Tin y tế hôm nay

Tin y tế

Ðêm nghĩa tình 3 thế hệ

Chuyến xe đưa chúng tôi đến Khu di tích của Ban Dân y miền Nam lúc trời vừa chạng vạng. Con đường đi qua cửa khẩu Sa Mát hun hút tối, vắng vẻ...

Chuyến xe đưa chúng tôi đến Khu di tích của Ban Dân y miền Nam lúc trời vừa chạng vạng. Con đường đi qua cửa khẩu Sa Mát hun hút tối, vắng vẻ, thỉnh thoảng mới thấy ánh đèn pha lẻ loi của một vài chiếc xe ngược chiều vội vã. Tân Biên, vùng chiến khu oai hùng lịch sử, một ngày cuối tháng 4 oi bức không làm khách đường xa giảm phần háo hức bởi hôm nay là đêm giao lưu họp mặt nhiều thế hệ do Câu lạc bộ Truyền thống Ban Dân y miền Nam tổ chức.

Mới khoảng 6 giờ chiều, bóng tối vẫn chưa đủ liếm trùm mặt đất đã thấy bùng lên ánh lửa sau những rặng cây, soi rõ dáng của hơn mấy mươi con người đang quây quần... mái tóc ai cũng đã ánh bạc. Họ - những chiến sĩ áo trắng của Ban Dân y miền Nam về đây, mừng ngày đất nước thống nhất, đan xen cạnh đó là những khuôn mặt trẻ của các bác sĩ, y tá, hộ lý từ các bệnh viện: Chợ Rẫy, Răng-Hàm-Mặt Trung ương và các sinh viên người Campuchia đang học tại Trường trung cấp Y tế tỉnh Tây Ninh... Cứ mỗi chiếc xe mới đến, lại lao xao những câu hỏi, những ánh mắt trông chờ người quen, đồng đội. 40 năm qua rồi, chiến tranh đã lùi xa nhưng thời gian vẫn mang dần đi tên tuổi người thân theo quy luật của cuộc sống, buộc người ta phải âu lo, đón đợi... có thể không phải cho mình nhưng cho bạn bè, đồng chí.

Khu di tích Ban Dân y miền Nam được xây dựng trên nền Bệnh viện Liên Cơ - C6 cũ - khu rừng Chàng Riệc - Tân Lập - Tân Biên - Tây Ninh. Nơi đây, theo lời chị Ngô Thị Quỳnh Lan - hiện đang công tác tại Bệnh viện Răng-Hàm-Mặt Trung ương bồi hồi nhớ lại: “Khoảng những năm đầu thập niên 70, khi chiến sự ác liệt đang nổ ra từng ngày, từng giờ trên khắp chiến trường Tây Nam này, vào một buổi chiều, tôi được một đồng đội của ba mẹ đưa về đây bằng xe Honda. Lúc ấy trời cũng chạng vạng như bây giờ... Xa xa nghe ì ầm tiếng bom tiếng súng nhưng tất cả những gì đập vào mắt tôi lúc ấy là một khung cảnh yên bình với đàn vịt tung tăng bơi lội trong ao. Lúc ấy tôi mới 9 tuổi, chưa biết đến chiến tranh, chưa biết đến mất mát... Thế rồi ngay sau đó, nghe các chú các cô kể lại, những cái ao ấy là những hố bom và đã có rất nhiều đồng đội của ba mẹ tôi đã ngã xuống. Điều này đã gây cho tôi một ấn tượng rất mạnh, không bao giờ phai trong tâm trí...”. Còn theo lời BS. Trần Diệp Tuấn, Hiệu trưởng Trường đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh: “Mảnh đất này gắn bó với tôi bởi mẹ tôi sinh tôi vào năm 1967, ngay tại khu rừng Chàng Riệc, Bệnh viện Liên Cơ này. Cha mẹ tôi cùng công tác ở đây gần suốt thời gian cuối của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước... Chỉ tiếc là không được gặp lại người đã đỡ sinh ra mình”.

Đến tham gia buổi giao lưu họp mặt, đốt lửa truyền thống đêm nay có PGS.TS. Trần Thị Trung Chiến - nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế cũng là Chủ nhiệm Câu lạc bộ Truyền thống Ban Dân y miền Nam, cô Trần Thị Giang - Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ và rất nhiều tên tuổi gắn liền với ngành y tế, với chính mảnh đất oai hùng này: Bác sĩ, Anh hùng Lao động Tạ Thị Chung, nguyên Phó giám đốc Bệnh viện Từ Dũ; BS. Trương Thị Xuân Liễu và các cán bộ ngành như BS. Nguyễn Văn Hải, đồng chí Phạm Văn Tác... - những cái tên góp phần làm cánh bác sĩ trẻ thêm háo hức, trông đợi để được trò chuyện, giao lưu. Họ nóng lòng được nghe những câu chuyện, những lời tâm tình từ những tên tuổi đã biết từ lâu... Họ muốn được hỏi bao điều chất chứa và nhất là muốn biết thêm thật nhiều sự kiện về khu di tích này... Chắc chắn trong thâm tâm của các bạn trẻ đang ngồi đây, cũng như cả một thế hệ trẻ bây giờ vẫn băn khoăn với câu hỏi: động lực nào, niềm tin nào, sức mạnh nào đã giúp thế hệ đi trước làm nên những điều kỳ diệu như thế. Và buổi giao lưu đã thỏa mãn mong ước của họ.

“18 tuổi, khoác ba lô, tôi lên đường Nam tiến theo tiếng gọi của Tổ quốc” - anh Bùi Đức Phong, nguyên Phó chánh Thanh tra Bộ Y tế kể lại câu chuyện hơn 40 năm trước của một chàng trai Hà Nội: “3 tháng trời ròng rã trèo đèo, lội suối, băng rừng, một ngày đầu năm 1972, tôi đã đến đây, tham gia vào C23, Ban Dân y miền Nam”. “Lúc đó tui thương nó lắm. Nó còn trẻ măng, chỉ bằng tuổi em, tuổi cháu của tui” - bác Mai Thanh Sơn, 80 tuổi, cũng là một chiến sĩ của C23 cũ khoác vai anh Phong nói và thêm vào: “Nhà báo viết nhớ nhắc đến sự cách biệt của 2 thế hệ của chúng tôi cùng trong một cuộc kháng chiến, những thế hệ đã đổ xương máu trong cuộc chiến tranh vừa qua, ngay trên mảnh đất này”. Bác bùi ngùi nhắc lại những hy sinh, mất mát của đồng đội đã ngã xuống trên tay bác hay đã nằm lại trên con đường Trường Sơn khi “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”: “Không có cuốc có xẻng, anh em đành đi lấy đá, lấy sỏi đắp lên. Đau xót lắm mà không biết làm cách nào khác...”. Cuộc chiến nào mà không lắm đau thương, mất mát và chính những mất mát ấy giúp ta thấy cuộc sống hiện tại mới ý nghĩa làm sao. Cả hội trường lặng yên trong phút mặc niệm tưởng nhớ đến những tên tuổi đã nằm xuống mãi mãi.

Buổi giao lưu bước sang sự chia sẻ chân tình về những công tác đặc thù của ngành. Thấm thía những câu chuyện, những lời chia sẻ về chữ “tâm”, về y đức của ngành, đại diện cho lớp trẻ ngày nay, một đoàn viên của Trung tâm Răng-Hàm-Mặt lên nói lời cảm ơn, cũng như lời hứa sẽ noi gương lớp cha anh đi trước... Càng thấm thía hơn với lời dạy của PGS.TS. Trần Thị Trung Chiến dành cho các bạn trẻ: “Thanh niên ngày nay, nhất là các bạn trẻ ngành y, hãy làm thật nhiều, cống hiến thật nhiều, đó mới là điều đáng quý”. Buổi giao lưu 3 thế hệ để lại nhiều dấu ấn trong lòng mỗi con người, nhất là các bạn trẻ, quả là một buổi giao lưu ý nghĩa, đầy nhân văn và sâu sắc... giúp thế hệ đi sau giữ được ngọn lửa truyền thống này.

Đêm dần về sáng, ánh lửa vẫn bập bùng bên tiếng đàn, tiếng hát, lời chuyện trò và thời gian như kéo dài ra mãi...!

Phát biểu trong buổi lễ mít-tinh Kỷ niệm 40 năm Ngày Giải phóng hoàn toàn miền Nam, Thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2015) do Câu lạc bộ Truyền thống Ban Dân y miền Nam ngay tại Khu di tích Chàng Riệc - Tân Biên - Tây Ninh sáng 25/4/2015, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến thay mặt tất cả anh chị em hiện đang công tác trong ngành y tế bày tỏ lòng tri ân sâu sắc đến những thế hệ cha ông, những người đã hy sinh qua 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ vừa qua và những người hiện đang tiếp tục sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc. Ông cũng xin tiếp thu ý kiến của Chủ nhiệm Câu lạc bộ Truyền thống Ban Dân Y miền Nam PGS.TS. Trần Thị Trung Chiến, nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế về việc phải thực hiện thật sớm, thật nhanh, thật đầy đủ các thủ tục để Ðảng và Nhà nước trao tặng danh hiệu Anh hùng Lao động cho các cá nhân và tập thể đã cống hiến trong giai đoạn chống Mỹ cứu nước.

Bài, ảnh: Nguyễn Tùng

Mạng Y Tế
Nguồn: Nguồn Internet (news-dem-nghia-tinh-3-the-he-10661.html)
Từ khóa: ðêm nghĩa tình

Chủ đề liên quan:

đêm nghĩa tình

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY