Tâm sự hôm nay

Ý bài “Thơ Thần” bị thay đổi hoàn toàn

Cuốn sách Ngữ văn lớp 7 tập 1 mới phát hành tháng 8/2015 đã gây phẫn nộ trong phụ huynh và dư luận khi dịch lại bài “Thơ Thần” của Lý Thường Kiệt.
Cuốn sách Ngữ văn lớp 7 tập 1 mới phát hành tháng 8/2015 đã gây phẫn nộ trong phụ huynh và dư luận khi dịch lại bài “Thơ Thần” của Lý Thường Kiệt. So sánh hai bản dịch mới và bản dịch cũ đã ăn sâu vào tâm thức người Việt, thấy rất rõ bản trong SGK mới phát hành đã hạ thấp tâm thế dân tộc trước quân xâm lược.

Trong một lần trả lời phóng viên, PGS.TS. Đỗ Ngọc Thống - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học - Bộ GD&ĐT, một trong những người biên tập, ông này nói, bản dịch bài thơ “Nam quốc sơn hà” của Lý Thường Kiệt là “nghĩa khác, nhưng ý thơ không có gì thay đổi”.

Chỉ so sánh 2 câu đã thấy ý nghĩa bài thơ quá thay đổi:

- Câu 2: “Rành rành định phận tại sách trời” thì “rành rành” mang nghĩa rất rõ, không thể bàn cãi! Sự “phân định” ở đây mang tính công bằng, pháp lý hơn từ “chia” trong bản dịch lại.

Còn “Vằng vặc sách trời chia xứ sở” thì “vằng vặc” rất vô nghĩa và khái niệm “chia xứ sở” ở đây mù mờ hơn việc “rành rành” phân định.

- Câu 4 càng tệ hại hơn: “Chúng bay sẽ bị đánh tơi bời” khác hẳn với “Chúng mày nhất định phải tan vỡ” chứ. “Tan vỡ” mới chỉ là vỡ đôi ba mảnh, còn “tơi bời” là nát vụn ra chứ. “Chúng bay” mang vị thế lớn hơn, lịch sự hơn “chúng mày” chứ. Nguy hại nhất là khẳng định “Chúng bay sẽ bị đánh” thể hiện ý chí đánh giặc ngoại xâm đã bị bỏ đi để thay bằng hy vọng “nhất định bị tan vỡ”! Sao lại hạ thấp tâm thế dân tộc và ý nghĩa bài thơ đến như vậy?

Xin hỏi người dạy trẻ tập làm văn rằng: Từ ngữ khác nhau về mức độ, hình ảnh sao lại “không có gì thay đổi” về ý thơ? Và đã “không có gì thay đổi” thì sao phải thay đổi bài thơ dịch đã ngấm vào tim óc bao thế hệ người Việt Nam?

Đó là chưa kể “Nhóm tác giả chủ biên gồm: Nguyễn Khắc Phi (Tổng chủ biên) - Nguyễn Đình Chú (Chủ biên phần Văn) - Nguyễn Minh Thuyết (Chủ biên phần Tiếng Việt) - Trần Đình Sử (Chủ biên phần Tập làm văn). Ngoài ra còn có các biên tập viên Đỗ Kim Hồi - Nguyễn Văn Long - Bùi Mạnh Nhị - Lê Xuân Thại - Đỗ Ngọc Thống” vậy sao cuối bản “dịch lại” bài thơ lại ghi là “Theo Lê Thước - Nam Trân dịch”. Tại sao phải chơi trò ù xọe như thế này?

Thiết nghĩ bài “Thơ Thần” trên được coi như bản Tuyên ngôn Độc lập đầu tiên của dân tộc với bản dịch đã ngấm vào máu thịt tất cả các thế hệ người Việt cần phải được tôn trọng như “di tích lịch sử đã xếp hạng, cấm xâm phạm”. Mặt khác, cơ quan hữu trách nên có quyết định những áng văn thơ bất hủ của ông cha đã nằm sâu trong tim óc nhân dân như “Hịch tướng sĩ” của Trần Quốc Tuấn, “Đại cáo bình Ngô” của Lê Lợi - Nguyễn Trãi và “Thơ Thần” của Lý Thường Kiệt là tài sản quốc gia trong chương trình SGK mà không ai được thay đổi vì bất cứ lý do gì.

Lê Quý Hiền

Bản dịch đã ngấm vào tâm thức các thế hệ người Việt:

“Sông núi nước Nam vua Nam ở

Rành rành định phận tại sách trời

Cớ sao lũ giặc sang xâm phạm

Chúng bay sẽ bị đánh tơi bời”.

Và bản dịch mới trong SGK gần đây:

“Sông núi nước Nam vua Nam ở

Vằng vặc sách trời chia xứ sở

Giặc dữ cớ sao phạm đến đây

Chúng mày nhất định phải tan vỡ”.

Mạng Y Tế
Nguồn: Nguồn Internet (news-y-bai-tho-than-bi-thay-doi-hoan-toan-20630.html)

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY