Theo tin từ trung tâm Báo tin động đất và cảnh báo sóng thần - Viện Vật lý địa cầu, vào hồi 18 giờ 19 phút 57 giây (giờ GMT) ngày 21/5/2019 tức 01 giờ 19 phút 57 giây (giờ Hà Nội) ngày 22/5/2019 một trận động đất có độ lớn 2.5 xảy ra tại vị trí có tọa độ (21.377 vĩ độ Bắc, 103.343 độ kinh Đông), độ sâu chấn tiêu khoảng 9.7 km.
Trung tâm báo tin động đất và cảnh báo sóng thần - Viện Vật lý Địa cầu vẫn đang tiếp tục theo dõi trận động đất này.
Bản đồ chấn tâm động đất.
Trả lời trên TTXVN, ông Nguyễn Thái Sơn, Trạm trưởng Trạm quan sát động đất TP Điện Biên Phủ, cho biết dư chấn kéo dài khoảng 3-4 giây. Vị trí xảy ra động đất tại nơi giáp ranh 2 xã Sa Dung và Na Son (huyện Điện Biên Đông), trên dải đứt gãy Sông Mã-Sơn La; cách TP Điện Biên Phủ hơn 30 km.
Ông Sơn đánh giá do ảnh hưởng của dư chấn, người dân địa phương cảm nhận rõ ràng được mặt đất rung lắc. Các công trình và vật dụng trong nhà cũng rung chuyển. Tuy nhiên, sự cố không gây thiệt hại về người và tài sản.
Hôm 16/5, một trận động đất có cường độ 3,2 độ cũng xảy ra tại xã Chung Chải, huyện Mường Nhé (tỉnh Điện Biên). Dư chấn kéo dài 3-4 giây, nằm sát biên giới Việt Nam-Lào.
Theo báo cáo của Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT và TKCN) các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, từ ngày 20 đến ngày 21/5/2019, mưa kèm theo dông lốc, mưa đá, sét trên địa bàn 02 tỉnh đã gây thiệt hại nhiều về tài sản của người dân.
Tại Nghệ An, 55 nhà bị tốc mái và hư hỏng (Kỳ Sơn 19 nhà, Quế Phong 28 nhà, Quỳ Châu 08 nhà); 2,68 ha chanh leo (huyện Tương Dương) bị thiệt hại; 06 kho lúa (huyện Kỳ Sơn) bị tốc mái; ước tính thiệt hại khoảng 800 triệu đồng.
Tại Hà Tĩnh, 158 nhà dân thuộc huyện Hương Khê bị tốc mái (Hương Xuân 120 nhà, Hương Bình 25 nhà, Hương Trà 10 nhà, Phú Phong 03 nhà); 70 cây bưởi ở xã Hương Bình bị thiệt hại, 01 con trâu xã Hương Trà bị sét đánh ch*t; ước tính thiệt hại khoảng 650 triệu đồng.
Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT tiếp tục chuyển các bản tin cảnh báo, dự báo đến Ban Chỉ huy PCTT và TKCN các tỉnh, thành phố Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ để theo dõi và chủ động các biện pháp ứng phó với lốc, sét, mưa đá.
Ban Chỉ huy PCTT và TKCN các tỉnh, thành phố tổ chức trực ban, theo dõi diễn biến thiên tai để chủ động triển khai các biện pháp phòng tránh.