Dinh dưỡng hôm nay

Đường màu đen ở lưng tôm có thực sự bẩn? Những sự thật khi ăn tôm ai cũng nên biết

Tôm là một thực phẩm vô cùng phổ biến, chứa nhiều chất dinh dưỡng và vitamin cần thiết nhưng nó lại ẩn chứa nhiều sự thật không phải ai cũng biết.

Đường chỉ màu đen ở lưng tôm có thực sự bẩn?xml:namespace prefix="o" />

Đường chỉ màu đen hoặc trắng ở ngay sát lưng tôm hay còn được gọi là chỉ tôm. Đây chính là đường tiêu hóa của tôm chứa dạ dày và đại tràng, vì vậy nó không hề sạch sẽ như nhiều người vẫn nghĩ.

Tuy nhiên, ăn đường chỉ tôm cũng không có hại gì đến sức khỏe, bởi các vi khuẩn trong chỉ tôm sẽ bị giết chết ở nhiệt độ cao khi nấu. Việc loại bỏ đường chỉ tôm sẽ giúp món ăn sạch hơn và khiến bạn yên tâm hơn khi ăn.

Vỏ tôm không chứa canxi hoặc cực kì ít

Lớp vỏ tôm cứng và "dai nhoách" mà ngày xưa bố mẹ vẫn hay bắt chúng ta ăn gần như không chứa canxi. Thành phần chính của vỏ tôm là kitin – một dạng polymer cấu thành lớp vỏ cho phần lớn các loài giáp xác.

Trong khi đó, nguồn canxi của tôm đến chủ yếu tập trung ở phần thịt của tôm. Thậm chí vỏ của một số loài tôm còn tương đối khó tiêu hóa. Chính vì vậy, việc cố gắng ăn hay bắt trẻ em ăn tôm cả vỏ để giúp tăng canxi là không cần thiết, thậm chí còn dễ tăng nguy cơ hóc vỏ tôm cho trẻ nữa.

Ngoài ra, vỏ của một số loài tôm tương đối khó tiêu hóa, không tốt cho dạ dày, thường sẽ bị bài tiết ra ngoài sau khi chúng ta "giải quyết" trong toilet.

Ăn mắt tôm không hề bổ mắt

Nhiều người quan niệm rằng, ăn mắt tôm sẽ chứa những dưỡng chất tốt cho mắt, giúp cải thiện thị lực nhưng trên thực tế chưa có một nghiên cứu cụ thể đáng tin cậy nào chứng minh được điều đó

Trái với suy nghĩ của nhiều người, toàn bộ phần đầu tôm bao gồm cả mắt tôm chứa rất ít chất dinh dưỡng. Bên cạnh đó, ăn đầu tôm cũng đồng nghĩa với việc bản đã ăn cả túi chất thải nằm ngay trên đầu chúng nữa. Thậm chí, theo các bác sĩ chuyên khoa mắt cho rằng, trường hợp đau mắt đỏ mà ăn tôm sẽ khiến cho tình trạng trở nên trầm trọng hơn.

Có nên ăn tôm cùng cà chua, chanh, cam?

Một số nguồn tin cho rằng tôm có chứa asen (hay còn gọi là thạch tín) và khi ăn thực phẩm này với trái cây chứa nhiều vitamin C sẽ gây ra phản ứng hóa học, làm tăng lượng asen trong tôm, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe.

Theo PGS.TS.Nguyễn Duy Thịnh (Nguyên cán bộ Viện công nghệ thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội), asen là một yếu tố tự nhiên và phân phối rộng rãi, tìm thấy trong đất và khoáng chất. Nó được tạo thành trong con người thông qua thực phẩm, nước hoặc không khí. Tuy nhiên, asen có trong thực phẩm đa phần dưới dạng hữu cơ ít có hại cho sức khỏe.

“Một lượng nhỏ asen có thể gây ra nhiều vấn đề sức khỏe con người, nếu tiếp xúc cao hoàn toàn có thể gây tử vong. Tuy nhiên, vitamin C không hề có đặc tính cho phép nó biến đổi yếu tố độc hại thành asen” - PGS Thịnh khẳng định.

PGS.TS.DS Nguyễn Hữu Đức (Khoa Dược, Đại học Y dược TP HCM) khi phát biểu với báo Gia đình & Xã hội cũng khẳng định: "Vỏ tôm không thể chứa lượng asen nhiều đến mức gây độc cho chính con tôm, ngoại trừ trường hợp rất hiếm là tôm sống trong vùng nước ô nhiễm chứa quá nhiều asen (những nơi sản xuất hoá chất công nghiệp).

Do đó, khẳng định sự nguy hại của việc ăn tôm cùng với vitamin C gây chết người hoàn toàn thiếu căn cứ và mang tính chủ quan, gây hiểu lầm không đáng có cho người dân, các chuyên gia nhấn mạnh.

Đầu tôm chứa kim loại nặng vượt quá tiêu chuẩn

Hàm lượng kim loại nặng trong đầu tôm cao hơn rất nhiều so với thân tôm, nhưng với tôm nuôi, hàm lượng này là không đáng kể.

Kim loại nặng trong tôm chủ yếu đến từ nguồn nước và thức ăn của chúng. Lượng kim loại nặng này sẽ tích tụ nhiều hơn ở nội tạng (đầu tôm) và vỏ tôm.

Tuy nhiên, bạn cũng không cần quá lo lắng vì nếu nguồn nước và thức ăn của tôm bị ô nhiễm, chúng sẽ không thể sống được.

Một số người thấy đầu tôm đen hơn bình thường có thể là do tôm không được tươi hoặc do enzyme tyrosinase trong tôm tiết ra melanin, một chất khiến đầu tôm có màu đen, chứ không liên quan gì tới kim loại nặng.

Có ký sinh trùng trong tôm không?

Tôm có thể chứa ký sinh trùng nhưng chúng sẽ an toàn khi được nấu chín. Một số người nói rằng họ thấy ký sinh trùng trong tôm có hình dạng như sán dây, tuy nhiên, đây thực chất là ống dẫn tinh (trứng) của chúng.

Hoài Nguyễn

Theo tạp chí Sống Khỏe

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khoẻ gia đình (https://suckhoegiadinh.com.vn/dinh-duong/dinh-duong/duong-mau-den-o-lung-tom-co-thuc-su-ban-nhung-su-that-khi-an-tom-ai-cung-nen-biet-26282/)

Chủ đề liên quan:

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY