Theo NS, cụ Whang-Od hiện sống tại làng Buscalan ở tỉnh Kalinga, Philippines đã bắt đầu xăm mình theo phương thức cổ truyền của bộ lạc Kalinga từ năm 15 tuổi với sự giúp đỡ của cha.
Tờ Great Big Story cho hay Whang đã thực hành một phương pháp xăm mình đặc biệt, cụ dùng kim xăm là gai bưởi nhúng trong mực chế từ than củi, với sự trợ lực từ một chiếc búa đặc biệt từ thân cây cà phê để xăm hình lên cơ thể. Cách thức thuần tự nhiên này cho kết quả là hình xăm có thể giữ màu mãi mãi.
Cụ Whang có thể xăm rất nhiều hình vẽ đa dạng, từ dạng đường thẳng, cong thông thường tới động vật hay nhiều hình khác. Tuy nhiên, cụ rất nổi tiếng với những hình xăm chứa ba chấm tròn với nhiều ý nghĩa tinh thần như sức mạnh hay cầu con cái.
Theo truyền thống cổ truyền của bộ lạc Kalinga tại Philippines, các hình xăm chủ yếu dành cho nam giới sau khi sát sinh. Phụ nữ cũng có thể xăm mình với mục đích tăng cường vẻ đẹp tự nhiên, thu hút những người khác giới. Các thành viên trong bộ lạc coi các hình xăm của mình như biểu tượng của sự danh giá, niềm tự hào, vẻ đẹp và sự dũng cảm ngoan cường.
Trong thời đại hiện nay, cụ Wang mở cửa tiếp những khách hàng muốn trải nghiệm hình thức xăm mình truyền thống. Để tới làng Buscalan nơi cụ Whang sinh sống phải mất tới 15 tiếng di chuyển về phía bắc. Dù vậy, nhiều du khách trong nước và quốc tế đã không ngại khoảng cách địa lý để tới trải nghiệm hình thức xăm mình cổ do nữ nghệ nhân 103 tuổi Whang-Od thực hiện.
Năm 2018, Whang nhận được Giải thưởng Dangal ng Haraya dành cho các Di sản văn hóa phi vật thể. Giải thưởng này được Cơ quan văn hóa và nghệ thuật quốc gia Philippines (NCCA) trao tặng các nghệ sỹ nhằm ghi nhận thành tựu nổi bật của họ trong lĩnh vực mà họ gắn bó, có tầm ảnh hưởng và đóng góp lớn cho nền văn hóa và nghệ thuật của Philippines.
Cũng trong năm này, Thượng viện Philippines đã đề cử trao tặng bà Whang-Od giải thưởng Kho báu sống của quốc gia - sự vinh dự lớn nhất dành cho các nghệ sỹ dân gian truyền thống tại đất nước này.
Dù không có con, cụ Whang-Od đã truyền nghề xăm mình theo cách thức đặc biệt của bộ lạc Kalinga cho các cháu họ của mình, để môn nghệ thuật độc đáo này tiếp tục được lưu truyền tới các thế hệ sau.
Theo NS