác gì ly thân…”.
Chị rời tòa, tờ đơn xin ly hôn vẫn chưa nộp.
Theo Pháp Luật TP HCM