(HNMCT) - Những đợt không khí lạnh đột ngột, thời tiết chuyển mùa khiến nhiều người bị cảm cúm, sổ mũi… Điều đáng lo ngại là ngay khi xuất hiện những triệu chứng đau đầu kèm ho, chảy nước mũi, không ít người đã lập tức sử dụng thuốc kháng sinh để mong nhanh khỏi bệnh.
Với khí hậu nhiệt đới gió mùa, người Việt Nam rất dễ mắc các bệnh về đường hô hấp vào thời điểm giao mùa, trong đó, nguyên nhân chính là do nhiễm siêu vi trùng.
Khi thời tiết thay đổi, sự biến động về nhiệt độ diễn ra nhanh làm hệ miễn dịch suy yếu, các virus gây bệnh dễ dàng phát triển và lan truyền. Mũi họng là cửa ngõ của đường hô hấp, là nơi nhiều mầm bệnh dễ dàng xâm nhập khi chúng ta hít thở, đặc biệt là trong tình trạng không khí bị ô nhiễm nặng nề, chứa nhiều tác nhân gây bệnh (vi khuẩn, bụi bẩn, siêu vi trùng…), dẫn đến các bệnh về tai mũi họng và đường hô hấp.
Các bệnh tai mũi họng và đường hô hấp thường gặp bao gồm viêm mũi với triệu chứng nghẹt mũi, sổ mũi, viêm họng, ho, viêm Amiđan, viêm thanh quản... Nếu các bệnh này kéo dài sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh hen suyễn, viêm mũi màng kết, những biến chứng đáng ngại hơn như viêm đường hô hấp dưới (phế quản, phổi…).
Khi chớm có dấu hiệu hắt hơi, sổ mũi, nhiều người lập tức tự mua các loại kháng sinh về uống để mong mau dứt bệnh, bởi kháng sinh có tác dụng rất nhanh trong việc chặn đứng những triệu chứng như đau đầu, sổ mũi… Song, thực tế cho thấy, việc lạm dụng hoặc sử dụng kháng sinh không đúng sẽ gây ra tình trạng kháng kháng sinh. Khi những triệu chứng bệnh nhẹ nhanh chóng qua đi nhờ thuốc kháng sinh thì cơ thể dễ "lờn thuốc", dần dần kháng sinh không còn hiệu quả trị bệnh.
Ngoài ra, khi bị bệnh, việc cơ thể phải tiếp nhận những loại kháng sinh không cần thiết sẽ vô tình tiêu diệt những vi khuẩn có lợi, gây mệt mỏi, sức khỏe người bệnh ngày càng giảm sút, làm suy giảm hệ miễn dịch khiến chúng ta càng dễ mắc các bệnh nhiễm khuẩn đường hô hấp, gây ảnh hưởng tới chức năng gan, thận, các tế bào thần kinh, tăng nguy cơ dị ứng thuốc, có thể dẫn đến sốc phản vệ…
Theo các báo cáo từ Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Việt Nam được xếp vào nhóm các nước có tỷ lệ kháng kháng sinh cao nhất thế giới. Từ năm 2009 đến nay, tại Việt Nam, số lượng thuốc kháng sinh được bán ra ngoài cộng đồng đã tăng gấp 2 lần, nguyên nhân chính là do có nhiều người lạm dụng kháng sinh. Có tới 88% số thuốc kháng sinh tại thành thị được bán ra mà không cần kê đơn; ở nông thôn, tỷ lệ này lên đến 91%.
WHO dự báo, đến năm 2050, toàn cầu sẽ có khoảng 10 triệu ca tử vong do kháng kháng sinh, trong đó trẻ em là những đối tượng dễ bị kháng kháng sinh.
Thực tế, chỉ có một tỷ lệ nhỏ bệnh đường hô hấp do vi khuẩn gây ra mới cần dùng kháng sinh, chẳng hạn như khi có những dấu hiệu bệnh như sốt cao, nước mũi đặc, có màu xanh hoặc vàng, có mùi, họng có mủ, sưng đỏ, thở mệt, khó thở, chẩn đoán viêm phổi..., còn đa số trường hợp bệnh do virus gây ra thì không cần dùng kháng sinh. Ngay cả khi phải dùng kháng sinh thì cũng cần dùng theo chỉ định của bác sĩ, dùng đúng liều lượng và thời gian.
Một trong những nguyên nhân làm trẻ có vi khuẩn kháng thuốc là gia đình tự mua thuốc điều trị cho con theo đơn cũ, theo đơn của bạn bè, người quen mách, hay theo internet. Qua thực tế thăm khám cho các bệnh nhi, PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, nguyên Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai, cho biết ông đã gặp rất nhiều trường hợp cha mẹ... tự làm bác sĩ, tự mua thuốc điều trị cho con, gây ảnh hưởng không có lợi cho sức khỏe của trẻ và gây khó khăn cho quá trình điều trị của bác sĩ.
Việc tự ý dùng thuốc kháng sinh với triệu chứng bệnh chưa cần kháng sinh, dùng kháng sinh với liều lượng không thích hợp sẽ gây ra tình trạng kháng thuốc kháng sinh của vi khuẩn gây bệnh. điều này sẽ làm cho quá trình điều trị bệnh trở nên khó khăn hơn, tốn nhiều thời gian hơn và làm người bệnh mệt mỏi hơn, đặc biệt là trẻ em.
Hậu quả của việc lạm dụng thuốc kháng sinh dẫn đến kháng thuốc còn là thời gian điều trị bệnh kéo dài, trong nhiều trường hợp cần sử dụng nhiều kháng sinh hơn bình thường, chi phí điều trị tăng cao. Đặc biệt, việc xuất hiện nhiều khuẩn kháng thuốc còn làm tăng nguy cơ tử vong, nhất là với những ca bệnh nhiễm trùng huyết, sốc nhiễm khuẩn.