Kinh tế xã hội hôm nay

Dịch tả lợn Châu Phi càn quét khiến hơn 1,2 triệu con lợn bị tiêu huỷ

Bệnh dịch tả lợn châu Phi đang xảy ra tại 2.296 xã, 204 huyện của 29 tỉnh, thành phố, với tổng số lợn bệnh và tiêu hủy trên 1,2 triệu con, trong đó có Đồng Nai – là thủ phủ chăn nuôi lợn của cả nước, cung cấp trên 40% sản lượng thịt hơi cho TP.HCM.

Sáng 13/5, tại Bộ NN-PTNT, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chủ trì Hội nghị trực tuyến với các địa phương nhằm đánh giá tình hình và triển khai các giải pháp phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi.

Phát biểu kết luận, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh, dịch tả lợn Châu Phi là dịch bệnh nguy hiểm, từ khi dịch xuất hiện, Chính phủ và các địa phương đã vào cuộc quyết liệt để ứng phó dịch bệnh, bước đầu hạn chế được tình trạng lây lan mạnh, giảm thiểu thiệt hại.

Tuy nhiên, khả năng lây lan bệnh còn cao, chúng ta chưa thể tuyên bố khống chế hoàn toàn dịch bệnh. Chúng ta chưa kiểm soát được việc dịch quay trở lại. Một số địa phương, theo Bộ trưởng NN-PTNT báo cáo thì vẫn còn coi nhẹ, giao phó hoàn toàn cho cơ quan thú y.

Mới đây, báo chí, mạng xã hội đưa tin lợn trôi sông, chỉ vài tiếng đã vớt được hàng tấn. Có địa phương chôn lợn rồi lại đào lên. Tôi yêu cầu các địa phương khi có thông tin như vậy cần kiểm tra ngay các vấn đề này. Tôi hoan nghênh báo chí vào cuộc tích cực để chúng ta có đầy đủ thông tin về dịch bệnh – Phó Thủ tướng nói.

Vấn đề nữa là nhiều nơi chưa huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc. Phòng chống dịch là bảo vệ sản xuất, phát triển kinh tế. Chúng ta phải bảo vệ những gì đã làm được. Đây là nhiệm vụ vừa là trước mắt, vừa là trọng tâm. Các biện pháp phòng chống dịch còn chưa hiệu quả, bố trí kinh phí còn chậm, chưa phù hợp. Việc hỗ trợ cho người dân chưa đáp ứng nhu cầu, nên chưa khuyến khích được người dân tích cực phòng chống dịch. Đây là những mặt hạn chế khiến chúng ta chưa hoàn toàn khống chế được dịch.


Triển khai cấp bách các giải pháp phòng chống dịch tả lợn Châu Phi.

Dịch tả lợn Châu Phi lây lan rộng, chưa có vắc xin, nên chưa thể xử lý trong ngày một ngày hai. Yêu cầu của Thủ tướng là ngăn chặn dịch bệnh lây lan và có biện pháp hữu hiệu dập dịch.

“Tôi đề nghị Bộ NN-PTNT với Bộ trưởng là Trưởng ban chỉ đạo, cùng các địa phương, doanh nghiệp, người dân, tập trung hơn nữa, quyết liệt hơn nữa trong phòng chống, đặc biệt là dập dịch. Trước mắt, có một số nhiệm vụ trọng tâm: Phòng chống dịch là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị. Thực hiện nghiêm theo quy định của pháp luật liên quan đến thú y; thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, của Bộ NN-PTNT.

Phó Thủ tướng cũng đề nghị Ban cán sự Đảng của Bộ NN-PTNT phối hợp với Chính phủ hoàn thiện dự thảo gửi Ban Bí thư về việc đẩy nhanh các biện pháp phòng chống dịch tả lợn Châu Phi; tham mưu với Chính phủ các biện pháp phù hợp điều kiện thực tế, khả năng của nền kinh tế để phòng chống dịch bệnh hiệu quả, đảm bảo môi trường phát triển.

Ngoài ra, Bộ cũng cần ban hành văn bản chỉ đạo, hướng dẫn giết mổ lợn trong vùng dịch bệnh với sự giám sát của cơ quan thú y. Như có ý kiến đề nghị, chúng ta vừa phải chống dịch, vừa phải phát triển.

Dịch bệnh phức tạp chưa từng có, Bộ NN-PTNT nói không giấu dịch

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, tính đến ngày 12/5/2019, bệnh dịch tả lợn châu Phi đang xảy ra tại 2.296 xã, 204 huyện của 29 tỉnh, thành phố, với tổng số lợn bệnh và tiêu hủy trên 1,2 triệu con (chiếm khoảng trên 4% tổng đàn lợn của cả nước), trong đó có Đồng Nai – là thủ phủ chăn nuôi lợn của cả nước, cung cấp trên 40% sản lượng thịt hơi cho thành phố Hồ Chí Minh.

Đáng chú ý, đã có 29 xã thuộc 12 tỉnh có dịch bệnh đã qua 30 ngày nhưng sau đó lại phát sinh lợn bệnh (gần đây nhất là tại tỉnh Bắc Kạn).

Theo nhận định của các chuyên gia, dịch tả lợn châu Phi là dịch bệnh rất nguy hiểm, có khả năng gây tổn thất lớn về kinh tế, ảnh hưởng đến ngành chăn nuôi nước ta. Với những nỗ lực và hành động quyết liệt của cả hệ thống, công tác phòng chống dịch đã đạt được một số kết quả quan trọng. Bước đầu hạn chế tình trạng lây lan và giảm thiểu thiệt hại. Thời gian qua, bệnh phát sinh ở nhiều nơi, song lẻ tẻ, chủ yếu là tại các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ (có tỉnh bệnh chỉ xuất hiện ở một vài hộ).

Đến nay, tỉnh Thừa Thiên – Huế và 55 xã thuộc 36 huyện của 16 tỉnh, thành phố khác đã qua 30 ngày không phát sinh thêm lợn mắc bệnh. Nếu không có các giải pháp đồng bộ và quyết liệt triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh trong thời gian qua, chắc chắn bệnh dịch đã lây lan rất nhanh và mức độ thiệt hại sẽ rất lớn.


Cân lợn để xác định hỗ trợ trước khi tiêu hủy.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho rằng, cho đến nay, lịch sử ngành chăn nuôi thế giới và Việt Nam chưa từng đối phó dịch bệnh nào nguy hiểm, phức tạp, khó đối phó, tốn kém trong phòng chống đến như vậy. Mặc dù dịch tả châu Phi xảy ra từ 1921 tại châu Phi, song quy mô kinh tế thời điểm ấy chưa tới mức lớn như hiện nay.

“Chỉ 3 - 4 năm gần đây, tốc độ lan truyền bệnh này ở đàn lợn nuôi mới lớn, xảy ra ở 56 nước. Đặc biệt ở châu Á, tốc độ lây lan chóng mặt. Độc dược của virus rất cao, đã vào đàn là 100% lợn bị bệnh. Mặt khác, điều kiện khí hậu cùng quy mô chăn nuôi nhỏ lẻ, dẫn đến tình hình dịch bệnh thêm phức tạp”, Bộ trưởng nói.

Bộ trưởng cho hay, với các loại dịch đặc biệt thì ứng phó cũng phải theo cách đặc biệt. Nhất là phải minh bạch thông tin về dịch bệnh. Bộ NN-PTNT khẳng định không giấu bất cứ thông tin gì, kể cả những nơi làm tốt và chưa tốt, nhưng tần suất, cường độ thông tin như thế nào, phải đảm bảo hài hoà để phục vụ công tác phòng chống dịch ngày càng tốt hơn.

Phòng chống dịch còn nhiều yếu kém

Về nguyên nhân khiến dịch lây lan nhanh, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết, dù Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia, Bộ NN&PTNT đã rất quan tâm chỉ đạo quyết liệt tuy nhiên việc tổ chức triển khai thực hiện ở nhiều địa phương còn gặp nhiều khó khăn, tồn tại. Dịch bệnh còn diễn biến rất phức tạp. Ở các nước xung quanh, bệnh dịch đã bùng phát trở lại tại Hồng Kông (Trung Quốc).

Một số địa phương chưa chủ động tổ chức giám sát, kịp thời nắm bắt thông tin và báo cáo tình hình dịch bệnh chưa chính xác, kịp thời, gây khó khăn cho công tác chỉ đạo phòng chống dịch. Thậm chí một số nơi còn chủ quan, lơ là và không quyết liệt trong việc triển khai các biện pháp phòng, chống dịch; chưa huy động được cả hệ thống chính trị vào cuộc, chủ yếu giao cho hệ thống thú y với lực lượng rất mỏng. Công tác phối hợp giữa cơ quan thú y với các đơn vị liên quan chưa chặt chẽ, hiệu quả chưa cao.

Việc tổ chức tiêu hủy lợn bệnh vệ sinh, tiêu độc khử trùng chưa kịp thời, chưa đúng theo hướng dẫn của cơ quan thú y và chưa triệt để. Hầu hết các hộ gia đình không có quỹ đất để chôn lợn bệnh ch*t mà phải vận chuyển đến các địa điểm do chính quyền địa phương chỉ định bằng các phương tiện thô sơ làm mầm bệnh phát tán rộng. Đây chính là một trong những nguyên nhân góp phần làm cho bệnh dịch lây lan nhanh hơn và ô nhiễm môi trường.

Một số địa phương chưa bố trí kinh phí để trả thù lao cho người tham gia phòng, chống dịch bệnh, xử lý tiêu hủy lợn bệnh; chậm trả tiền hỗ trợ hoặc mức hỗ trợ quá thấp cho người chăn nuôi có lợn buộc phải tiêu hủy.


Dịch tả lợn Châu Phi gây thiệt hại lớn cho người nông dân.

Nhiều người chăn nuôi khi phát hiện lợn có bệnh, nghi mắc bệnh không thực hiện việc khai báo với chính quyền địa phương và thú y cơ sở để xác minh dịch bệnh, tự ý điều trị hoặc bán chạy lợn bệnh, lợn nghi bị bệnh, làm cho dịch bệnh lây lan. Bên cạnh đó cũng có những địa phương do bệnh dịch kéo dài, lan trên diện rộng, nguồn kinh phí dự phòng không đủ để chi trả cho các hoạt động phòng, chống dịch.

Với những diễn biến của dịch bệnh, Bộ NN-PTNT nhận định do bệnh dịch tả lợn châu Phi là bệnh rất nguy hiểm, hiện chưa có Thu*c điều trị, chưa có vắc xin phòng bệnh; virus có khả năng tồn tại lâu ngoài môi trường và có sức đề kháng rất cao, đường lây truyền rất đa dạng, khó kiểm soát; dịch bệnh còn diễn biến phức tạp tại nhiều nước, đặc biệt tại các nước có chung đường biên giới với nước ta, trong khi các hoạt động thương mại, du lịch đa dạng, khó kiểm soát, nên việc ngăn chặn dịch bệnh từ các nước vào Việt Nam còn nhiều khó khăn thách thức.

Chăn nuôi hộ gia đình, nhỏ lẻ ở nước ta còn trên 2,5 triệu hộ chăn nuôi lợn, mật độ chăn nuôi rất cao, đan xen trong các khu dân cư, nhất là tại các địa phương thuộc khu vực đồng bằng sông Hồng, do vậy việc thực hiện các biện pháp an toàn sinh học, ngăn chặn các yếu tố làm lan truyền bệnh mầm bệnh như chuột, gián và các loại côn trùng khác... để cắt đứt các nguồn lây nhiễm là rất khó, đồng thời còn nhiều khó khăn, tồn tại bất cập nêu trên.

Mặt khác, diễn biến thời tiết hiện nay rất phù hợp cho dịch bệnh lây lan ở các vùng miền của cả nước. Do vậy, trong thời gian tới nguy cơ bệnh dịch tả lợn châu Phi lây lan rất cao, diễn biến rất phức tạp, bệnh có khả năng lây lan sang các địa phương chưa có dịch; tại nhiều địa phương đã qua 30 ngày nhưng dịch bệnh lại tái phát; đặc biệt nguy hiểm hơn là bệnh có khả năng xâm nhiễm vào các cơ sở chăn nuôi tập trung, quy mô lớn, gây hậu quả khó lường.

Nghiên cứu sản xuất vắc xin phòng dịch tả lợn Châu Phi

Theo Bộ NN-PTNT, công tác tuyên truyền được tập trung thực hiện đã góp phần quan trọng trong việc trang bị kiến thức, nâng cao hiểu biết của người dân về dịch bệnh, hạn chế được tình trạng người dân hoang mang, quay lưng tẩy chay thịt lợn. Giá thịt lợn đã tăng trở lại, góp phần quan trọng cho việc bảo vệ sản xuất, nhất là tại các địa phương chưa có dịch bệnh.

Các địa phương, các doanh nghiệp chăn nuôi lớn tập trung triển khai quyết liệt, áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp an toàn sinh học để bảo vệ đàn lợn giống, sẵn sàng phục vụ khôi phục và phát triển sản xuất cho các địa phương khi có điều kiện. Đến nay, cả nước có 740 vùng, cơ sở chăn nuôi lợn được chứng nhận an toàn dịch bệnh.

Hiện nay, các địa phương và các doanh nghiệp cũng đã và đang triển khai quyết liệt các giải pháp phát triển chăn nuôi gia cầm, các loài gia súc khác để bù đắp cho chăn nuôi lợn. Đồng thời, Bộ NN-PTNT đang tích cực nghiên cứu các giải pháp phòng, chống phù hợp, hiệu quả hơn; tổ chức nghiên cứu, sản xuất vắc xin phòng bệnh dịch tả lợn châu Phi.

Lê Nguyên

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khỏe đời sống (https://suckhoedoisong.vn/dich-ta-lon-chau-phi-can-quet-khien-hon-12-trieu-con-lon-bi-tieu-huy-n157336.html)

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY