Kinh tế xã hội hôm nay

Gặp “chị Chang” của người Việt tại Malaysia

(MangYTe) Dù chỉ là cuộc nói chuyện vội vã sau giờ tan tầm tại một trong những bệnh viện lớn nhất của Malaysia nhưng phóng viên đã kịp hiểu tại sao chị Trần Thị Chang lại luôn được cộng đồng người Việt tại đây nhắc đến với tình cảm đầy yêu mến và kính trọng...

Có lẽ, tôi là một trong những người bận rộn nhất nhì trên thế gian, nhưng thật may sự bận rộn này đang mang đến cho tôi một cuộc sống rất ý nghĩa. Việc tôi đến với công tác cộng đồng xuất phát từ khi tôi có cơ hội về tham gia Hội nghị lãnh đạo các tổ chức người Việt Nam ở nước ngoài vào năm 2011 do Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (Bộ Ngoại giao) phối hợp cùng các cơ quan ban, ngành tổ chức tại thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng cùng với khoảng 150 kiều bào đại diện cho nhiều tổ chức hội đoàn người Việt Nam ở nước ngoài.

Lần đầu tiên được về nước tham dự một Hội nghị như vậy, tôi rất vui vì được gặp gỡ và kết nối với rất nhiều người Việt về từ các nước và nhận thấy Nhà nước rất quan tâm đến kiều bào. Đặc biệt, tôi đã được nghe rất nhiều câu chuyện về những tấm gương người Việt – họ không chỉ cống hiến cho nước sở tại mà còn mà tích cực làm rất nhiều việc để giúp đỡ cho quê hương mình.

Mong muốn được kết nối sức mạnh của những người Việt Nam tại Malaysia, trong lòng tôi giống như một ngọn lửa thôi thúc ý tưởng thành lập một hội đoàn của người Việt tại đây. Bởi vậy, khi trở về từ Hội nghị tôi đã về báo cáo và trình bày nguyện vọng với lãnh đạo Đại sứ quán Việt Nam và đã được đồng ý thành lập Ban liên lạc người Việt Nam tại Malaysia vào năm 2013.

Cuối năm 2013, sau khi về nước tham dự một sự kiện của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, tôi lại nghĩ ra ý tưởng cần phải thành lập một câu lạc bộ dành cho chị em người Việt tại Malaysia. Vậy là Câu lạc bộ Phụ nữ Việt Nam được ra đời vào 2014 và hiện nay đã có tới 100 thành viên. Vào tất cả các ngày lễ lớn của đất nước, chúng tôi đều tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa nhằm quy tụ chị em và bà con người Việt. Hằng ngày, chúng tôi chia sẻ với nhau những lúc khó khăn, buồn vui và cùng một lòng hướng về quê hương, nguồn cội.

Được biết, chị còn tiên phong trong việc mở lớp học tiếng Việt tại Malaysia.

Năm 2015, khi tham dự Hội nghị thi đua yêu nước tại Hà Nội, tôi được chứng kiến thêm nhiều gương tốt việc tốt, trong đó có phong trào dạy và học tiếng Việt của cộng đồng người Việt ở nước ngoài. Đến năm 2016, tôi quyết tâm mở lớp dạy tiếng Việt cho con em người Việt hoặc các cô dâu Việt tại thủ đô Kuala Lumpur.

Với sự hỗ trợ nhiệt tình của Đại sứ quán Việt Nam và bằng quyết tâm, lại được các chị em trong câu lạc bộ hết lòng ủng hộ, tôi đã vận động và thúc đẩy nhanh chóng quá trình mở lớp. Đến nay, lớp học đã hoạt động được bốn năm và hiện có khoảng 30 cháu. Điều tôi mừng nhất là nhiều cháu từ chỗ nói không biết và nói tiếng Việt không sõi, nay không những nói tốt mà còn hát được bằng tiếng mẹ đẻ.

Đây chính là trăn trở và ước mơ của tôi bấy lâu nay. Làm sao để Câu lạc bộ Phụ nữ Việt Nam mở rộng đến nhiều bang, các lớp học tiếng Việt cũng được mở tại nhiều địa bàn khác và Ban liên lạc của người Việt vươn cánh tay xa hơn nữa để có thể nhân rộng ra cộng đồng người Việt Nam ở Malaysia...

Tôi tâm niệm làm được điều gì tốt giúp ích cho cộng đồng thì sẽ cố gắng dốc tâm thực hiện. Tôi tin nếu những hoạt động của chúng ta hiệu quả và mỗi người là tấm gương thì giống như một hiệu ứng sẽ tạo nên sự lan tỏa lớn. Là một y sĩ, tôi sẽ tiếp tục làm “cầu nối” ngành tim mạch của hai nước cũng như bản thân có thể hỗ trợ bà con kiều bào, những bác sĩ và bệnh nhân Việt Nam được gì, tôi luôn sẵn lòng!

Báo Thế giới và Việt Nam

(thực hiện)

Mạng Y Tế
Nguồn: Báo quốc tế (https://baoquocte.vn/gap-chi-chang-cua-nguoi-viet-tai-malaysia-110398.html)

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY