Bài giảng vi sinh y học hôm nay

Vibrio parahaemolyticus (vi khuẩn có thể gây dịch tả): tính chất, dịch tễ, phòng ngừa, biểu hiện và chẩn đoán

Người mắc bệnh chủ yếu là do ăn phải thức ăn hải sản chưa được nấu chín hoặc bị nhiễm khuẩn trong quá trình chế biến và bảo quản

Giống Vibrio thuộc vào họ Vibrionaceae. Chúng là những vi khuẩn hình que hơi cong như dấu phẩy, Gram âm, không sinh nha bào, di động nhờ một lông ở một đầu, oxydaza dương tính... Giống Vibrio được chia thành:

Vibrio cholerae O1: thuộc nhóm huyết thanh O1 có khả năng sinh độc tố ruột và gây ra bệnh dịch tả. Vibrio cholerae O1 bao gồm type sinh học cổ điển và type sinh học El Tor. Các sinh type này ngưng kết với kháng huyết thanh nhóm 01. Trong nhóm này có 3 type huyết thanh là Ogawa, Inaba và Hikojima.

Vibrio cholerae không phải O1/ không phải O139: bao gồm các nhóm huyết thanh từ  O2 - O138 không có khả năng gây dịch tả. Có tính chất sinh hóa tương tự như V.cholerae O1 nhưng không ngưng kết với kháng huyết thanh O1. Các nhiễm trùng do nhóm này thường liên quan đến môi sinh, chúng gây ra viêm ruột cấp nhưng cơ chế gây bệnh vẫn chưa được giải thích.

Vibrio cholerae O139: là tác nhân gây ra bệnh dịch tả được phát hiện lần đầu tiên vào năm 1992 tại Ấn Độ và Bangladesh. Độc lực của nó là độc tố ruột và kháng nguyên pili đồng điều hòa độc tố (Toxin coregulated pili - TCP).

Các Vibrio khác: V. mimicus; V. parahaemolyticus; V.hollisae. V. fluvialis; V.furnissii; V.vulnificus; V.alginolyticus; V.damsela; V.cincinnatiensis; V.metschnikovii.

V.parahaemolyticus được phân lập lần đầu ở Nhật Bản năm 1950 từ phân bệnh nhân tiêu chảy do ăn cá biển.

Đặc điểm sinh vật học

V.parahaemolyticus có hình hơi cong và ngắn. Gram âm và di động.

Là vi khuẩn ưa mặn (halophile) tồn tại trong nước biển và các động vật biển như cá, tôm, sò, ốc ...

Vi khuẩn mọc tốt ở môi trường kiềm và mặn. Nhiệt độ thích hợp cho sự nhân lên là 37 0C.

V.parahaemolyticus có oxidase dương tính, lên men D-mannitol, maltose, L.arabinose, không lên men saccharose.

V.parahaemolyticus bị ch*t ở 65oC sau 10 phút, chúng không phát triển được ở nhiệt độ dưới 15 0C.

Vi khuẩn có 3 loại kháng nguyên:

Kháng nguyên thân 0: chịu nhiệt, được chia thành 12 type.

Kháng nguyên lông H.

Kháng nguyên vỏ K: không chịu nhiệt, được chia thành 59 type.

Khả năng gây bệnh

V.parahaemolyticus là một trong những nguyên nhân gây nhiễm trùng nhiễm độc thức ăn. Người mắc bệnh chủ yếu là do ăn phải thức ăn hải sản chưa được nấu chín hoặc bị nhiễm khuẩn trong quá trình chế biến và bảo quản.

Thời gian ủ bệnh bệnh ngắn từ 2 - 6 giờ. Bệnh biểu hiện các triệu chứng nôn và tiêu chảy kiểu tả nhẹ hoặc tiêu chảy kiểu lỵ trực khuẩn.

Bệnh do vi khuẩn này gây ra gặp nhiều nhất ở Nhật Bản, ngoài ra còn gặp ở nhiều nước khác. Ở Việt Nam đã gặp nhiều lần tại vùng bờ biển Bắc Bộ.

Chẩn đoán vi sinh vật

Phân lập vi khuẩn từ bệnh phẩm là phân, chất nôn của bệnh nhân.

Phân lập vi khuẩn từ các hải sản trong trường hợp điều tra thực phẩm nhiễm khuẩn.

Phòng bệnh và chữa bệnh

Chưa có vaccine phòng bệnh.

Phòng bệnh chung bằng cách nấu kỹ thức ăn hải sản, không ăn sống hải sản.

Điều trị bằng các kháng sinh nhạy cảm như tetracycline, chloramphenicol ... 

Nguồn: Internet.
Mạng Y Tế
Nguồn: Điều trị (https://www.dieutri.vn/bgvisinhyhoc/vibrio-parahaemolyticus-vi-khuan-co-the-gay-dich-ta/)

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY