Đường 20 Quyết thắng bắt đầu từ cột mốc số 0 Nam bến phà Xuân Sơn, xã Sơn Trạch, huyện Bố Trạch, Quảng Bình vượt đỉnh Trường Sơn ở vĩ tuyến 17020 tại km65 biên giới Việt - Lào. Khi qua Lùm Bùm gặp đường 128 rút ngắn được cung đoạn nối xuống đường 9 là một đầu mối trong hệ thống đường HCM huyền thoại.
Đúng 17 giờ ngày 30 tết Bính Ngọ 1966 quả bộc phá đầu tiên mở đường được phát nổ. Với hơn 8.000 chiến sĩ TNXP cùng đội xe, máy và nhiều mìn, bộc phá con đường đã hoàn thành với tốc độ kỉ lục, thông xe vào ngày 27/4/1966. Con đường được đặt tên là Đường 20 Quyết thắng vì hầu hết cán bộ chiến sĩ TNXP mở đường đều ở lứa tuổi 20.
Cột mốc số 0 của con đường 20 huyền thoại. Ảnh: Xuân Nha |
Nhận thấy tầm quan trọng của tuyến đường này, giặc Mỹ đã điên cuồng đánh phá. Ngay từ bến phà Xuân Sơn điểm đầu tiên đi vào con đường đã trở thành một tọa độ lửa, túi bom của mỹ. Bến phà A là phà Xuân Sơn và bến phà B là phà Nguyễn Văn Trổi nằm gần động Phong Nha và cách nhau 4km đã trở thành hai trọng điểm đánh phá ác liệt. Ban ngày, các loại máy bay L19 trinh thám, chụp ảnh quan sát dọc bờ sông. Ban đêm, máy bay C130 thả đèn dù, pháo sáng suốt đêm nhằm tìm mục tiêu đánh phá.
Khốc liệt nhất là tháng 5/1967, thua đau ở chiến trường Miền Nam nên giặc Mỹ càng tăng cường đánh phá để cắt đường chi viện của ta. Tại bến phà Xuân Sơn chúng cho máy bay rải thảm từ bom tấn, bom khoan, bom hẹn giờ, bom bi, bom từ trường ngày đêm cày xới nhằm làm tê liệt chia cắt đôi bờ. Tại các điểm khác trên con đường không có một phút giây nào được bình yên.
Bến phà Xuân Sơn cũ, nay là một bến đò dân sinh. Ảnh: Xuân Nha |
Sau những loạt bom ác liệt trên mặt đường lại có những chiến sĩ TNXP lao ra tranh thủ vá đường thông xe vì miền nam ruột thịt. Hàng trăm chiến sĩ đã ngã xuống ở những địa danh như: Cây số 0, dốc Đồng Tiền, ngầm Trạ Ang, dốc Ba Thang, Khe Diêm. Những điểm ác liệt như tại cua chữ A, địch đánh phá 3.020 trận (có 270 trận B52). Nối tiếp cua chữ A là ngầm Ta Lê và đèo Phu La Nhích dài 8km (tức là trọng điểm A-T-P) địch đánh hơn 10.000 lần (2.450 lần B52). Có ngày chúng huy động 93 lượt máy bay (có 8 lượt B52) thả bom xuống A-T-P. Gần 200 cán bộ chiến sĩ đã ngã xuống cho đoạn đường này được thông suốt.
Tháng 5/1967 đế quốc Mỹ rải bom làm bến phà Xuân Sơn bị tắc. Trước tình hình cấp thiết phải phá bom thông xe cho bến phà hạ sĩ Võ Thế Chơn đã tình nguyện mở con đường máu. Đúng 10 giờ sáng ngày 16-5 (âm lịch), mọi người đều cúi đầu, gạt nước mắt cầu bình an cho hạ sĩ Chơn trong lễ truy điệu sống trước khi anh bước lên ca nô ra giữa dòng sông Son phá bom từ trường. Con người đang độ tuổi 20 ấy lái chiếc ca nô lao vào trận địa bom từ trường. Chiếc ca nô lượn một vòng, rồi hai vòng sau đó là những tiếng nổ đinh tai, xé toạc dòng Son với những cột nước cao ngút trời. Sau những tiếng nổ chát chúa ấy một khoảng im lặng và rồi tất cả vỡ òa trong tiếng vỗ tay reo hò của đồng đội chào đón hạ sĩ Chơn. Chàng trai người làng Lý Hòa dũng cảm ấy đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Ngay trong đêm đó 300 lượt xe lại hối hả qua phà kịp vào Miền Nam.
Ngã ba Trạng Ang đường 20. Ảnh: Xuân Nha |
Tại Km 16+200 trên con đường 20 không có ngày nào ngớt tiếng gầm rú của máy bay địch và tiếng bom nổ. Gần đó, km 16,5 có một cái hang đá mà mỗi khi máy bay quần thảo, đánh phá 8 cô gái TNXP thường chạy vào trú ẩn. từ đó anh em chiến sĩ thường gọi hang này là hang tám cô. Và cũng chính cái hang đá đó đã trở thành hang định mệnh của 8 con người.
Buổi chiều ngày 14/11/1972, khi phát hiện B52 rải thảm, 8 TNXP thuộc Đội 163, Ban 67 đang làm nhiệm vụ trên mặt đường (gồm 4 trai, 4 gái) chạy về hang để trú ẩn. Một tiểu đội pháo phòng không gồm 5 chiến sĩ cũng cơ động trận địa về gần phía cửa hang để tổ chức lực lượng đánh trả. Những loạt bom điên cuồng của giặc Mỹ đã băm nát đoạn đường làm tiểu đội pháo hi sinh tại chỗ và đánh sập hang nơi 8 TNXP trú ẩn làm các chiến sĩ mắc kẹt trong hang.
Hay tin, ngay lập tức các lực lượng công tác chiến đấu trong khu vực đều đến để cứu nạn. biết các chiến sĩ trong hang còn sống nhưng do tảng đá lấp của hang quá nặng nên tất cả các xe, máy kéo đều không nhúc nhích. Phương án nổ mìn không được chấp nhận vì sức ép của mìn sẽ làm những chiến sĩ trong hang ch*t ngay, lại làm lộ mục tiêu cho máy bay địch quay lại đánh phá. Cuối cùng đồng đội đành kéo dài sự sống trong hang bằng cách đưa sữa cháo vào hang bằng ống tuy ô luồn qua kẽ đá.
Tám ngày khắc nghiệt các chiến sĩ phải vật lộn với cuộc sống thiếu dưỡng khí trong hang. Đến ngày thứ chín những người túc trực ở ngoài cửa hang nghẹn ngào khi từ trong hang vọng ra tiếng gọi “bầm ơi” yếu ớt của một cô gái. Sau đó 8 TNXP trong hang đã gửi lời chào cuộc sống ở tuổi 20. Họ là: Trần Thị Tơ 18 tuổi, Lê Thị Mai 20 tuổi, Đỗ Thị Loan 20 tuổi, Lê Thị Lương 19 tuổi và Nguyễn Văn Huệ 20 tuổi, Nguyễn Văn Phương 20 tuổi, Nguyễn Mậu Kỷ 20 tuổi, Hoàng Văn Vụ 20 tuổi. Tất cả đều quê ở Hoằng Hóa, Thanh Hóa.
Di tích lịch sử Hang Tám cô trên đường 20. Ảnh: Xuân Nha |
Đường 20 bây giờ chạy giữa lòng di sản thiên nhiên thế giới Phong Nha - Kẽ Bàng. Con đường nay đã được nâng cấp trở thành huyết mạch giao thông của bà con nhân dân hai xã Thượng Trạch và Tân Trạch của huyện Bố Trạch, Quảng Bình. Đây là hai xã có sự sinh sống của 5 dân tộc ít người gồm Ma koong, Sách, Mường, Cà Rai và A Rem.
Trên con đường này có hai trạm kiểm lâm đóng tại km27 và km39 để bảo vệ rừng Quốc gia Phong Nha- Kẽ Bàng. Hiện con đường đóng vai trò rất quan trọng trong đời sống của những dân tộc ít người sống trên con đường mà nó còn mang ý nghĩa lịch sử vô cùng to lớn về một con đường huyền thoại.
Xuân Nha