Kinh tế xã hội hôm nay

Giám sát giao thông từ ĐTDĐ: Có xâm phạm đời tư?

Tích hợp với điện thoại di động phục vụ cho giám sát giao thông, ở góc độ quản lý có thể hữu ích, nhưng ở góc độ luật pháp, nếu không chặt chẽ, rất có thể xâm phạm đời tư công dân...
Luật sư Nguyễn Đức Toàn (Giám đốc Cty Luật Vimax Asia, Hà Nội) chia sẻ về đề xuất giám sát giao thông mới nhất của Phó Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia tại hội nghị Ứng dụng công nghệ giám sát phương tiện giao thông vừa được tổ chức.

Ông Toàn nói, trước hết, việc sử dụng dữ liệu điện thoại của một công dân có nguy cơ xâm phạm đến những quyền cơ bản, quy định tại Hiến pháp 2013. Cụ thể, Điều 21, Hiến pháp nêu rõ: Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình; có quyền bảo vệ danh dự, uy tín của mình. Thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình được pháp luật bảo đảm an toàn. Mọi người có quyền bí mật thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác. Không ai được bóc mở, kiểm soát, thu giữ trái luật thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư của người khác.

Ngoài ra, ngay tại Bộ luật Dân sự hiện hành cũng đề cập. Quyền nhân thân được quy định trong Bộ luật này là quyền dân sự gắn liền với mỗi cá nhân, không thể chuyển giao cho người khác trừ trường hợp pháp luật có quy định khác (Ðiều 24 Bộ luật Dân sự năm 2005). Ðồng thời, Bộ luật Dân sự quy định về quyền nhân thân tại các điều từ Ðiều 26 đến Ðiều 51, trong đó có quyền được bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín; quyền bí mật đời tư; quyền kết hôn.

Đó là những đạo luật cơ bản, còn hệ thống luật hóa thì sao, thưa luật sư? Tôi cho rằng nếu quy định không chặt chẽ, rất dễ xâm phạm vào hàng loạt văn bản luật đang có hiệu lực. Đơn cử, Điều 12, Luật Viễn thông năm 2009 liệt kê các hành vi bị cấm trong hoạt động viễn thông, trong đó có một điều cấm quan trọng, chính là việc thu trộm, nghe trộm, xem trộm thông tin trên mạng viễn thông; trộm cắp, sử dụng trái phép tài nguyên viễn thông, mật khẩu, khóa mật mã và thông tin riêng của tổ chức, cá nhân khác…

Việc tích hợp các thuê bao điện thoại được cho là giúp cơ quan có thẩm quyền có được các thông tin giao thông toàn cảnh, thậm chí kể cả là tốc độ của từng phương tiện, thưa luật sư?

Mục đích thì tốt đẹp, nhưng nếu không kiểm soát tốt, lại rơi vào tình trạng xâm phạm nghiêm trọng đời tư. Ví dụ, giả thiết một người vợ muốn theo dõi chồng, chỉ cần “nhờ” hệ thống này, biết rõ vị trí, nơi đi, nơi đến của chồng mình, và theo đó, khác gì đã biến hệ thống này thành một trụ sở của cơ quan thám tử tư? Đấy là chưa nói đến những nhân vật quan trọng, giả thiết họ tham gia mô hình này, vô hình trung sẽ bị rơi vào trạng thái “bị theo dõi”?

Cảm ơn ông.

Tại hội nghị Ứng dụng công nghệ giám sát phương tiện giao thông tổ chức ngày 18/3, ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, cho biết có thể đưa công nghệ sử dụng dữ liệu điện thoại di động của người dân tham gia giao thông để giám sát giao thông trong năm 2016. Ví dụ nếu cầm điện thoại đi trên đường nhanh hay chậm thì sẽ được gửi về hệ thống và xử lý. Theo đó, Việt Nam có hơn 130 triệu sim điện thoại di động, các thiết bị di động khác cũng có thể gắn sim vào. Nếu như tích hợp được trên điện thoại cầm tay thì sẽ có nguồn dữ liệu về trạng thái giao thông trên đường.

Mạng Y Tế
Nguồn: Nguồn Internet (news-giam-sat-giao-thong-tu-dtdd-co-xam-pham-doi-tu-5506.html)

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY