Khoa học hôm nay

Động vật hoang dã: Những chiếc lưỡi đặc biệt và hữu dụng

Đối với một số loài động vật, luỡi là một cơ quan đáng kinh ngạc và có tính năng đặc biệt mà có thể chúng ta chưa biết. Không chỉ là một cơ quan cảm giác, lưỡi còn được một số loài sử dụng để bắt mồi, tạo ra âm thanh, giao tiếp và hơn thế nữa.

Thú ăn kiến khổng lồ

Chiếc lưỡi dài khoảng 60 cm cho phép một con thú ăn kiến khổng lồ ăn thịt tới 30.000 con kiến và mối mỗi ngày. Chiếc lưỡi giống như sợi mì spaghetti nhanh thoăn thoắt của nó có gai và có nước bọt dính, giúp gắp thức ăn và kéo thẳng đến xương ức, nơi lưỡi bám vào.

Tắc kè hoa

Tắc kè hoa được biết đến với khả năng thay đổi màu sắc và chiếc lưỡi nhanh, dài 50 cm, chuyên dùng để bắt côn trùng. Đầu lưỡi của chúng thực chất là một quả bóng cơ. Quả bóng đó biến thành một cái ống hút khi nó chạm vào con mồi, sau đó nghiền nát chúng.

Gấu chó

Gấu chó có lưỡi rất dài, có thể dài tới 25 cm, thường được sử dụng để hút mật từ tổ ong. Đây là lý do gấu chó còn được gọi là gấu mật.

Ếch

Ếch nổi tiếng với chiếc lưỡi nhanh như chớp, nhưng không chỉ vậy, chúng còn rất khỏe, có thể kéo những vật nặng gấp 1,4 lần trọng lượng cơ thể loài này. Một kỹ sư nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Công nghệ Georgia giải thích về cấu tạo giải phẫu độc đáo của động vật: "Không giống như con người, lưỡi ếch được kết nối ở phía trước của hàm dưới, thay vì ở phía sau cổ họng."

Hươu cao cổ

Chiếc lưỡi dài 53 cm của hươu cao cổ có các màu tím, xanh và đen. Điều này là do chúng có chứa melanin, hoạt động như một loại vật cản nắng khi động vật thè lưỡi ra để tìm lá.

Tamarin hoàng đế

Sở hữu một trong những bộ ria ấn tượng nhất trong vương quốc động vật, những loài linh trưởng này cũng được biết đến với việc ngoáy lưỡi vào và ra khỏi miệng để giao tiếp. Cùng với tiếng hót, tiếng huýt sáo và nét mặt, chúng búng lưỡi như một dạng ngôn ngữ cơ thể.

Quái vật Gila

Chiếc lưỡi chẻ của quái vật Gila được cho là có thể giúp phát hiện mùi hôi. Nó được sử dụng để thu nhận các gradient hóa học trong không khí, cho phép động vật ngửi thấy con mồi tiềm năng hoặc phát hiện ra nguy hiểm.

Chim gõ kiến bụng đỏ

Chiếc lưỡi dài của loài chim này được làm từ cơ, xương và sụn, chúng "cất giữ" bằng cách quấn nó quanh hộp sọ của chúng khi không sử dụng.

Larry Witmer, giáo sư giải phẫu và cổ sinh vật học tại Ohio, giải thích: “Phần gốc giống như sợi dây của lưỡi kéo dài ra khỏi miệng, uốn lượn phía sau và lên đỉnh đầu, đôi khi kéo dài về phía trước đến mức chạm tới lỗ mũi”.

Chim cánh cụt

Lưỡi của chim cánh cụt có các sợi lông cứng làm bằng keratin, giúp chúng tóm lấy những con mồi ngoằn ngoèo và trơn trượt, như cá. Một điểm độc đáo khác ở lưỡi của chim cánh cụt là chúng không có vị giác, có lẽ đó là lý do tại sao chúng nuốt chửng thức ăn của mình.

Tê tê

Tê tê không chỉ là loài động vật có vú duy nhất có vảy mà lưỡi của chúng cũng rất độc đáo. Lưỡi của chúng có thể dài tới 40 cm, dài hơn cả chiều dài cơ thể của động vật. Một điểm độc đáo khác là lưỡi của chúng được nối với khung xương sườn thay vì miệng.

Ruồi

Phần phụ có lông của ruồi thực ra không phải là lưỡi. Nó được gọi là labellum. Nó hoạt động giống như ống hút và được ruồi sử dụng để hút thức ăn.

Mạng Y Tế
Nguồn: Đại đoàn kết (http://daidoanket.vn/dong-vat-hoang-da-nhung-chiec-luoi-dac-biet-va-huu-dung-5656245.html)

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY