Dương Mịch trong chương trình nghệ thuật "Bạn thân yêu ơi, hãy thư giãn" được Trương Đại Đại hỏi vì sao khi gặp khó khăn hay bệnh hoạn đều không bao giờ chủ động tìm kiếm sự quan tâm từ người khác. Thậm chí cô còn sợ người khác quan tâm mình. Dương Mịch thẳng thắn bày tỏ rằng cô ấy cảm thấy giữa người với người căn bản không có sự đồng cảm nào là thật sự. Có lẽ khi bạn bị cảm đi bệnh viện, cứ xem như người ta thật sự lo lắng cho bạn thì cũng chỉ có thể gửi một vài tin nhắn hỏi han: "Sao bạn lại cảm vậy?", "bạn ổn chứ", "nhất định là bạn quá mệt rồi nên nghỉ ngơi nhiều hơn". Cũng chỉ có vậy mà thôi, chẳng có ý nghĩa gì.
Thay vì lặp lại những câu chuyện cùng một kiểu với ai đó, chi bằng dùng khoảng thời gian này nghỉ ngơi thật tốt, ngủ một giấc thật ngon.
Ảnh minh hoạ
Tôi thường xuyên nghe người ta thảo luận về vấn đề "đứa trẻ biết khóc" và "đứa trẻ không biết khóc". Trong cuộc sống của mỗi chúng ta đều sẽ có những người như vậy. Bọn họ luôn biểu đạt cảm xúc của mình trong lần đầu tiên gặp gỡ, cũng có thể vì sự bộc lộ đó của bản thân mà nhận được sự ưu ái. Trong suy nghĩ của nhiều người, những đứa trẻ biết khóc sẽ có kẹo để ăn, còn những đứa trẻ kia sẽ có kết quả ngược lại. Dường như những đứa trẻ không biết khóc chỉ có thể chôn chân ở một chỗ, giương mắt đợi chờ người khác nhìn thấy mình, chờ họ đến quan tâm vỗ về.
Cách đây không lâu, Trương Hàm Vận trong "Tỷ tỷ rẽ gió đạp sóng" nói rằng những đứa trẻ không biết khóc càng cần sự yêu thương và đã nhận được rất nhiều lời ca ngợi của cộng đồng mạng. Đa số đều nói: "Lớn như vậy rồi, cuối cùng cũng có cảm giác được thấu hiểu". Khi nghe vậy, tôi cũng đột nhiên ý thức được rằng mặc dù chúng ta luôn nói cần một nội tâm mạnh mẽ, muốn là chính mình nhưng suy cho cùng lại vẫn không dứt bỏ được cái gọi là "tìm thấy được hạnh phúc từ sự công nhận của người khác".
Chúng ta luôn khát vọng được người khác thấu hiểu, hi vọng sẽ có người vừa nhìn liền hiểu được sự yếu đuối của bản thân, mong muốn có ai đó vượt qua biển người mênh mông đến yêu thương mình. Nếu có thể gặp được người như vậy đương nhiên là rất tốt, nhưng nếu như không gặp thì sao? Chẳng lẽ cứ mãi đứng một cách bị động mà chờ đợi ư?
Hạnh phúc là do bản thân tự tìm kiếm. Trở ngại trong cuộc sống này nhiều vô kể. Thế giới của người trưởng thành không có hai chữ "dễ dàng", tất cả chúng ta đều phải dốc hết sức lực mới có thể sống một cách vui vẻ. Gặp một chút khó khăn và tủi nhục liền chạy khắp thế giới kiếm tìm sự an ủi. Vậy đợi đến lúc một mình bạn đương đầu đối diện với cuộc đời, bạn sẽ ra sao đây?
Tôi cực kì thích một câu nói của Dương Mịch: "Mặc kệ chuyện có lớn bao nhiêu, chỉ cần cảm thấy việc đó quan trọng thì tôi sẽ tự nói với chính mình là tôi cho bạn một đêm hoặc 2 đêm, hãy nhanh chóng tiêu hóa chuyện này rồi để nó trôi qua đi".
Sau khi trưởng thành bạn sẽ nhận ra trong cuộc đời này làm gì có nhiều "viên kẹo ngọt", làm gì có ai dành thời gian đến vỗ về bạn như vậy. Bớt khóc lại, tự một mình đối mặt với khó khăn thử thách đi.
Đời người dài như vậy, sẽ luôn có một đoạn đường bạn cần tự thân đối diện, luôn có một số cảm xúc buộc bạn phải tự mình tiêu tan. Cái gọi là "trưởng thành" chính là những khoảnh khắc mà bạn dùng nước mắt để đổi về.
Mấy ngày trước trò chuyện với cô bạn thân mới biết vì tình hình dịch bệnh nên cô ấy bị công ty cắt giảm từ tháng 4, mãi cho đến tháng trước mới tìm được việc làm. Có một tháng cô ấy nghèo đến nỗi đem hết tiền gom góp lại cũng chỉ đủ tiền thuê nhà. Vì tiết kiệm tiền ăn một bữa tối mà cô ấy 8 giờ đã lên giường đi ngủ, sau đó tìm được việc làm thêm, sống lên ch*t xuống mới cầm cự được đến bây giờ.
Cô ấy kể: "Có buổi tối nằm trên giường nhìn lên trần nhà, rõ ràng không nghĩ gì mà nước mắt cứ tuôn ra". Tôi hỏi: "Sao không tìm tôi giúp đỡ". Cô nói rằng: "Thực ra không phải là không nghĩ đến, thậm chí là mấy lần muốn nhắn tin nhưng cuối cùng vẫn kiềm lại".
Bây giờ nhắc lại quãng thời gian đó, gương mặt cô hiện lên thần thái của một người chiến thắng. Cô nói rằng trước kia cứ luôn nghĩ bản thân không thể nào xa rời những người xung quanh nhưng những ngày tháng vật vã kia giúp cô ấy hiểu được: Không ép bản thân một lần thì sẽ không biết được điểm giới hạn của mình ở đâu. Ai cũng từng nghĩ đến những chuỗi ngày an yên thuận lợi, nhưng cuộc sống thường không có sự lựa chọn. Chúng ta chẳng bao giờ có cách nào khẳng định được ngày mai sẽ như thế nào, là tốt hay là xấu, không cách nào bảo đảm lần nào gặp khó khăn cũng luôn có người bầu bạn.
Vậy nên, buộc phải học cách tự mình đối mặt. Chỉ khi bạn có được khả năng một mình đối chọi với cuộc sống thì mới có thể trở thành một phiên bản thực sự mạnh mẽ từ trong nghịch cảnh. Chỉ như vậy, bạn mới có thể điều khiển được cuộc sống chứ không phải lệ thuộc, bị động mà đi làm một đứa trẻ "cần kẹo".
Những đứa trẻ không biết khóc cần được thấu hiểu, quan tâm nhưng không cần sự thương hại. Chúng chỉ cần được tôn trọng và công nhận. Chúng ta không cách nào khống chế được khó khăn, chúng ta không thể quyết định được sự xuất hiện của trắc trở. Nhưng chúng ta có thể lựa chọn dùng thái độ như thế nào để đối diện với chúng.
Khi bạn không còn nghiêm trọng hóa vấn đề, khi bạn có thể tự thân đối diện với nó, khi bạn thực sự trở thành những đứa trẻ không biết khóc nhưng cũng không còn muốn người khác cho kẹo nữa, bạn sẽ nhận ra những chướng ngại vật mà bạn từng nghĩ mình không thể vượt qua, kỳ thật rồi cũng sẽ qua thôi, bằng cách này hay cách khác.
Theo Pháp luật & Bạn đọc
Copy link