Kinh tế xã hội hôm nay

Gần 90% bệnh nhân mắc sởi chưa tiêm vắc-xin hoặc tiêm không đủ liều

Hiện dịch bệnh sởi đã ghi nhận 43 tỉnh, thành phố có bệnh nhân mắc sởi, đặc biệt tập trung nhiều tại một số tỉnh, thành phố khu vực phía Nam.

Điều đáng nói là 90% số ca đều chưa được tiêm phòng hoặc không rõ về tình trạng tiêm phòng. Nguy cơ dịch bệnh lây lan và bùng phát là rất cao nếu các biện pháp phòng chống dịch bệnh không được triển khai quyết liệt hơn.

Từ đầu năm đến nay, dịch sởi bùng phát mạnh, nguyên nhân một phần do phụ huynh chủ quan, số khác tẩy chay vắc-xin. Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, ngay trong những tuần đầu năm 2019, tình hình dịch bệnh sởi tiếp tục diễn biến phức tạp và có xu hướng gia tăng tại nhiều nước trên thế giới, đặc biệt tại Ukraina và Hoa Kỳ. Tại Hoa Kỳ, bệnh quay lại sau 20 năm nước này công bố loại trừ bệnh sởi.

Ngay trong nước, số ca mắc sởi cũng tăng rất nhanh. Các ca mắc sởi không chỉ là trẻ em mà có cả người lớn và trẻ chưa đến tuổi tiêm phòng, tức dưới 9 tháng tuổi. Một trong những nguyên nhân được xác định là do miễn dịch cộng đồng thấp. Tại Hà Nội, bệnh sởi đang có chiều hướng tăng nhanh. Từ đầu năm 2019 đến nay, toàn thành phố đã có 114 ca mắc sởi, trong đó tháng 1 có 64 ca. So với cùng kỳ năm trước, cả thành phố chỉ có 8 ca, như vậy số ca mắc năm nay tăng hơn 14 lần. Theo thống kê, trong số những ca mắc, có tới 89,1% chưa được hoặc tiêm không đủ liều.

Tại TP.HCM, từ đầu năm đến nay tiếp nhận khoảng 1.000 ca phải nhập viện, trong đó chỉ riêng BV Nhi đồng 1, mỗi ngày đang tiếp nhận khoảng 30 trẻ, nhiều ca viêm phổi, biến chứng nặng. Thống kê của Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM cho thấy, có đến 95% số ca nhập viện do chưa tiêm phòng vắc-xin. Ngoài nguyên nhân do cha mẹ chủ quan, quên, còn có nhiều trường hợp nghe theo tin đồn, theo phong trào bài trừ vắc-xin vì sợ nguy hiểm, nên không tiêm phòng cho con.

PGS.TS. Trần Đắc Phu - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết, ở nước ta, tại một số nơi vùng sâu, vùng xa và những đô thị có số trẻ di biến động lớn, có nhiều trẻ còn chưa được sởi đầy đủ như TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Hà Nội, Quảng Ninh, Nghệ An, Thanh Hóa, Điện Biên, Lai Châu, Sơn La... nên có nguy cơ cao ghi nhận các trường hợp mắc và các ổ dịch sởi tại cộng đồng. Cũng vì thế, từ cuối năm 2018, chiến dịch tiêm bổ sung vắc-xin phòng bệnh sởi - Rubella cho khoảng 4,2 triệu trẻ từ 1 - 5 tuổi đã được triển khai tại các vùng nguy cơ cao tại hơn 400 huyện của 57 tỉnh, thành phố. Tuy nhiên, ngoài việc tiêm chủng, Bộ Y tế cũng lo ngại về tình trạng lây nhiễm chéo tại các cơ sở y tế, nếu những nơi này không được kiểm soát hoặc có những khu cách ly riêng.

Tiêm vắc-xin phòng bệnh sởi cho trẻ. Ảnh: TM

Theo PGS.TS. Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Khám chữa bệnh, sởi là bệnh truyền nhiễm với cơ chế lây nhiễm khác nhau. Bộ Y tế đã đề nghị các BV phải bằng mọi biện pháp truyền thông (qua loa đài, hướng dẫn trực tiếp, bằng poster, tờ rơi...) để người bệnh, người nhà người bệnh, nhân viên y tế, học viên, sinh viên thực tập hiểu rõ đường lây nguy hiểm: qua đường hô hấp. Đối với người bệnh sởi và nghi sởi mang khẩu trang khi đi khám bệnh, đối với trẻ nhỏ (không thể mang khẩu trang) thì người nhà dùng khăn giấy che miệng trẻ khi ho, hắt hơi.

Tại các khoa khám bệnh phải tổ chức phân luồng và có khu khám riêng để sàng lọc bệnh sởi, nghi sởi. Chỉ nhập viện điều trị nội trú những ca bệnh sởi nặng theo đúng hướng dẫn, đúng tuyến điều trị để tránh quá tải và giảm lây chéo trong BV. Tổ chức tư vấn, hướng dẫn người bệnh biết cách chăm sóc ca bệnh nhẹ tại nhà để giảm chi phí điều trị cho gia đình và xã hội, tránh được lây nhiễm chéo và quá tải BV.

Đối với các ca bệnh sởi nặng nếu phải điều trị tại khoa/đơn vị hồi sức tích cực, hồi sức cấp cứu cũng phải bảo đảm việc cách ly, kiểm soát nhiễm khuẩn để phòng lây nhiễm chéo. Các trường hợp ca bệnh nặng phải tổ chức hội chẩn khoa, liên khoa, BV theo quy định hoặc xin ý kiến hướng dẫn, trao đổi thông tin, hỗ trợ về chuyên môn với tuyến trên. Các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phải căn cứ số lượng và mức độ bệnh để tăng cường nhân lực, khu vực điều trị nội trú nhằm giảm quá tải cho nhân viên y tế làm công tác điều trị bệnh dịch và hạn chế việc người bệnh truyền nhiễm phải nằm ghép.

“Trong trường hợp bệnh nhân không phải chuyển lên tuyến trên thì Bộ Y tế đã chỉ đạo các BV đầu ngành sẽ hỗ trợ tuyến dưới. Sẵn sàng hội chẩn, góp ý, chỉ đạo chuyên môn qua đường dây nóng”- PGS.TS. Lương Ngọc Khuê nói.

Tại BV Nhi TW, PGS.TS. Trần Minh Điển - Phó Giám đốc BV cho biết, hiện tại BV Nhi TW đã thành lập hệ thống điều trị riêng cho bệnh nhi mắc sởi. Khi trẻ nghi phát ban vào viện thì được “đi theo con đường riêng” vào phòng khám riêng, nếu trẻ cần phải nằm viện vì bệnh sởi thì chúng tôi cho vào khu điều trị riêng. Tại đây, nhân viên y tế chăm sóc riêng, buồng bệnh mở hai chiều, cửa sổ mở về phía mặt trời. Hệ thống trang thiết bị y tế của khu vực này cũng dùng riêng, lấy máu xét nghiệm tại đó, chụp Xquang tại đó để tránh có sự chung đụng về trang thiết bị làm phát sinh nguy cơ lây nhiễm chéo.

Theo PGS.TS. Trần Minh Điển, các vấn đề liên quan đến phòng chống bệnh sởi là điều trị cách ly, phòng chống bệnh bằng tiêm vắc-xin và kiểm soát người bệnh phơi nhiễm. tức là khi em bé vào bệnh viện mà chúng ta chưa biết bệnh nhi này mắc sởi, trong 24-28 giờ sau phát hiện sởi. Điều này đồng nghĩa là các bệnh nhi cùng phòng là đối tượng phơi nhiễm. Ngay lập tức phòng bệnh này sẽ được cách ly, và những bệnh nhi đó được theo dõi từ 14-18 ngày tiếp theo, ngay cả khi bệnh nhi về nhà, nhân viên y tế vẫn gọi điện để hỏi thăm xem có dấu hiệu bệnh sởi hay không. Việc này giúp kiểm soát tình hình lây nhiễm chéo trong BV bởi một bệnh nhi đã mắc sởi lại có bệnh lý khác thì rất nguy hiểm cho trẻ.

Để tránh lây nhiễm chéo, BV Nhi đồng 1 đã chủ động cách ly riêng khu vực điều trị sởi. Tại khu vực đặc biệt này, hơn 20 bệnh nhi mắc sởi được cách ly riêng để điều trị. Đây là giải pháp tiên quyết được thực hiện ngay từ khi BV tiếp nhận ca bệnh sởi đầu tiên phải nhập viện.

Do bệnh sởi lây qua đường hô hấp, tiếp xúc trực tiếp, nhiều phụ huynh quên rằng chính họ cũng là một nguồn lây lan rất nhanh nếu mắc bệnh. Những bảng hướng dẫn khi chăm sóc bệnh nhân sởi hay rửa tay khử khuẩn thường xuyên đã được các y, bác sĩ của BV Nhi đồng 1 thực hành nghiêm túc, đồng thời hướng dẫn phụ huynh cùng tham gia để tránh lây nhiễm chéo trong BV.

Liên quan đến dịch bệnh sởi, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã ra thông báo về việc gia tăng các trường hợp mắc sởi. Theo WHO, số ca nhiễm sởi năm 2018 là 230.000 trường hợp, tăng hơn rất nhiều so với số ca mắc sởi của năm trước. Do đó, WHO khuyến cáo các bậc cha mẹ cần cho con đi tiêm chủng đúng liều để phòng bệnh cho trẻ.

Thái Bình

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khỏe đời sống (https://suckhoedoisong.vn/gan-90-benh-nhan-mac-soi-chua-tiem-vac-xin-hoac-tiem-khong-du-lieu-n153753.html)

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY