Nếu không được bố mẹ dạy từ bé, không có một môi trường gia đình và thói quen nói lời cảm ơn, xin lỗi thì lớn lên con trẻ sẽ rất khó khăn để nói ra các cụm từ này một cách chân thành. Thực tế, rất nhiều người khi lớn lên đã phải "rèn” mãi mới hình thành được thói quen, phản xạ nói cảm ơn, xin lỗi.
Một điều thú vị là theo nhiều nghiên cứu về luật hấp dẫn, nếu ta nói được lời “cảm ơn” càng nhiều, nói được lời “cảm ơn” một cách chân thành, thật lòng với sự biết ơn thì ta sẽ hấp dẫn được nhiều điều hay, điều tốt và sẽ "nhận" được nhiều hơn.
Trẻ con hay quan sát và bắt chước người lớn. Vì thế ngay khi trẻ còn rất nhỏ, bố mẹ nên chú ý điều này. Nhà trường, các bậc cha mẹ và những người lớn cũng nên làm gương cho con để bé học được nhiều điều hay, lẽ phải. Giống như một ngôi trường ở Hà Nội đã tổ chức sáng tác cả một bài hát "Cảm ơn, xin lỗi" để các em học sinh hát hàng ngày: "Làm phiền ai phải xin lỗi, nếu ai giúp phải biết cám ơn...". Và thật tuyệt khi các em học sinh đã đối xử với nhau thân thiện hơn, hầu như không xảy ra các vụ xô xát, đánh cãi nhau bao giờ.
Cũng như ở nhiều nước như Singapore hay Vương quốc Anh,... nếu để ý và quan sát ta sẽ thấy, câu mà họ nói nhiều nhất trong mỗi ngày thường là “cảm ơn” và “xin lỗi”. Đó dường như là câu "cửa miệng" của mọi người, họ luôn nói cảm ơn bất cứ khi nào nhận được sự giúp đỡ dù lớn hay nhỏ và xin lỗi một cách thật lòng khi làm phiền đến ai. Một nét văn hóa thật đẹp và đáng được học tập!
Nói cảm ơn là thói quen tốt nhưng hãy dạy trẻ làm điều đó với thái độ chân thành nhất thay vì "nói cho đủ thủ tục". Chẳng hạn có nhiều bé, khi nhận quà từ ai đó thì lơ đễnh nhìn sang chỗ khác hoặc vừa làm việc gì đó vừa vội vàng nói nhanh “cám ơn”. Cần dạy các con khi nói những lời này phải thể hiện những cử chỉ lễ phép, nhìn thẳng vào người mình cần cảm ơn hay xin lỗi và phải xưng danh “cháu cám ơn ông bà ạ”, “con cám ơn bố mẹ", “cháu cám ơn cô/chú”, “em cám ơn anh/chị”,... tương tự với cụm từ “xin lỗi”.
Nhiều người cho rằng người lớn thì không cần xin lỗi, cảm ơn trẻ em. Đó là một sai lầm! Có những người lớn biết mình sai với con trẻ nhưng cậy thế mình lớn hơn, không những không xin lỗi mà còn lấn át theo kiểu “cả vú lấp miệng em”. Nhưng, đừng bao giờ đòi hỏi một chiều là trẻ em hoặc người nhỏ tuổi hơn thì mới phải nói lời "cảm ơn, xin lỗi” với người lớn. Khi trẻ giúp đỡ người khác, làm việc tốt, chúng cũng cần được cảm ơn và nhất là khi làm sai, trẻ cần phải học cách nói lời xin lỗi chân thành nhất, không nên vì "bọn trẻ chưa biết gì" mà không yêu cầu chúng làm điều đó. Và, ngay cả các bậc trên như cha mẹ, ông bà,… trong những trường hợp cần thiết cũng cần nói lời "xin lỗi” thì con cháu sẽ tâm phục, khẩu phục hơn.
Nếu ai cũng rèn cho con cháu mình từ nhỏ và gia đình, nhà trường nào cũng có một môi trường nói lời “cám ơn, xin lỗi” đúng lúc với thái độ thân thiện, chân thành thì sẽ hạn chế những trận cãi vã nhau, hạn chế bạo lực học đường, hạn chế những xô xát không đáng có và tạo ra mối quan hệ giữa người với người cởi mở, thân thiện, tốt đẹp hơn!
BP (sưu tầm)
Chủ đề liên quan:
bậc cha mẹ bạo lực học đường Cả vú lấp miệng em làm việc tốt lời cảm ơn lời xin lỗi mối quan hệ nét văn hóa vương quốc anh