Tổng giám đốc của WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus đã xác nhận việc trên trong cuộc họp báo với các phóng viên. Việc thử nghiệm hydroxychloroquine sẽ tạm dừng trong lúc WHO đánh giá lại các dữ liệu nhưng việc thử nghiệm với các loại vắc-xin khác vẫn được tiến hành.
Theo ông Tedros, hydroxychloroquine và chloraquine là những loại Thu*c thường được coi là an toàn khi sử dụng chữa trị sốt rét. Thế nhưng, hydroxychloroquine lại thiếu bằng chứng khoa học cho thấy nó là một lựa chọn điều trị coronavirus khả thi. Nhiều thử nghiệm lâm sàng đang tìm kiếm xem liệu hydroxychloroquine có hiệu quả trong việc chống lại COVID-19 hay không và kết quả đến giờ vẫn chưa chứng minh nó là một phương pháp điều trị hiệu quả.
Mặc dù vậy, Tổng thống Mỹ Donald Trump lại nhiều lần quảng cáo hydroxychloroquine là một loại Thu*c xoay chuyển tình thế trong cuộc chiến chống lại coronavirus. Ông Trump còn nói với các phóng viên hồi đầu tháng rằng ông đã dùng Thu*c này như dạng vắc-xin để tránh mắc bệnh. Ông Trump phát biểu: “Rất nhiều điều tốt đẹp đã xuất hiện. Các bạn hẳn rất ngạc nhiên khi có nhiều người dùng nó, đặc biệt là các người đang ở tuyến đầu (chống dịch)”.
Trước phát biểu của ông Trump, Nhà Trắng từ chối đưa ra bình luận. Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh cũng không phản hồi trước yêu cầu đưa ra bình luận của CNBC.
Như vậy, có thể thấy quyết định của WHO càng khiến Tổng thống Mỹ cảm thấy bẽ mặt hơn và đẩy quan hệ giữa người đứng đầu Nhà Trắng với WHO thêm căng thẳng. Rất có thể Mỹ và WHO sẽ tuyệt giao khi ông Trump còn tại vị.
Ngày 18.5, ông Trump đã gửi tối hậu thư cho Tổng giám đốc WHO Tedros với nội dung: “Nếu WHO không cam kết thực hiện những cải cách căn bản trong 30 ngày tới, tôi sẽ đóng băng vĩnh viễn nguồn tài trợ cho tổ chức này và xem lại vai trò thành viên của Mỹ”.
Trong thư gửi Tổng giám đốc WHO, ông Trump nêu rằng cách tốt nhất là WHO chứng minh được sự độc lập của tổ chức này với Trung Quốc. Ông chủ Nhà Trắng cũng đưa ra nhiều cáo buộc đối với Trung Quốc, trong đó có cáo buộc Bắc Kinh cố tình che đậy bằng chứng COVID-19 có thể lây nhiễm từ người sang người và ép WHO không công bố tình trạng khẩn cấp, không chia sẻ dữ liệu và các mẫu bệnh phẩm, đồng thời từ chối cho phép tiếp cận các nhà khoa học và cơ sở xét nghiệm.
Ngày 24.5, trả lời trên CNN, ông Stewart Simonson, Trợ lý Tổng giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) phản bác các cáo buộc của Mỹ: “Không có lý do thuyết phục nào cho thấy WHO đã che giấu thông tin này. Chúng tôi không có lợi ích nào khi làm như vậy. Lợi ích của chúng tôi là đưa ra thông tin khi có các bằng chứng cho thấy cảnh báo nên được đưa ra".