Tâm linh hôm nay

Đức Phật dạy về cúng thí và ngạ quỷ

Vào mỗi dịp rằm tháng 7 và lễ Vu Lan, Phật tử thường có tục lệ cúng thí người đã mất. Vậy ý nghĩa của việc cúng thí này như thế nào? Liệu có thế giới bên kia không, và người thân đã mất có nhận được không? Trong giáo lý Phật giáo có kinh sách nào nói về ngạ quỷ hay không?

Đáp:

Trong Kinh Tạp A Hàm, Kinh Sanh văn, có nhắc tới như sau:

Tôi nghe như vầy:

Một thời đức Phật ở trong Ca-lan-đà Trúc viên, thành Vương-xá. Bấy giờ có Phạm chí Sanh Văn[2] đi đến chỗ Phật, cùng Phật thăm hỏi an ủy xong, ngồi lui qua một bên, bạch Phật:

«Thưa Cù-đàm! Con có người thân tộc rất thương mến, bỗng nhiên qua đời. Con vì người ấy nên bố thí với tín tâm. Thế nào, bạch Thế tôn, người ấy có nhận được không?»

Phật bảo Bà-la-môn:

«Không phải nhất định phải được.[3] Nếu người thân tộc của ông sinh vào trong địa ngục, nó sẽ ăn thức ăn của chúng sanh địa ngục để nuôi sống sinh mạng của nó, chứ không nhận được đồ ăn thức uống mà ông bố thí với tín tâm. Nếu nó sinh vào súc sanh, ngạ quỷ, hoặc loài người, họ sẽ được đồ ăn thức uống của loài người, không nhận được đồ bố thí của ông.

«Này Bà-la-môn! Trong đường ngạ quỷ có một nơi tên là Nhập xứ ngạ quỷ.[4] Nếu người thân tộc của ông sinh vào trong Nhập xứ ngạ quỷ kia, thì sẽ nhận được thức ăn của ông

Bà-la-môn bạch Phật:

«Nếu người thân tộc của con không sinh vào trong đường Nhập xứ ngạ quỷ, thì thức ăn do tín tâm của con bố thí ai sẽ hưởng được

Phật bảo Bà-la-môn:

«Nếu ông với tín tâm bố thí cho người thân tộc, nhưng họ không sinh vào chốn Nhập xứ ngạ quỷ, thì có những thân tộc quen biết khác đã sinh vào trong chốn Nhập xứ ngạ quỷ đó sẽ được hưởng.»

Bà-la-môn bạch Phật:

«Thưa Cù-đàm! Nếu con vì tín tâm bố thí cho người thân tộc, nhưng họ không sinh vào trong chốn Nhập xứ ngạ quỷ, và cũng không có các thân tộc quen biết khác sinh vào chốn Nhập xứ ngạ quỷ, thì thức ăn do lòng tin bố thí đó ai sẽ hưởng?»

Bài liên quan

Phật quan niệm có địa ngục, giảng sư Phật học nói không, Phật tử tin ai?

Phật bảo Bà-la-môn:

«Giả sử ông vì những thân tộc quen biết mà bố thí, nhưng họ không sinh vào trong chốn Nhập xứ ngạ quỷ, và lại cũng không có những người quen biết khác sinh vào chốn Nhập xứ ngạ quỷ, thì việc bố thí do lòng tin, tự mình sẽ được phước.[5] Của bố thí do lòng tin của người thí chủ đó, sẽ không mất đạt-sấn[6]

Bà-la-môn bạch Phật:

«Thế nào là thí chủ hành thí, để người bố thí được đạt-sấn kia ?»

Phật bảo Bà-la-môn:

Có người sát sanh, làm những việc ác, tay thường tanh máu,[7] tâm thường suy nghĩ đến đánh đập, sát hại, không hổ, không thẹn, tham lam, keo kiệt. Đó là nghiệp ác sát sinh.

Có người lấy của không được cho; đối với tài vật, làng xóm, đất trống của người, cũng không xa lìa trộm cắp.

Có người tà dâm; đối với những người được bảo hộ bởi cha mẹ, anh em, chị em, phu chủ, thân tộc cho đến người trao vòng hoa, mà dùng sức cưỡng bức, làm mọi việc tà dâm, không lìa bỏ tà dâm.

Có người nói dối không chân thật: Hoặc ở chốn vua quan, các nhà nói chơn thật, nơi có nhiều người tụ tập cần lời nói thích đáng, nhưng lại nói lời không thật; không thấy nói thấy, thấy nói không thấy, không nghe nói nghe, nghe nói không nghe; biết nói không biết, không biết nói biết. Vì chính mình, vì người khác, hoặc vì tài lợi, biết mà nói dối không chịu lìa bỏ nói dối.

Có người hoặc nói hai lưỡi, gây chia lìa; đem chuyện chỗ này đến nói chỗ kia, đem chuyện chỗ kia đến nói chỗ này, phá hoại lẫn nhau, làm cho tan rã sự hòa hợp, khiến kẻ ly gián vui mừng.

Có người nói lời thô ác, mắng nhiết. Có những lời nói dịu dàng, êm tai, làm vui lòng, rõ ràng dễ hiểu, lời nói được ưa nghe, được nhiều người yêu mến, hợp ý, tùy thuận tam-muội.

Xả bỏ những lời như vậy mà nói lời gắt gao, cộc cằn, bị nhiều người ghét, không ưa, không hợp ý, không thuận tam-muội. Nói những lời như vậy, không lìa bỏ lời nói thô. Đó gọi là ác khẩu. «Có người nói lời thêu dệt bại hoại, nói không đúng lúc, nói không thực tế, lời nói vô nghĩa, lời nói phi pháp, lời nói thiếu suy nghĩ. Nói những lời hư hỏng như vậy.

Có người không lìa bỏ tham lam; đối với tài vật người khác khởi tham dục, nói rằng ‹Nếu ta có vật này thì rất tốt.›

Có người không xả bỏ sân nhuế tệ ác; trong tâm suy nghĩ, ‹chúng sanh kia đáng bị trói, đáng bị roi vọt, gậy gộc, đáng giết, muốn cho nó khó sống.›

Có người không bỏ tà kiến; có quan điểm điên đảo như vầy: ‹Không có bố thí, không có quả báo, không có phước, không có điều thiện điều ác, không có nghiệp thiện ác và quả báo, không có đời này, đời khác, không có cha mẹ, không có chúng sanh hoá sanh; thế gian không có A-la-hán, không có các vị chánh hành, chánh hướng[8] mà trong đời này hay đới khác, tự biết, tự mình chứng nghiệm rằng: 'Ta, sự sinh đã dứt, phạm hạnh đã lập, những việc cần làm đã làm xong, tự biết không còn tái sinh đời sau nữa.'

Đó gọi mười nghiệp bất thiện.

Sau lại bố thí cho Sa-môn, Bà-la-môn, ... cho đến những kẻ ăn xin bần cùng, đều bố thí tiền tài, áo quần, chăn mền, đồ ăn thức uống, đèn đuốc, những vật dụng trang nghiêm.

Bài liên quan

Hỏi đáp Phật pháp: Địa ngục có thật sự tồn tại hay không?

Này Bà-la-môn! Thí chủ kia nếu lại phạm giới, sinh trong loài voi; nhưng vì người ấy đã từng bố thí cho Sa-môn, Bà-la-môn tiền của, áo quần, chăn mền, đồ ăn thức uống cho đến những vật dụng trang nghiêm, nên tuy ở trong loài voi, cũng nhận được phước báo nhờ đã bố thí, từ quần áo, đồ ăn thức uống cho đến những vật dụng trang nghiêm.

Nếu lại sinh vào các loài súc sanh như trâu, ngựa, lừa, la... nhưng cũng nhờ vào công đức thí ân trước, nên sẽ nhận được phước báo kia tùy theo chỗ sinh tương ứng mà được thọ dụng.

Này Bà-la-môn! Nếu thí chủ kia lại trì giới, không sát sinh, trộm cướp... cho đến chánh kiến, và bố thí cho các Sa-môn, Bà-la-môn... cho đến những kẻ ăn xin nào là tiền của, áo quần, đồ ăn thức uống, đèn đuốc, thì nhờ công đức này mà sinh trong loài người, ngồi hưởng thụ phước báo này, từ áo quần, đồ ăn thức uống... cho đến những vật dụng như đèn đuốc.

Lại nữa, này Bà-la-môn! Nếu người ấy lại trì giới, thì sẽ được sinh lên cõi trời, vì nhờ vào những thí ân nên được hưởng những thứ phước báo về tài bảo, áo quần, đồ ăn thức uống, ... cho đến những vật dụng trang nghiêm cõi trời.

Này Bà-la-môn! Đó gọi là người bố thí hành thí; khi người bố thí thọ nhận đạt-sấn, quả báo không mất.

Sau khi Bà-la-môn Sanh Văn nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ, tùy hỷ, từ chỗ ngồi đứng dậy ra về.

Lời bàn:

Người tu Phật thường nghe nói đến bốn cảnh khổ: Súc sanh, A tu la, Ngạ quỉ và Địa ngục, nhưng phần đông ít ai hiểu rõ nguyên nhơn nào mà phải sanh vào cảnh ấy hoặc làm sao cho thoát khỏi cảnh ấy.

Có nhiều người hiếu thảo hay làm phước mong cầu cho thân bằng quyến thuộc đã quá vãng cho được siêu thoát. Vì vậy mà có người mướn tụng tạng, làm thủy lục để cứu vớt vong linh, cúng quải, tế lễ, mua sắm đồ đạc bằng giấy, tiền thật đổi tiền giấy để đốt với quan niệm gửi xuống âm phủ cho người nhà sinh hoạt chi tiêu. Việc làm ấy không đem lại sự lợi ích cho người quá vãng.

Theo Phật giáo nếu muốn làm phước để hồi hướng quả lành cho thân nhân quá vãng, cho được thành tựu thì phải đúng theo 3 việc như sau:

1. Làm phúc đến những bậc đáng thọ lãnh vật cúng dường (Dakkhinadàna) là chư Tăng thọ cụ túc giới đúng chánh truyền.

2. Thí chủ tuyên bố hồi hướng quả lành rõ rệt.

3. Thân nhân đã quá vãng được hay, đến thọ lãnh (Anumodàna) phước lành ấy.

Nếu ai làm phước mà được đầy đủ cả 3 chi, thì nếu thân nhân bị đoạ, mới có thể được thoát khỏi cảnh ngạ quỉ và siêu sanh nơi nhàn cảnh, bằng không thì phải chịu thọ khổ đời đời kiếp kiếp cho đến khi nào hết quả mới được tái sanh làm người.

Còn nếu như hồi hướng mà người quá vãng vì tội ác nặng nề hoặc không hay biết đặng thọ lãnh, thì phần phúc ấy về thí chủ chắc chắn không sai.

------------------------------------------

Trích dịch, Tạp A-hàm, quyển 37, kinh số 1041, Kinh Sanh Văn (T02n99, tr. 272b8). Tương đương Pali, Aṅguttara-nikāya, x, 177. Jāṇusoṇi-suttaṃ (S. v. p. 269ff).

[2] Phạm chí Sanh Văn 生聞梵志. Pali: Jāṇussoṇi brāhmaṇo.

[3] Pali: ṭhāne kho, brāmahṇa, upakappati, no aṭṭhāne’ ti, «trường hợp thích đáng thì hữu ích; trường hợp không thích đáng thì không.»

[4] Nhập xứ ngạ quỷ 入處餓鬼. Pali: pettivisaya, cảnh giới ngạ quỷ.

[5] Bản Pali: “Không có trường hợp trong một thời gian dài như vậy mà không có thân thích huyết thống nào sinh vào Nhập xứ ngạ quỷ. Nhưng, người bố thí không phải không có kết quả.“

[6] Đạt-sấn 達嚫. Từ phiên âm; Pali: dakkhiṇā, cũng dịch là cúng vật, thí vật. Phẩm vật cúng dường hay bố thí được cúng cho Tăng sau khi đã thọ trai. Đây chỉ sự thuyết pháp, chú nguyện hay hồi hướng của Tăng đối với vật được cúng dường.

[7] Nguyên bản Hán: „Nói chi tiết như trong kinh Thuần-đà (kinh số 1039).“ Ở đây chép lại đoạn liên hệ từ kinh đó cho đủ nghĩa; với một vài chi tiết thay đổi thích hợp.

[8] Nguyên Hán: đẳng thú đẳng hướng 等趣等向. Pali: sammaggatā sammāpaṭipannā.

Bài liên quan

Quan điểm về ma quỷ và địa ngục qua góc nhìn Phật giáo

Mạng Y Tế
Nguồn: Phật giáo (https://phatgiao.org.vn/duc-phat-day-ve-cung-thi-va-nga-quy-d35517.html)

Tin cùng nội dung

  • Người đi lễ cần trang bị cho mình một số nguyên tắc khi thắp hương, sắm lễ và quá trình lễ bái tại chùa trong những ngày rằm, mùng một, ngày lễ Tết…
  • Trong khi nhiều chủ hàng lo buôn bán èo uột trong tháng cô hồn thì những sản phẩm được cho là có tác dụng giải đen, tránh tà ma, đồ dùng cho người cõi âm... lại thu hút người mua.
  • Tuy nhiên, chúng ta cần đặc biệt lưu ý là: lễ Vu Lan và lễ cúng cô hồn là hai lễ cúng hoàn toàn khác nhau. Một đằng là để cầu siêu cho cha mẹ và ông bà bảy đời, một đằng là để bố thí cho những vong hồn không ai thờ cúng. Một đằng là báo hiếu, một đằng là làm phúc. Do hai lễ đó trùng trong ngày rằm tháng 7 nên nhiều người lầm tưởng rằng hai lễ đó là một.
  • Sáng 23.8, anh Lâm Châu Phát (24 tuổi, ngụ ấp Phú Thành B, xã Phú Tâm, huyện Châu Thành, Sóc Trăng) tình cờ phát hiện con thằn lằn có hình dáng hơi lạ đang bò, bám trên bàn thờ của nhà mình.
  • Khắp vùng Đông Hồ (Thuận Thành, Bắc Ninh) hàng nghìn hộ dân hối hả làm vàng mã, trăm lượt xe tải khắp nơi đổ về mỗi ngày chờ lấy hàng.
  • Rằm tháng 7 nên dâng cúng hoa gì? Vì sao có những loại hoa thơm đẹp, nhưng lại là hoa không dâng cúng trên bàn thờ?
  • Người Việt thường làm lễ cúng cô hồn vào tháng 7 âm lịch và trùng với lễ Vu Lan của Phật giáo và Rằm tháng 7. Nhưng cúng cô hồn vào giờ nào hợp lý thì không phải ai cũng biết.
  • Sắp đến Rằm tháng 7, nhiều nhà chuẩn bị sắp xếp, bao sái (lau dọn) bàn thờ để tới Rằm tháng 7 đón gia tiên về được sạch sẽ, thanh tịnh. Ai được phép bao sái bàn thờ và dọn sao để không “phạm” vào điều cấm kỵ?
  • Những dòng nhật ký của chị Phan Thị Hạnh, giảng viên Đại học Kinh tế quốc dân, một bệnh nhân ung thư vú chứa đựng những cảm xúc rất thật của một người mang trong mình căn bệnh nan y.
  • Bà mẹ tìm cho con gái một chàng rể tương lai. Sau buổi nói chuyện đầu tiên, cô gái kinh hoàng chạy về nói với mẹ: - Mẹ ơi! Anh ta là người vô đạo. Anh ta không tin là có địa ngục.
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY