Mẹo vặt về sức khỏe hôm nay

Dù lo lắng quá nhiều thứ trong cuộc sống chị em cũng đừng quên làm những điều này để chăm sóc bản thân

Sức khỏe là chìa khóa của cuộc sống nhưng để có sức khoẻ tốt sẽ cần rất nhiều nỗ lực và sự kiên trì.

Tất cả những gì bạn làm hôm nay, thức ăn bạn ăn, bài tập bạn chọn, giấc ngủ, căng thẳng và thời gian dành cho bản thân... đều ảnh hưởng đến sức khỏe tương lai của bạn. Đối với phụ nữ, điều này rất quan trọng.

Mọi phụ nữ đều luôn muốn khỏe mạnh nhất có thể nhưng họ lại thường ngại ngần trong chuyện đi khám hay tìm hiểu về sức khỏe của mình vì họ luôn đau đáu công việc cơ quan cũng như việc gia đình, chăm sóc con cái...

Aarathi Cholkeri-Singh, chuyên gia phẫu thuật phụ khoa tại Viện phẫu thuật phụ khoa tiên tiến ở Chicago cho biết:

"Ngày nay, phụ nữ đang làm việc đa nhiệm hơn bao giờ hết. Nhiều người làm việc bán thời gian hoặc toàn thời gian và/hoặc là người chăm sóc chính cho gia đình của họ. Một số thậm chí còn trì hoãn việc có con để tập trung vào sự nghiệp. Nhưng bất kể hàng ngày bận rộn thế nào, phụ nữ cần phải chăm sóc bản thân mình".

Tiến sĩ Cholkeri-Singh kêu gọi tất cả phụ nữ cần đến gặp bác sĩ ít nhất một lần một năm, đặc biệt là bác sĩ phụ khoa: "Ngay cả khi bạn không cần xét nghiệm phết tế bào cổ tử cung hoặc chụp X-quang tuyến vú hàng năm, bạn vẫn cần đến gặp các bác sĩ khác để đảm bảo rằng bạn được cập nhật các nhu cầu chăm sóc sức khỏe của mình".

Nếu bạn đã từng đặt những nhu cầu khác lên trên sức khỏe bởi vì bạn có quá nhiều thứ phải lo lắng trong cuộc sống như công việc, đối tác, con cái, cha mẹ... thì hãy tin rằng bạn không phải là người phụ nữ duy nhất như vậy. Có rất nhiều chị em giống như bạn, "tung hứng" rất nhiều đầu việc và thường xếp mình ở cuối danh sách cần quan tâm.

Làm thế nào để phát triển thói quen lành mạnh cho phụ nữ

Bạn luôn đặt nhu cầu của mọi người lên trên nhu cầu của mình, nhưng bây giờ, bạn phải nhận ra rằng làm như vậy có thể khiến sức khỏe của chính bạn gặp nguy hiểm.

Để giúp quản lý sức khỏe trong tương lai, bạn nên tập trung vào các vấn đề chẳng hạn như: Bạn ăn gì; Bạn tập thể dục bao nhiêu; Kiểm soát căng thẳng; Ngủ đủ giấc; Đi khám bệnh đều đặn; Kiểm soát sự thay đổi hormone...

1. Tập thể dục thường xuyên

Giữ dáng không chỉ là để có một trọng lượng khỏe mạnh. Tập thể dục giúp cải thiện sức khỏe, giúp bạn ngủ ngon hơn và nâng cao tinh thần.

Tập thể dục cũng giúp các hoạt động hàng ngày trở nên dễ dàng hơn. Bạn không cần phải quăng những chiếc lốp lớn hoặc chạy marathon (trừ khi đó là điều bạn thích làm!). Để có sức khỏe, chỉ cần đặt mục tiêu tập thể dục 150 phút mỗi tuần. Thực hiện kết hợp các động tác tim đập mạnh và xây dựng cơ bắp cũng rất có lợi cho bạn rồi.

2. Tạo thói quen ăn uống lành mạnh

Hãy xem xét chế độ ăn Địa Trung Hải hoặc chế độ ăn DASH, cả hai cách ăn uống tốt cho tim mạch. Hoặc nói chuyện với bác sĩ của bạn về chế độ ăn uống tốt nhất cho các mục tiêu sức khỏe cụ thể của bạn.

3. Ngủ ngon

Ngủ ngon cũng là yếu tố cần thiết cho sức khỏe tốt. Một giấc ngủ ngon giúp giảm nguy cơ mắc bệnh hoặc phát triển các bệnh nghiêm trọng như tiểu đường và bệnh tim.

Người lớn cần ngủ từ 7-9 giờ mỗi đêm. Nhưng nhiều yếu tố có thể cản trở bạn đi vào giấc ngủ hoặc mất ngủ, chẳng hạn như lo lắng về đêm muộn hoặc thậm chí nhìn chằm chằm vào màn hình (xin chào, cuộn điện thoại) ngay trước giờ đi ngủ. Tạo thói quen ngủ để giúp bạn trở lại đúng hướng.

4. Quản lý căng thẳng

Căng thẳng là một phần bình thường của cuộc sống, vì vậy tìm ra cách quản lý nó là điều quan trọng để giải tỏa căng thẳng tích tụ trong ngày. Hãy học cách chống lại kiệt sức và thất vọng theo cách phù hợp với bạn, chẳng hạn như đến với thiền hoặc yoga, chơi thể thao hoặc dành thời gian cho một sở thích...

5. Khám phụ khoa đều đặn

Bảo vệ sức khỏe T*nh d*c của bạn là điều quan trọng trong mọi giai đoạn của cuộc đời. Bạn có thể cần trợ giúp để tìm ra phương pháp ngừa thai nào phù hợp với mình hoặc khắc phục sự cố ham muốn T*nh d*c thấp. Bạn có thể tự hỏi liệu kinh nguyệt của bạn có bình thường không hoặc phải làm gì để giúp bạn thụ thai... Và có rất nhiều câu hỏi xung quanh thời kỳ mãn kinh, như nó ảnh hưởng đến tâm trạng, cân nặng, tóc và da của bạn như thế nào.

Bạn bè của bạn có thể giúp giải đáp một số vấn đề, nhưng nguồn thông tin đáng tin cậy nhất là đến gặp bác sĩ phụ khoa.

Bạn sẽ không cần xét nghiệm Pap (xét nghiệm ung thư cổ tử cung) hàng năm, nhưng khám vùng chậu và vú là những hình thức kiểm tra cần thiết.

Các xét nghiệm và khám sức khỏe cho phụ nữ trên 35 tuổi

Sau 35 tuổi, các xét nghiệm bổ sung và tầm soát sức khỏe cho phụ nữ thường được bác sĩ hẹn trong những lần khám định kì. Nhưng nếu là người quan tâm đến sức khỏe của mình, bạn đừng quên làm những bài kiểm tra sức khỏe sau đây hàng năm:

- Kiểm tra sức khỏe tổng thể: Bạn nên hoàn thành một cuộc kiểm tra sức khỏe tổng quát hàng năm, bao gồm cả khám vú.

- Xét nghiệm tế bào cổ tử cung: Dựa trên độ tuổi và các kết quả xét nghiệm trong quá khứ, xét nghiệm tế bào cổ tử cung có thể được khuyến nghị hàng năm.

- Chụp quang tuyến vú: Nếu không có tiền sử gia đình mắc bệnh ung thư, phụ nữ nên bắt đầu chụp X-quang tuyến vú vào đầu những năm 40 tuổi. Việc tầm soát ung thư có thể được khuyến khích sớm hơn nếu bạn có tiền sử ung thư vú trong gia đình.

- Kiểm tra lipid: Xét nghiệm máu này nên được hoàn thành 5 năm/lần và được sử dụng để kiểm tra mức cholesterol.

- Kiểm tra tuyến giáp: Nhiều phụ nữ cho biết có các triệu chứng mệt mỏi, tăng cân và trầm cảm ở độ tuổi từ 35 đến 50, và đôi khi những triệu chứng này có thể do tuyến giáp hoạt động quá mức hoặc hoạt động kém. Xét nghiệm máu thường được hoàn thành sau mỗi 5 năm.

- Kiểm tra đường huyết lúc đói: Khi gần đến tuổi trung niên, bạn nên thường xuyên kiểm tra bệnh tiểu đường. Bác sĩ của bạn có thể đề nghị các xét nghiệm 5 năm/lần.

Đối phó hội chứng tiền kinh nguyệt và rối loạn tiền kinh nguyệt

Hội chứng tiền kinh nguyệt (PMS) và rối loạn tiền kinh nguyệt (PMDD) ảnh hưởng đến hàng triệu phụ nữ trên toàn quốc trước khi họ có chu kỳ hàng tháng.

Sau tuổi sinh đẻ, trong thời kỳ tiền mãn kinh và trước khi mãn kinh, một số phụ nữ cho biết có sự gia tăng các triệu chứng PMS và PMDD. Do đó, điều quan trọng là phải hiểu cách nhận biết liệu có phải bạn đang trải qua những triệu chứng này hay không và làm sao để khắc phục.

Các triệu chứng của cả PMS và PMDD có thể bao gồm:

- Thay đổi tâm trạng

- Cảm giác mệt mỏi và kiệt sức

- Căng ngực

- Nhức đầu

- Đau cơ và/hoặc khớp

- Khó ngủ

- Thèm ăn

PMS và PMDD cũng có thể gây ra cảm giác trầm cảm và lo lắng. Trái ngược với PMS, PMDD thường có các triệu chứng mạnh hơn và cảm giác lo lắng và trầm cảm dữ dội hơn. Đối với một số phụ nữ, nó có thể dẫn đến suy nhược cơ thể. Trao đổi với bác sĩ phụ khoa có thể giúp bạn khắc phục tình trạng này.

Mạng Y Tế
Nguồn: Afamily (https://afamily.vn/du-lo-lang-qua-nhieu-thu-trong-cuoc-song-chi-em-cung-dung-quen-lam-nhung-dieu-nay-de-cham-soc-ban-than-20211020123331346.chn)

Chủ đề liên quan:

sức khỏe phụ nữ

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY