Đứng ven hồ Ngọc Khánh chờ đón con đi học về. Gió cào trên mặt hồ gợn sóng, lá cây bay nhảy xào xạc, nắng nhuộm vàng những thảm cỏ... Mùa thu đến rồi!
(SKDS) - Đứng ven hồ Ngọc Khánh chờ đón con đi học về. Gió cào trên mặt hồ gợn sóng, lá cây bay nhảy xào xạc, nắng nhuộm vàng những thảm cỏ...
mùa thu đến rồi! Thoắt một cái, đầu đã hai thứ tóc, ngày ngày làm trách nhiệm của một công chức, một người cha. Thời gian trôi đi nhanh quá, nếu không ngoảnh nhìn lại, nếu không nhấm nháp những ngày tháng đẹp đẽ này thì than ôi... chẳng mấy chốc là về hưu.
mùa thu luôn mang cho tôi nhiều cảm xúc. Không chỉ là công dân của một nước có ngày độc lập vào
mùa thu mà còn vì những ngày tháng quan trọng của đời tôi, như vết chém vào cái cây thời gian, đều là những ngày thu.
Nhớ ngày nào nhận được giấy gọi vào học Trường Y Hà Nội - ngày 03/10/1986. Tôi mặc chiếc áo mới do anh tôi gửi ở Liên Xô về, chiếc áo bay màu cốm, đi chiếc xe đạp tự sơn tay, vào Trường Y nhập học. Mái trường ngày ấy đâu khang trang như bây giờ. Dãy nhà E lợp ngói một tầng, trên bãi cỏ có trồng những cây bạch đàn thẳng tắp, chúng tôi túm năm tụm ba để phân lớp, phân tổ. Hơn 60 sinh viên của lớp D, từ mọi miền của đất nước. Cán bộ lớp phần lớn là những anh “già” đi bộ đội về với khuôn mặt khắc khổ, rất nghiêm túc và thỉnh thoảng còn xưng là “đồng chí” trái hẳn với cánh Hà Nội chúng tôi trẻ măng, nói nhiều, tếu táo. Lời thề Hypocrate vẫn còn nhớ và cũng không thể nào quên: với bệnh nhân..., với đồng môn... Nghĩ lại không thấy hổ thẹn với lòng mình, thấy tâm hồn vẫn trong trẻo, trái tim đầy yêu thương với con người, với nghề nghiệp... cho đến ngày hôm nay.
6 năm học trôi qua thật nhanh. Ngày ra trường cũng là một ngày thu thật đẹp, kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Trường Y Hà Nội. Lời thề xưa lại được đọc trang nghiêm, từng sinh viên lên nhận bằng. Cảm xúc khang khác. Đó là vinh dự nhưng nặng trĩu trách nhiệm. Nỗi buồn phải chia tay những người bạn 6 năm tri kỷ. Thêm nữa là chọn chuyên khoa gì để học tiếp. Nam giới ai cũng thích chuyên ngành ngoại, vốn được tiếng là “ăn to, nói lớn” nhưng đối với tôi lại quá xa vời do không thi đỗ nội trú. May thay, nhờ người cha định hướng, người mẹ tần tảo, lãnh đạo bệnh viện chấp thuận, tôi đã tìm được công việc và sự nghiệp cho mình tại Bệnh viện Mắt Trung ương.
Ngày tôi nhận được vé và hộ chiếu để đi tu nghiệp tại Pháp cũng là một ngày thu. Cái đẹp của
mùa thu cũng trùng với cái hoan hỉ của lòng người. Tôi vui vì sắp bước sang một thế giới học tập tiên tiến, gặp những con người mới, cảnh vật mới. Nhưng cũng đượm buồn và lo nghĩ vì sắp phải xa đứa con trai bé bỏng mới được 9 tháng tuổi và người cha đã ở tuổi xế chiều. Những chiều tháng 10 trời tối sập rất nhanh. Ôm chặt đứa con vào lòng mà suy nghĩ thật mông lung, muốn đi nhưng lòng còn ở lại. Nước Pháp mà tôi đến gần như không có
mùa thu. Trời lạnh buốt vào buổi sáng, băng tuyết nhuộm bạc phơ cây cỏ. Không có trời xanh, mây trắng nữa. Vòm trời thấp tịt, sầm sập tối, gió lạnh ù ù như giục tôi nhanh chui vào không gian nhỏ bé và ấm cúng của mình. Nơi ấy là căn phòng nhỏ nhưng tiện nghi, chiếc tivi luôn bật to, máy tính đã online. Tôi luôn thích thú với bữa cơm mình tự nấu.
Thế đấy! “Xuân tàn, thu tán, nguyệt tan” là vòng luân hồi không thể dừng lại. Đôi khi tôi ước ao có thể làm lại điều gì đó, có thể quay lại những thời khắc đẹp ngày xưa. Chẳng bao giờ được vậy, có chăng chỉ là trong giấc mộng rồi lại phải quay về với ngày hôm nay. Chúng tôi - những sinh viên Y khóa 1986-1992 lại sắp có dịp được “ôn nghèo, nhớ khổ” trong dịp kỷ niệm 110 năm Trường Y Hà Nội tới đây. Nghĩ đến lại thấy bồi hồi làm sao! Kỷ niệm ai cũng có. Nó hun đúc nên con người chúng ta hiện tại, định hướng cho chúng ta trong tương lai, vì thế đáng để ta phải trân trọng?!
Hà Nội một chiều thu 2012
BS.Hoàng Cương (Bệnh viện Mắt Trung ư