Tin tức hôm nay

Tin tức

Dịch COVID-19 đang hết sức căng thẳng ở Bắc Ninh: Phải giữ an toàn các khu công nghiệp

Bắc Ninh là ổ dịch lớn thứ hai của cả nước khi đến trưa 19/5 đã ghi nhận 336 ca bệnh. Ngoài ổ dịch ở huyện Thuận Thành với 277 ca bệnh, Bắc Ninh còn có 10 khu công nghiệp (KCN) với số lượng công nhân lên tới hơn 400.000 người đến từ 21 tỉnh, thành và có tới 30.000 người từ Bắc Giang sang Bắc Ninh làm việc.

Khi ổ dịch ở KCN của Bắc Giang bùng phát, Bắc Ninh là địa phương thứ hai trong cả nước nằm trong nguy cơ bùng phát dịch. Địa phương này đang phải đối mặt với việc điều trị một số lượng bệnh nhân lớn, nhiều ca bệnh rất nặng.

Nguy cơ cao dịch vào khu công nghiệp

KCN Quế Võ, Bắc Ninh nơi có hơn 20.000 công nhân đang làm việc trong các nhà máy, khi dịch COVID-19 lan vào KCN ở huyện Việt Yên, Bắc Giang, những công nhân làm việc ở đây đều tỏ ra lo lắng. Bởi điều kiện làm việc của họ trong môi trường kín, trong khu vực có điều hòa, đi làm bằng xe đưa đón công nhân, nếu có ca bệnh thì việc lây lan nhanh chóng là không tránh khỏi.

Tại Nhà máy Goertek, đã thực hiện giãn cách trong khu làm việc, được đo thân nhiệt và sát khuẩn thường xuyên. Tại khu vực nhà ăn của công nhân, nhà máy đã lắp tấm kính để ngăn khoảng cách ngồi ăn và chia ca ăn theo giờ để tranh đông đúc, tiếp xúc.

Theo Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh Đào Hồng Lan, trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh có 10 khu công nghiệp với hơn 400.000 công nhân đến từ 21 tỉnh, thành phố. Nếu dịch lan trong khu công nghiệp thì tiềm ẩn nhiều rất nhiều nguy cơ. Liên quan đến yếu tố Bắc Giang, tỉnh Bắc Ninh rất lo lắng trong quản lý người lao động để khoanh các ổ dịch. Thực tế lo lắng của tỉnh đã thành hiện thực, đã có người từ Bắc Giang về Bắc Ninh và qua xét nghiệm cho kết quả dương tính với COVID-19. Nếu chỉ sơ suất, một ca bệnh lọt vào KCN, nguy cơ bùng phát thành ổ dịch như ở Bắc Giang là điều hoàn toàn có thể xảy ra.

Điều đáng lo ngại nữa mà theo bà Nguyễn Hương Giang, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh, qua rà soát, Bắc Ninh đã nắm được có hơn 30.000 người lao động ở Bắc Giang sang Bắc Ninh làm việc. Tuy nhiên, ngay trong tối 17/5, rất nhiều người Bắc Giang sang Bắc Ninh ở trong các khu nhà trọ, nhà người quen nên lực lượng truy vết khá khó khăn, vất vả để truy vết, giám sát.

Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh cho biết, đến thời điểm này, tỉnh Bắc Ninh đã truy vết và cách ly hơn 3.800 F1 và khoảng hơn 30.000 trường hợp F2 liên quan đến 336 ca bệnh COVID-19. Công tác rà soát, điều tra, xét nghiệm đang được tỉnh tích cực triển khai với hơn 197.000 mẫu với các trường hợp F1, F2 và các đối tượng khác. Riêng công nhân tại các khu nhà trọ, ký túc xá hơn 42 nghìn mẫu.

Đến nay, tỉnh Bắc Ninh đã thực hiện giãn cách xã hội đối với 7/8 đơn vị hành chính cấp huyện; trong đó, TP Bắc Ninh, huyện Thuận Thành và huyện Yên Phong áp dụng theo Chỉ thị số 16. Thị xã Từ Sơn và các huyện Tiên Du, Quế Võ, Lương Tài áp dụng theo Chỉ thị số 15.

Lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân Bắc Ninh.

Phải đặt trong tình trạng báo động

Theo đánh giá của Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long tại buổi kiểm tra và làm việc với tỉnh Bắc Ninh vào chiều tối 18/5, thì địa phương này vẫn chưa kiểm soát được toàn bộ ổ dịch ở xã Mão Điền, huyện Thuận Thành, từ đó lây ra các địa phương khác trên địa bàn. Đây là vấn đề đáng lo ngại. Bắc Ninh cần hết sức quan tâm dập dịch tại ổ dịch Mão Điền.

Tiếp đến, là nguy cơ dịch xâm nhập vào cộng đồng và KCN ở Bắc Ninh là có. Mục tiêu quan trọng của tỉnh Bắc Ninh là đảm bảo ngăn chặn dịch trong cộng đồng và đảm bảo an toàn tối đa cho các KCN, vì nếu để lây thì sẽ rất vất vả. Bộ trưởng Bộ Y tế cũng nhận định, nếu khoanh được ổ dịch của Bắc Giang thì sẽ giảm được "sức nóng" cho Bắc Ninh và các tỉnh khác.

Ông Long đề nghị, tỉnh Bắc Ninh phải đặt ở mức độ cao nhất trong phòng, chống dịch, thực hiện giãn cách xã hội tại một số khu vực. Phải “đóng băng” khu vực ổ dịch Mão Điền, nội bất xuất, ngoại bất nhập. Khi đã phong tỏa thì cần thực hiện nghiêm, nhà nào ở nhà nấy, chỉ ra khỏi nhà khi đi mua thực phẩm và nếu có vi phạm phải tiến hành xử phạt. Trên địa bàn huyện Thuận Thành áp dụng Chỉ thị 16 nhưng phải nâng lên trên 16 (tức là 16 cộng). Khi khoanh những ổ đó sẽ yên tâm để tăng tốc, đuổi kịp, chặn lại các ổ dịch khác, tập trung khống chế các ổ dịch khác.

Bộ trưởng Bộ Y tế cũng đề nghị tỉnh Bắc Ninh cần rà soát lại lực lượng chuyên gia, những người nhập cảnh trong thời gian qua để xét nghiệm cả kháng nguyên lẫn kháng thế. Các cơ sở y tế cũng phải thực hiện tổng tầm soát tại các khu vực có nguy cơ, xét nghiệm sàng lọc, phát hiện sớm nguy cơ dịch bệnh. Bộ Y tế giao Trường Đại học Y Hà Nội hỗ trợ tỉnh trong việc lấy mẫu, xét nghiệm. Nếu tỉnh cần hỗ trợ thêm thì Bộ Y tế sẽ điều thêm đơn vị khác. Bộ Y tế hỗ trợ Bắc Ninh 10.000 mẫu sinh phẩm xét nghiệm, 2 triệu khẩu trang y tế, khẩu trang N95, máy thở theo nhu cầu của tỉnh, nếu tỉnh cần thêm thì Bộ Y tế sẵn sàng hỗ trợ tiếp.

Thách thức trong điều trị

Bắc Ninh đang phải điều trị hơn 300 ca bệnh COVID-19, đây là điều chưa từng xảy ra đối với ngành Y tế của địa phương này, lại thêm khi đợt dịch lần này lại có nhiều ca bệnh nặng, rất nặng, trong đó có người còn trẻ tuổi, không mắc bệnh lý nền. Đây là một khó khăn rất lớn cho đội ngũ y bác sĩ cơ sở. Nhưng theo phương châm của Bộ Y tế là “4 tại chỗ”, chỉ khi nào ca bệnh nặng vượt quá sự đáp ứng của bệnh viện cấp tỉnh, thì mới chuyển bệnh nhân lên tuyến trên. Vì thế, ngày 18-5, Bộ Y tế đã điều động 3 chuyên gia về hồi sức, thận lọc máu, máu đông của Bệnh viện (BV) Bạch Mai đến hỗ trợ Bắc Ninh điều trị.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh, địa phương đã chuẩn bị khoảng 600 giường bệnh sẵn sàng điều trị bệnh nhân COVID-19, đồng thời đã có phương án đảm bảo 1.500 giường điều trị trong trường hợp số ca bệnh gia tăng. Tuy nhiên, trước áp lực điều trị cho 24 bệnh nhân nặng cùng lúc, trong đó có 2 bệnh nhân thở máy, 1 bệnh nhân lọc máu liên tục, đây là thách thức rất lớn với BV Đa khoa (ĐK) Bắc Ninh.

3 ca bệnh nặng là bệnh nhân nam, SN 1963 nhập viện dã chiến số 1 ngày 16/5 được chẩn đoán viêm phổi nặng, suy hô hấp; bệnh nhân nữ, SN 1954 được chẩn đoán viêm phổi nặng COVID-19, suy hô hấp, tăng huyết áp, đái tháo đường, suy giáp, suy thượng thận; bệnh nhân nữ, SN 1958 nhập viện ngày 17/5 được chẩn đoán viêm phổi.

Các ca bệnh nặng ở Bắc Ninh được các chuyên gia đầu ngành của Bộ Y tế hội chẩn trực tuyến để các bác sĩ tuyến dưới điều trị cho bệnh nhân. Qua quá trình hội chẩn, GS.TS Nguyễn Gia Bình, Tổ trưởng Tổ hội chẩn đề nghị cả BVĐK Bắc Ninh phải tập trung các chuyên khoa để điều trị bệnh nhân COVID-19 và đưa ra chiến lược điều trị cho bệnh nhân nặng sao cho đạt mục tiêu.

Hiến kế cho Bắc Ninh trong công tác điều trị, PGS.TS Đào Xuân Cơ, Phó Giám đốc BV Bạch Mai cho rằng, Bắc Ninh không nên để rải hơn 300 bệnh nhân COVID-19 ra 12 bệnh viện điều trị, mà cần tập trung lại, phân tầng điều trị khác nhau, để bệnh nhân nặng vào điều trị tại một địa điểm, bệnh nhân nhẹ điều trị riêng một địa điểm.

Trần Hằng

Mạng Y Tế
Nguồn: Công an nhân dân (http://cand.com.vn/y-te/Dich-COVID-19-dang-het-suc-cang-thang-o-Bac-Ninh-Phai-giu-an-toan-cac-khu-cong-nghiep-642013/)

Tin cùng nội dung

  • Ngay sau khi phát hiện 2 ca bệnh mới, sáng ngày 7/6, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ngọc Châu đã họp triển khai các biện pháp phòng chống dịch. Cùng dự họp có Bí thư Thành uỷ Hà Tĩnh Dương Tất Thắng, Giám đốc Công an tỉnh Lê Khắc Thuyết, đại diện Quân đội, Y tế và các lực lượng có liên quan.
  • MangYTe - Trải qua hai lần bùng phát dịch với số lượng ca nhiễm lớn, trong đó nhiều ca nhiễm ở bệnh viện và khu công nghiệp, Đà Nẵng đã tổ chức truy vết cấp với mô hình ra sao?
  • Có 31 khu công nghiệp (KCN) đang hoạt động với khoảng 1,2 triệu lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp (DN) nên tỉnh Đồng Nai xác định nếu không có các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn quyết liệt và hiệu quả, nguy cơ dịch COVID-19 lây lan vào các KCN sẽ rất lớn. Trước tình hình dịch đang xảy ra khá phức tạp tại nhiều tỉnh thành trên cả nước, trong đó có một số địa phương dịch đã lan vào DN trong KCN, những ngày gần đây, tỉnh Đồng Nai đã tập trung các biện pháp hữu hiệu.
  • Ngày 17/5, cả nước ghi nhận 181 ca mắc COVID-19 mới, nhiều nhất vẫn là hai tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh, nơi có các ổ dịch trong khu công nghiệp (KCN) và trong dân cư. Tỉnh Bắc Giang đã thành lập Ban Chỉ huy tiền phương phòng, chống dịch COVID-19, sử dụng Nhà thi đấu thể thao của tỉnh để thiết lập bệnh viện dã chiến 800 giường.
  • Trắng đêm lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 cho công nhân khu công nghiệp An Đồn khiến lực lượng y tế Đà Nẵng gần như kiệt sức. Hình ảnh nữ y tá chợp mắt trong cabin xe cấp cứu khiến cộng đồng mạng vừa thả tim vừa thương cảm.
  • Theo kết quả cập nhật mới nhất từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Hà Tĩnh, 34 trường hợp F1 của 2 ca nhiễm COVID-19 ở huyện Thạch Hà đã âm tính lần 1 với virus SARS-CoV-2.
  • Chiều 4/5, Ban Chỉ đạo Phòng chống dịch COVID-19 TP Đà Nẵng đã công bố thông tin dịch tễ về trường hợp nữ bệnh nhân D.T.N.H (25 tuổi, quê Hậu Giang; là nhân viên massage tại Khách sạn Phú An ở đường 2/9, quận Hải Châu) nhiễm COVID-19...
  • (MangYTe) - Liên tục từ 8h sáng đến 24h đêm, hơn 200 người thuộc Tổ Thông tin Đáp ứng nhanh phòng, chống COVID-19 đã nhanh chóng truy vết các trường hợp nhiễm COVID-19, góp phần đẩy nhanh quá trình khoanh vùng, dập dịch.
  • (HNMO) - Hai ca nghi nhiễm gồm người mẹ làm ở Công ty GGM (quận Tân Bình) và người con từng làm nhân viên xếp dỡ hàng hóa ở sân bay Tân Sơn Nhất. Ngành Y tế đã mở rộng tầm soát Covid-19 trong cộng đồng dân cư toàn thành phố Hồ Chí Minh.
  • (MangYTe) - Sáng 01/02, sau khi nghe Tổ Thông tin đáp ứng nhanh phòng, chống COVID-19 báo cáo về công tác truy vết, theo dấu các ca nhiễm COVID-19, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam kêu kêu gọi người dân sử dụng tối đa các công cụ truyền thông xã hội, tích cực, chủ động cung cấp thông tin dịch bệnh.
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY