Kinh tế xã hội hôm nay

Đổi bữa nhân ngày gió mùa giãn cách xã hội

(MangYTe) Thời gian giãn cách xã hội nhằm chung tay đẩy lùi COVID-19 đã giúp nhiều chị em có cơ hội thể hiện tài bếp núc với những món ăn tưởng chừng quen thuộc nhưng lại rất lạ miệng.

Bnews Thời gian "giãn cách xã hội" nhằm chung tay đẩy lùi COVID-19 đã giúp nhiều chị em có cơ hội thể hiện tài bếp núc với những món ăn tưởng chừng quen thuộc nhưng lại rất lạ miệng.

Chẳng gì làm khó được các chị em đảm đang với những công thức nấu ăn siêu đơn giản mà cực chuẩn vị. Ảnh: Thu Hằng/BNEWS/TTXVN

Giữa những ngày Hà Nội trở "rét nàng Bân", không ít người bỗng thấy thèm cái hương vị bánh tôm giòn giòn, bánh gối đậm đà hay một bát bánh đúc nóng hôi hổi nơi quán quen vỉa hè.
Mặc kệ "cô-vít", chẳng gì làm khó được các chị em đảm đang với những công thức siêu đơn giản, thơm ngon và cực chuẩn vị dưới đây.
Công thức bánh tôm "bất bại"
Cơm, bún, miến, phở... nếu đã quá quen rồi thì hãy thử đổi bữa cho cả nhà với món bánh tôm giòn rụm nhé!
Nguyên liệu cho món này cần có: bột mì, bột gạo, bột năng, bột nghệ, bột tỏi, khoai lang và tất nhiên là không thể thiếu tôm được rồi. Ngoài ra, bạn cần thêm các loại rau sống ăn kèm theo sở thích và đu đủ xanh, cà rốt để làm dưa góp ăn kèm chống ngán.
Trước tiên, nguyên liệu mua về, bạn hãy gọt vỏ khoai lang, rửa sạch và bào thành các sợi nhỏ, ngâm trong nước muối loãng từ 1,5 – 2 giờ rồi vớt ra, để ráo. Với tôm, cắt bỏ phần cạnh cứng và râu dài của tôm (nếu tôm to bạn có thể bỏ phần đầu tôm) rồi rửa sạch, để ráo nước. Ướp tôm với chút muối và bột tỏi (nếu có) để tôm khi chiên sẽ đậm đà hơn
Lưu ý: Tôm để nguyên vỏ thì khi chiên bánh sẽ không bị khô và cháy.

Bánh tôm "bất bại" với công thức bột tỷ lệ 1:1:1. Ảnh: Thu Hằng/BNEWS/TTXVN

Đối với bột bánh, một bí quyết giúp lớp vỏ giòn tan được nhiều chị em chia sẻ là trộn bột mì, bột gạo và bột năng theo tỷ lệ 1:1:1 rồi thêm một chút bột nghệ, đường và muối vào. Tiếp đó, trộn đều và châm nước từ từ cho đến khi hỗn hợp quyện vào nhau sền sệt rồi cho tiếp khoai lang sợi vào trộn đều.
Để chiên bánh, bạn chọn một chiếc chảo sâu lòng đặt lên bếp, đổ dầu ăn vào. Đợi dầu sôi, cho bột bánh, khoai lang và tôm lên muôi lớn, nhẹ nhàng đặt muôi xuống chảo dầu.
Đến khi bánh vàng giòn, tỏa hương thơm phức là đạt yêu cầu, gắp bánh ra đĩa có lót sẵn giấy thấm đầu. Để tiết kiệm thời gian, bạn nên chiên nhiều chiếc bánh trong một mẻ.
Đối với dưa góp, làm sạch vỏ đu đủ và cà rốt rồi cắt miếng nhỏ vừa ăn. Rắc một chút muối lên phần cà rốt, đu đủ đã thái để khoảng 10-15 phút cho dưa góp giòn và đậm vị, rồi sửa sạch lại với nước. Tiếp tục cho thêm giấm, đường theo tỷ lệ 1:1 và chút muối vào trộn đều. Để dưa góp ngấm vị, bạn nên làm trước khi chiên bánh khoảng 1 giờ.
Cuối cùng là nước chấm bánh tôm, tùy theo sở thích và khẩu vị mỗi người mà nước chấm sẽ có vị khác nhau. Tuy nhiên, đặc điểm chung của món này, nước chấm sẽ có vị chua ngọt giúp món chiên đỡ ngán. Tỷ lệ thông thường của mắm, đường, giấm (hoặc chanh) và nước lọc là: 1:1:1:5. Bạn gia giảm theo khẩu vị riêng rồi thêm ớt tươi và tỏi đập dập vào là hoàn thành.
Lưu ý:
- Không nên cho quá nhiều khoai và làm bánh với kích thước lớn vì bánh nhỏ sẽ có độ giòn từ trong ra ngoài. Nhiệt độ chiên bánh thích hợp nhất là từ 170 -180 độ C.
- Nếu bạn chưa ăn ngay thì lần đầu chỉ nên chiên vừa chín tới rồi vớt ra, khi ăn thì chiên bánh lại một lần nữa cho bánh thật giòn.
- Để bánh giòn ở bên ngoài mà bên trong vẫn có độ mềm thì bạn cần chiên bánh ở nhiệt độ cao từ 190 – 200 độ C để phần bên ngoài giòn nhanh.
Bánh gối ngon như nhà hàng
Vỏ bánh gối bạn có thể mua sẵn, hoặc nếu tự làm, nguyên liệu cần có: 500 gram bột mỳ đa dụng, 1,5 gram men nở (bỏ qua nếu không có), trứng gà 2 quả, 220 ml sữa tươi loại ít đường, 50 gram bơ nhạt hoặc mặn, có thể thay thế bằng 50ml dầu ăn, 1/2 thìa cà phê muối.
Chuẩn bị cho nhân bánh: 4-5 cái mộc nhĩ, một nắm miến dong, 1/2 củ đậu hoặc xu hào, 200 gram thịt lợn xay, 1/2 củ hành tây, bột nêm, hạt tiêu, trứng cút hoặc trứng gà, hành tím.

Bánh gối tự làm ở nhà vừa đảm bảo vệ sinh lại tùy ý gia giảm phần nhân theo ý thích. Ảnh: Thu Hằng/BNEWS/TTXVN

Bước vào sơ chế nhân bánh, bạn hãy làm sạch xu hào hoặc củ đậu, rồi bào sợi cắt nhỏ (nếu dùng củ đậu thì vắt bớt nước). Trứng cút hoặc trứng gà luộc chín bóc vỏ (nếu là trứng cút có thể cắt làm đôi hoặc để cả quả,trứng gà cắt làm tư). Mộc nhĩ ngâm nở thái sợi nhỏ, miến ngâm nở cắt nhỏ, hành tây gọt vỏ thái nhỏ, kiểu hạt lựu.
Phi thơm hành tím, cho thịt lợn xay vào xào, cho một thìa bột nêm đảo đều, sau đó bạn chút hành tây vào xào cùng. Các nguyên liệu khác có thể không xào để giữ độ ngọt tự nhiên. Sau đó trộn đều thịt với các nguyên liệu khác: mộc nhĩ, miến, củ đậu hoặc xu hào, thêm một thìa cà phê bột nêm, 1/2 thìa cà phê hạt tiêu.
Hãy đánh tan 1 lòng đỏ trứng gà trước khi gói bánh. Giờ thì hãy quét 1 lớp mỏng lòng đỏ trứng gà quanh mép vỏ bánh gối, cho nhân bánh vào giữa rồi đặt trứng cút hoặc trứng gà đã chuẩn bị ở trên vào. Cuối cùng thì khéo léo gấp mép bánh lại và tạo hình.
Chiên bánh trong chảo ngập dầu và lửa vừa đến khi bánh vàng đều là được. Bánh gối ăn kèm nước chấm chua ngọt như trên và dưa góp, rau sống tùy sở thích.
Dành cho những ai tự làm vỏ bánh: Trộn đều hỗn hợp bột đã chuẩn bị ở trên và để nghỉ 30 phút. Bạn dùng cây cán bột hoặc chai thủy tinh cán mỏng bột ra rồi lấy một cái ăn cơm hoặc bát to hơn bát ăn cơm chút, ấn xuống làm khuôn thành hình tròn. Trong lúc thao tác nhớ rắc bột áo là bột mỳ khô để chống dính, nhưng đừng cho quá nhiều bột áo kẻo vỏ bánh sẽ bị khô nhé!
Bánh đúc nóng không vôi, không hàn the
Nguyên liệu: 200 gr bột gạo tẻ, 150 gr bột năng (tạo độ giòn dai thay hàn the), 200 gr thịt lợn xay, 5 cánh mộc nhĩ, rau mùi, hành khô, gia vị, mắm, đường, giấm, hạt tiêu, dầu ăn.
Phần bánh: Cho cả 2 loại bột vào nồi cho 1 lít nước (có thể ít hơn tránh bột bị loãng, sau này trong khi nấu có thể chế thêm nước dần vào) khuấy tan rồi bắc lên bếp quấy đều cho chút gia vị vào rồi nấu đến khi thấy bột chín hơi trong hơn thì cho 2 thìa cơm dầu ăn rồi quấy kĩ thêm.
Lúc này nhấc đũa hoặc thìa thấy bột dính nhau nhưng không phải dính dẻo mà là dính nhưng có đứt đoạn là được. Nếu thấy quá đặc thì thêm nước.

Bánh đúc nóng không vôi, không hàn the. Ảnh: Thu Hằng/BNEWS/TTXVN

Phần nhân: thịt xay cho gia vị và mộc nhĩ đã ngâm nở và thái nhỏ vào trộn đều chờ 5 phút cho vào nồi với ít dầu xào chín.
Hành khô thái mỏng phi vàng. Rau mùi rửa sạch thái nhỏ. Nước chấm pha mắm, đường, giấm theo tỷ lệ 4:3:3 và 100ml nước lọc, nêm nếm chua ngọt vừa ăn.
Trình bày: múc bánh ra bát cho thịt xào và rau mùi lên trên, chan nước chua ngọt rồi rắc hành khô phi vàng là được
Mỳ vằn thắn chuẩn vị Hà thành

Mỳ vằn thắn ngọt thơm, nóng hổi giữa những ngày "rét nàng Bân". Ảnh: Thu Hằng/BNEWS/TTXVN

Nguyên liệu (cho 4 người ăn):
- Tôm tươi 200gr, tôm khô 50gr, thịt xay 100gr, gan lợn 100gr, xương lợn 1kg
- Mỳ trứng 1 gói lớn, vỏ bánh gối 200gr
- Hành tây 1 củ, củ cải 1 củ, cà rốt 1 củ, trứng gà 2 quả
- Mộc nhĩ, nấm hương, hành lá, rau cải ngọt.
- Muối, hạt nêm, hạt tiêu, 1 củ hành khô.
Để làm thịt xá xíu: 500gr thịt mông, 2 thìa canh đường mạch nha, 1 thìa mật ong, 2 thìa xì dầu, 1,5 thìa dầu hào, ½ thìa cà phê ngũ vị hương, 3 tép tỏi băm nhuyễn, ½ thìa cà phê hạt tiêu.
Để làm thịt xá xíu, bạn cần rửa thịt sạch, thấm khô, cắt thành 2 – 3 miếng. Cho các nguyên liệu vào nồi (không cho thịt), đến khi thành hỗn hợp đặc, dính thì để nguội. Ướp thịt với hỗn hợp vừa làm, để vài tiếng cho thịt ngấm gia vị. Bật lò nướng, nướng thịt ở nhiệt độ 220 độ C đến khi thịt chín. Thái thịt thật mỏng.
Với nước dùng, bạn hãy đun sôi nước, chần xương, vớt bớt bọt đen, rồi rửa xương cho sạch. Hành tây gọt vỏ, thái nhỏ. Củ cải, cà rốt gọt vỏ, thái miếng. Rửa tôm khô cho sạch.
Ninh xương với cà rốt, củ cải, hành tây, tôm khô khoảng 2 tiếng. Có thể ninh bằng nồi cơm điện cho tiện, khi thấy bọt đen nổi lên thì vớt hết đi. Nêm thêm muối, hạt nêm cho nước đậm đà.

Sủi cảo túm tròn lại để làm sủi cảo luộc hoặc gập thành hình tam giác để làm sủi cảo chiên. Ảnh: Thu Hằng/BNEWS/TTXVN

Linh hồn của món ăn này chính là phần sủi cảo. Ngâm nấm hương, mộc nhĩ, rồi thái nhỏ. Hành khô băm nhỏ. Tôm tươi bóc vỏ, thái hạt lựu. Trộn thịt xay, nấm hương, mộc nhĩ, tôm, hành khô với nhau. Cho nhân vào giữa vỏ bánh, rồi túm tròn lại để làm sủi cảo luộc, gập thành hình tam giác để làm sủi cảo chiên.
Cho sủi cảo vào nồi nước dùng, khi thấy nổi lên là chín thì vớt ra. Với sủi cảo chiên, cho dầu vào chảo sâu lòng, cho từng miếng vào chiên đếm khi lớp vỏ vàng giòn thì vớt ra.
Ngoài ra, bạn cần luộc chín trứng gà, bóc vỏ, cắt làm đôi, hoặc làm 4. Gan rửa sạch, luộc chín, thái thật mỏng. Tôm tươi hấp chín, bóc vỏ. Rau cải ngọt cần chần nước sôi cho chín. Mỳ trứng đem chần qua nước sôi để loại bớt dầu thừa, luộc mỳ cho chín tới, vớt mỳ ra dội qua nước lạnh để mỳ không bị nát và dính vào nhau. Hành lá rửa sạch, thái khúc hoặc thái nhỏ tùy ý.

Phần nhân món mỳ vằn thắn chuẩn vị. Ảnh: Thu Hằng/BNEWS/TTXVN

Đến giờ thưởng thức rồi. Hãy cho chút mỳ, rau cải ngọt, vài miếng sủi cảo luộc và chiên, 2 con tôm, 1 miếng trứng, vài miếng gan, hành lá vào bát. Chan thêm nước dùng và nhấc đũa lên thôi nào.
Trong những ngày lành lạnh như này mà húp thìa nước dùng bốc hơi nghi ngút, cắn miếng sủi cảo thơm ngọt thịt, tôm, xá xíu mềm mềm thấy người khỏe khoắn, yêu đời hơn hẳn.

>>>Hướng dẫn tự chế các món ăn "cực hot" tại nhà trong mùa dịch

Mạng Y Tế
Nguồn: BNews (https://bnews.vn/doi-bua-nhan-ngay-gio-mua-gian-cach-xa-hoi/153691.html)

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY