Kinh tế xã hội hôm nay

Du học sinh Việt tại châu Âu: An toàn là khi ngồi yên một chỗ

(MangYTe) Trước tình hình các quốc gia châu Âu đang chịu ảnh hưởng lớn từ dịch Covid-19, du học sinh Việt Nam tại đây phải tìm cách “sống chung với lũ”, tăng cường sức khoẻ và hơn hết, không hoảng loạn, đảm bảo an toàn cho bản thân bằng việc cách ly với xã hội…

Đại dịch Covid-19 đang như một cơn bão quét qua toàn bộ các quốc gia ở châu Âu. Con số những ca nhiễm mới ngày một tăng lên với mức chóng mặt. Tính đến ngày 24/3, tổng số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 đã lên tới hơn 150.000.

Rất nhiều quốc gia đã áp dụng các biện pháp phong tỏa và đưa ra lệnh giới hạn đi lại nhằm ứng phó với Covid-19. Trong lịch sử hiện đại, chưa có quốc gia nào ở châu Âu trong thời bình phải tiến hành các biện pháp hạn chế đi lại và tụ tập đông người một cách toàn diện như vậy, kể cả trong nhiều biến cố nghiêm trọng như khủng hoảng giá dầu hay chủ nghĩa Kh*ng b*.

Những con phố sầm uất đầy ắp các cửa hàng lấp lánh ánh đèn ngày nào giờ đây đã trở nên vắng vẻ, quạnh hiu. Những quảng trường nổi tiếng tại Paris (Pháp) hay Milan (Italy) đông đúc khách du lịch giờ đây chỉ còn bóng dáng của cảnh sát đi tuần và khuyên nhủ người dân không ra ngoài đường.

Khi giấc mơ không thành thật

Hoàng Linh Chi, 26 tuổi, hiện đang theo học ngành tiếng Pháp tại trường ACCORD Paris để tiếp tục theo học Master. Cô mới “chân ướt chân ráo” sang Pháp được một tháng, khi mà dịch Covid-19 còn chưa bùng phát căng thẳng như hiện nay.

Từng du lịch sang châu Âu khi mới bước chân vào Đại học, Linh Chi đã ấp ủ giấc mơ Pháp, đất nước của tình yêu từ rất lâu. Giữa tháng Hai, Pháp mới chỉ ghi nhận vài chục ca nhiễm Covid-19, Linh Chi có chút lo lắng trước khi nhập học. Tuy nhiên, vì kế hoạch học tập không thể lùi hay hoãn được nên cô vẫn quyết định triển khai như dự định.

Trước khi bay, Chi nghĩ rằng, Pháp có một nền y tế hiện đại nên yên tâm mọi thứ chắc sẽ ổn. Tuy nhiên, khi sang đến nơi thì thực tế lại không hẳn như vậy, người dân tại Pháp không cảnh giác phòng chống Covid-19 như ở Việt Nam. Chính vì vậy, việc đeo khẩu trang khi đến những nơi đông người cũng là một việc không hề đơn giản. Bạn sẽ phải cân nhắc giữa việc đeo khẩu trang để phòng bệnh cho bản thân, vì xung quanh có rất nhiều người ho, hắt hơi, sổ mũi mà không thể biết được họ có đang bị nhiễm virus hay không. Hoặc, việc đeo khẩu trang ra đường cũng có thể khiến bạn phải nhận những lời lẽ không mấy thiện cảm đến từ người dân bản địa…

“Vì sang vào lúc có dịch nên tôi cũng chưa đi chơi lang thang hay tham quan được gì, điều này thì có hơi buồn chút. Sau khi đi học được hai tuần thì tình hình dịch tại Pháp căng thẳng nên toàn bộ trường học phải đóng cửa và mọi người được giới nghiêm tại nhà, trường tôi thì không tổ chức học trực tuyến nên mình phải ở nhà và tự học”, Linh Chi chia sẻ.

Cũng như những “người mới đến” khác, Linh Chi cũng muốn được đi thăm thú khám phá nhiều nơi, bản thân cô đang trong giai đoạn học tiếng nên càng muốn được đi nhiều để tranh thủ rèn luyện kỹ năng giao tiếp với người bản địa.

Tuy nhiên, Linh Chi buộc phải tự khắc phục bằng cách “tận hưởng” việc phong tỏa theo cách của riêng mình, coi như có thêm thời gian để tự học tập, rèn luyện, tiết kiệm thời gian di chuyển vì từ nhà đến trường khá xa và tranh thủ tập luyện thể dục thể thao trong nhà.

Những ngôi sao hy vọng

Tuy nhiên, đó là thời gian đầu khi dịch Covid-19 chưa diễn ra phức tạp như hiện này. Đối với Ngô Trang, một nghiên cứu sinh ở Nottingham, Anh, cuộc sống đang bị đảo lộn khá nhiều. Ngô Trang đã nhiều ngày liền phải ở yên trong nhà, học tập và làm việc online. Các quán ăn đóng cửa, siêu thị thiếu giấy vệ sinh cũng như nước rửa tay do nhu cầu mua sắm và tích trữ đồ của người dân tăng cao.

Điều khiến Ngô Trang khá lo lắng, đó là truyền thông đưa tin dịch Covid-19 không gây ảnh hưởng quá nhiều đến sức khoẻ người trẻ tuổi, cho nên vẫn thấy các bạn trẻ người Anh ra đường tụ tập mà không đeo khẩu trang. Tuy nhiên, hiện nay, đường phố tại Nottingham cũng vắng vẻ hơn nhiều, và cô cũng không thấy người lớn tuổi trên đường phố nữa.

Tại Italy, những ngày đầu phong tỏa, đường phố, cuộc sống người dân khá hỗn loạn, nhưng sau đó tình hình đã dịu trở lại. Nguyễn Như Ngọc, nghiên cứu sinh tại trường Đại học Bách khoa Milan kể về trải nghiệm đi siêu thị, trong bối cảnh “phong tỏa”. Siêu thị chỉ cách nhà tầm 7 phút nhưng ba chị em cũng phải lập “chiến lược” hẳn hoi.

Vừa đến nơi, Ngọc đã thấy một hàng người kéo dài, không phải vì nhiều người đến sớm hơn mà mọi người xếp cách nhau 2m (có khi còn hơn) – Ngọc gọi đây là “khoảng cách vàng”.

Tất cả mọi người đều xử sự rất văn minh, không chen lấn xô đẩy và vẫn cố gắng giữ “khoảng cách vàng”, điều đó khiến Ngọc thật sự xúc động. Thành phố Milan đã cố gắng cung cấp đầy đủ lương thực thực phẩm cho người dân và ngược lại, người dân cũng luôn ý thức bảo vệ cộng đồng chính là bảo vệ bản thân mình. Ngọc và các bạn đã cố gắng lấy thật nhiều đồ có thể, không phải để dự trữ vì sợ thiếu thực phẩm mà là để tránh phải ra đường những ngày sắp tới.

Và người dân Italy cũng kêu gọi những hoạt động nhằm cổ vũ tinh thần cho y bác sĩ trong bệnh viện như hát cùng nhau trên ban công, cửa sổ vào lúc 6h chiều là thời gian mà toàn dân sẽ biết được con số ca nhiễm mới và Tu vong trong ngày. Từ ngày 15/3, người dân Italy được kêu gọi hãy tắt đèn vào lúc 9h tối và dùng đèn pin, điện thoại, nến hướng lên bầu trời để cùng tạo nên một bức tranh lung linh như những vì sao ngập tràn niềm hy vọng khắp “đất nước hình chiếc ủng”...

Những hành động nhân văn được kêu gọi như đóng góp về tài chính, taxi miễn phí cho gia đình nghèo hay người dân lớn tuổi. Ngoài ra, nhiều cửa hàng đã nhận giao hàng tại nhà miễn phí nhu yếu phẩm, dược phẩm cho người cần tại vùng Bergamo (nơi có ca nhiễm Covid-19 lớn nhất tại vùng Lombardy).

Một cửa tiệm Pizza còn không thu tiền của những y bác sĩ bệnh viện khi họ đặt đồ ăn tối, trên tờ hoá đơn còn có một lời cảm ơn được viết tay…

Muốn nhưng không nên về

Việc sinh sống tại tâm dịch mới của thế giới cũng khiến gia đình của các lo lắng và mong muốn con về nhà do công cuộc chống dịch của Việt Nam diễn ra rất quy củ và an toàn. Dù sao thì, là người Việt Nam trong tình trạng căng thẳng và đầy ắp lo âu này, việc được trở về với vòng tay ấm áp của quê hương, sự chăm sóc và tình yêu thương của gia đình có lẽ sẽ là sự lựa chọn số một.

Cuộc sống nơi “đất khách quê người” có chút khó khăn, bất tiện và thiếu thoải mái do bị gò bó bên trong bốn bức tường, nhưng đây là tình trạng chung của thế giới chứ không chỉ riêng mỗi châu Âu.

Với Linh Chi: “Ban đầu khi thấy bạn bè xung quanh thi nhau bay về, bản thân mình cũng hơi dao động, một phần cũng vì nhớ nhà và người thân gọi điện giục về. Thế nhưng, khi đọc báo thì thấy tình trạng người Việt bị kẹt lại ở các sân bay khá nhiều và không được nhập cảnh ở một số địa bàn do tình trạng phong toả… mới thấy rằng sao chuyến đi trở về nhà lại vất vả đến như vậy và thương cho mọi người”.

Trong quá trình di chuyển, Linh Chi cho rằng nguy cơ lây nhiễm có lẽ sẽ còn cao hơn, chưa kể tại sân bay đông đúc cũng có thể là một ổ dịch lớn. Một người bạn của Linh Chi trên đường từ sân bay về khu cách ly ở Việt Nam đã ngồi cạnh một hành khách, sau vài ngày thì người đó có dấu hiệu ho, sốt, khó thở, tuy đã có kết quả xét nghiệm âm tính, nhưng những chuyến đi như vậy thực sự sẽ vô cùng nguy hiểm và đáng lo ngại hơn rất nhiều.

Linh Chi cũng muốn gửi thông điệp tới cộng đồng người Việt ở châu Âu nói riêng, cũng như trên thế giới nói chung rằng, nếu thực sự không bắt buộc phải về thì các bạn hãy cứ yên tâm ở lại, vừa là tự bảo vệ bản thân mình vừa là bảo vệ những người xung quanh. Hiện tại đa số ca nhiễm mới tại Việt Nam đều là người từ châu Âu về, điều này tạo thêm rất nhiều áp lực, vất vả cho nhà nước và mọi người ở nhà.

Vì thế, nếu bản thân có thể và có điều kiện ở lại, tự cách ly, tự bảo vệ mình thì cứ nên ở yên một chỗ thay vì tìm mọi cách để về nước mà cũng không chắc chắn rằng sẽ bảo vệ mình khỏi dịch bệnh nguy hiểm này.

Báo Thế giới và Việt Nam

Mạng Y Tế
Nguồn: Báo quốc tế (https://baoquocte.vn/du-hoc-sinh-viet-tai-chau-au-an-toan-la-khi-ngoi-yen-mot-cho-112299.html)

Tin cùng nội dung

  • Tuổi càng cao, con người càng có xu hướng muốn gần nhau hơn trong đó bao gồm cả mong muốn một đời sống T*nh d*c có chất lượng.
  • Sinh hoạt hàng ngày của người cao tuổi thường bị ảnh hưởng của bệnh tật, sự suy yếu của các chức năng cơ thể. Khả năng nhìn- nghe kém, gân cốt suy nhược khiến bước đi không vững; phản ứng chậm, dễ bị ngã; trí nhớ kém khiến dễ uống nhầm Thu*c hoặc nhầm liều lượng,...
  • Từ xa xưa nhân dân ta đã biết nhuộm màu thực phẩm từ những nguyên liệu thực vật như gấc, nghệ, dành dành, ớt, cà chua... để tạo ra tính hấp dẫn cho món ăn và làm tăng cảm giác ngon miệng.
  • Các món nướng như thịt xiên nướng, chân gà nướng, lòng nướng, nầm nướng… luôn được nhiều người yêu thích. Tuy nhiên, theo Cục vệ sinh an toàn thực phẩm, món nướng hiện nay không được các nhà dinh dưỡng học khuyến khích dùng vì bị liệt vào loại thức ăn cần cảnh giác trong phòng chống ung thư.
  • (Mangyte) - Em thấy cổ họng đau nhưng chưa dám uống Thu*c vì phải chờ kết quả xem có thai hay không.
  • Tư thế làm việc, học tập không đúng là một trong các yếu tố khiến ngày càng nhiều người bị mắc bệnh lý về cột sống cổ (CSC).
  • Bơi lội luôn được xem là một hoạt động hè mà các em thiếu nhi thích nhất. Để giúp trẻ có được một mùa hè thật vui khỏe, bổ ích, phụ huynh cần tạo cho trẻ một môi trường bơi lội trong lành và an toàn.
  • Trong những câu chuyện hài hước với nhau, người ta luôn nhắc ăn sâu vào đầu chuyện “nước ngọt có ruồi giá 500 triệu đồng”.
  • Thú nuôi yêu quý chúng ta một cách vô điều kiện. Chúng mang đến những điều tuyệt diệu – về tinh thần lẫn thể chất. Chăm sóc thú cưng làm cho cuộc sống chúng ta trở nên thêm giá trị, bớt cô đơn, thậm chí làm giảm nhịp tim và huyết áp cho một số người.
  • Tia X trong chụp X quang là một loại tia xạ dùng để ghi lại hình ảnh của xương và các cơ quan. Tia X có thể làm tăng nguy cơ ung thư ở thai nhi mặc dù với tỉ lệ thấp.
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY