TS. Lê Anh Tuấn, Phó viện trưởng Viện Khoa học tổ chức nhà nước (Bộ Nội vụ) cho biết, cơ cấu Chính phủ tại nhiều quốc gia trên thế giới có quy mô dân số, quy mô nền kinh tế lớn hơn Việt Nam nhiều lần nhưng số lượng các bộ, cơ quan ngang bộ thường dao động con số dưới 20.
Theo đó, Chính phủ các nước đều được hợp thành từ các bộ, cơ quan ngang bộ nhưng số lượng các bộ trong cơ cấu tổ chức của mỗi Chính phủ thường không giống nhau. Chẳng hạn như Trung Quốc và Malaysia đều có 25 bộ, Indonesia có 24 bộ, Nga có 21 bộ, Pháp có 18 bộ, Singapore có 16 bộ, Hoa Kỳ có 15 bộ, Đức có 14 bộ…
Trong khi đó, tại Việt Nam, ông Tuấn cho hay, cơ cấu tổ chức của Chính phủ khóa 13 và khóa 14 được giữ nguyên như cơ cấu tổ chức của Chính phủ khóa 12, gồm 22 bộ, cơ quan ngang bộ và 8 cơ quan thuộc Chính phủ.
Ông Tuấn nhìn nhân, thực tiễn tổ chức Chính phủ mấy nhiệm kỳ vừa qua cho thấy, việc sắp xếp, sáp nhập các bộ thành bộ quản lý đa ngành chưa thật sự đi liền với việc điều chỉnh sâu về chức năng, cắt giảm, lồng ghép nhiệm vụ mà chủ yếu được thực hiện trên cơ sở hợp nhất các bộ đơn ngành, dẫn đến khối lượng công việc, phạm vi lĩnh vực quản lý của bộ trở nên phức tạp.
Ông Tuấn cho rằng để đáp ứng yêu cầu Chính phủ kiến tạo, hành động thì cơ cấu bộ máy của Chính phủ phải tinh gọn, khả năng điều hành của Chính phủ phải nhanh chóng, kịp thời, hiệu quả. Muốn vậy phải giảm bớt các tầng nấc trung gian.
Do đó, cần nghiên cứu để xác định số lượng Phó thủ tướng Chính phủ và số lượng các bộ, cơ quan ngang bộ hiện nay cho phù hợp. Việc bố trí nhiều Phó thủ tướng Chính phủ thực chất là một cấp trung gian, lẫn giữa quyền và trách nhiệm của Bộ trưởng với tư cách là người đứng đầu ngành và lĩnh vực, đồng thời không phù hợp với nguyên tắc đảm bảo quyền và trách nhiệm của Thủ tướng Chính phủ.
Ông Tuấn đề xuất cơ cấu tổ chức của Chính phủ nhiệm kỳ 2021-2026, sẽ rút gọn số bộ, cơ quan ngang bộ từ 22 xuống 20 bộ, cơ quan ngang bộ.
Theo đó hợp nhất Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch và Đầu tư thành Bộ Tài chính – Kế hoạch đầu tư, Bộ Giao thông vận tải và Bộ Xây dựng thành Bộ Giao thông và Xây dựng.
Ngoài ra, điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ giữa một số bộ, cơ quan ngang bộ như giữa Bộ Khoa học và Công nghệ với Bộ Giáo dục và Đào tạo; giữa Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công Thương, Bộ Nội vụ.
Đề xuất thành lập lại Bộ Giáo dục và chuyển nhiệm vụ đào tạo về Bộ Khoa học và Công nghệ và đổi tên Bộ Khoa học và Công nghệ thành Bộ Khoa học - Công nghệ và Đào tạo. Đồng thời, điều chuyển việc đào tạo nghề từ Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội về Bộ Khoa học – Công nghệ và Đào tạo. Thành lập Bộ Công Thương và Du lịch; Bộ Văn hóa – Thể thao và Thanh niên.
Về cơ cấu nhân sự của Chính phủ gồm: Thủ tướng Chính phủ; 4 Phó thủ tướng Chính phủ và 20 Bộ trưởng và Thủ trưởng cơ quan ngang bộ.
Ông Lê Anh Tuấn cho rằng, mô hình giả định về cơ cấu Chính phủ nhiệm kỳ 2021-2026 nếu được hiện thực hóa sẽ là một bước đổi mới quan trọng để thực hiện các quan điểm của Đảng về xây dựng một Chính phủ tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Tại hội thảo, các chuyên gia cũng cho rằng, muốn có một cơ cấu Chính phủ tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả cần phải đánh giá, rà soát và làm rõ chức năng, nhiệm vụ giữa các bộ, cơ quan ngang bộ, tránh tình trạng chồng chéo, trùng lắp.
Bên cạnh đó, cần đề xuất 2 phương án về cơ cấu tổ chức Chính phủ nhiệm kỳ 2021-2026 và đề xuất phương án lựa chọn. Trong mỗi phương án, phải đánh giá được những ưu điểm, những hạn chế để có đề xuất phù hợp, đảm bảo mang tính thuyết phục cao và ứng dụng được trong thực tiễn.
Về đề xuất hợp nhất giữa các bộ với nhau và điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ giữa các bộ, cơ quan ngang bộ, các đại biểu đều tán thành đề xuất trên, vì những bộ được đề xuất hợp nhất có chức năng, nhiệm vụ tương đồng, liên quan chặt chẽ với nhau. Sự chồng chéo về hoạt động giữa hai bộ vẫn rất khó khắc phục, làm hạn chế hiệu quả của các hoạt động quản lý nhà nước trong bối cảnh hiện nay.
Về cơ cấu nhân sự của Chính phủ, các đại biểu đều cho rằng, Phó thủ tướng Chính phủ chỉ nên có từ 01 đến 02 người. Như vậy mới tập trung quyền và trách nhiệm của Thủ tướng Chính phủ, của Bộ trưởng.
Cùng với đó, tinh gọn bộ máy Chính phủ phải gắn với thể chế kinh tế thị trường mới đáp ứng được yêu cầu phát triển nhanh và bền vững kinh tế - xã hội. Xác định được những nhiệm vụ nào Chính phủ phải thực hiện, những nhiệm vụ nào do doanh nghiệp và xã hội thực hiện.
Các đại biểu cũng cho rằng, Thanh tra Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước cần phải là cơ quan độc lập với Chính phủ. Do đó, cần phải đổi tên thành Thanh tra Nhà nước và Ngân hàng Trung ương. Như vậy mới đảm bảo tính minh bạch, liêm chính trong hoạt động quản lý nhà nước, đảm bảo phù hợp với thể chế kinh tế thị trường và phù hợp với thông lệ quốc tế. Đồng thời, không nên tổ chức mô hình Ủy ban như hiện nay mà chuyển chức năng, nhiệm vụ của các Ủy ban về các bộ quản lý.
Đối với các cơ quan thuộc Chính phủ, các đại biểu cũng cho rằng, trên thế giới, đó là các cơ quan tác chiến, cơ quan thực thi pháp luật, là tổ chức thực hiện dịch vụ công, không nên là cơ quan sự nghiệp thuộc Chính phủ. Do đó, nên chuyển thành các tổ chức sự nghiệp, hoạt động độc lập; cùng với đó, cũng nên chuyển các đơn vị sự nghiệp tại các bộ thành công ty độc lập, thực hiện dịch vụ công.
Để báo cáo có tính thuyết phục cao và khả thi, các đại biểu cho rằng, phải xác định thế nào là cơ quan ngang bộ; phải đánh giá được thực trạng hoạt động của bộ máy Chính phủ hiện tại; phải xác định rõ chức năng, nhiệm vụ giữa các bộ, không trùng lắp, chồng chéo… mới có thể thiết kế được cơ cấu tổ chức Chính phủ hợp lý.
Tuy nhiên, tinh gọn, giảm bớt bộ máy là nhiệm vụ rất khó khăn, các đại biểu đều cho rằng, “thành lập mới thì dễ nhưng phá bỏ thì vô cùng khó khăn”, cho nên phải xác định rõ và quyết tâm vượt qua khó khăn, thực tế là phải vượt qua chính mình. Và nếu giảm được từ 22 bộ xuống còn 20 bộ đã là một thành công.
Chủ đề liên quan:
chính phủ cơ quan ngang bộ đề xuất hợp nhất Lê Anh Tuấn phó thủ tướng sáp nhập thủ tướng