Giáo sư Andrew Pollard - một trong các chuyên gia tham gia sáng chế vaccine AstraZeneca và là người đứng đầu Nhóm vaccine Đại học Oxford (Oxford Vaccine Group), đã bày tỏ quan điểm không ủng hộ việc Anh hay một số nước chạy theo phương pháp của Israel về tiêm mũi vaccine thứ tư.
Ông cho rằng mũi nhắc lại có thể chỉ cần thiết với người dễ bị tổn thương dù số này đã hoàn tất quy trình tiêm ba mũi vaccine. Những người thuộc nhóm này gồm có người già, người có hệ miễn dịch suy yếu. “Việc tiêm nhắc 6 tháng một lần với tất cả mọi người là tốn kém, không bền vững và thậm chí không cần thiết”, giáo sư Pollard nêu quan điểm khi trả lời phỏng vấn trên kênh BBC Radio 4’s ngày 4/1.
Nhân viên y tế tiêm mũi vaccine thứ 4 cho người dân tại thành phố Ramat Gan, miền Trung Israel ngày 31/12/2021. Ảnh: THX/TTXVN
Theo chuyên gia người Anh, thế giới sẽ không thể vươn tới ngưỡng tiêm đủ bốn mũi vaccine cho mỗi người, khi mà hiện nay nhiều người dân ở châu Phi còn chưa được tiêm mũi vaccine nào. Cần tập trung vào việc bảo vệ những người dễ bị tổn thương thông qua việc đảm bảo họ có thể tiếp cận các mũi vaccine tăng cường và các phương pháp điều trị. Mặc dù người được tiêm mũi tăng cường sẽ có kháng thể mạnh vài tháng sau khi tiêm, song vẫn cần có thêm dữ liệu để đánh giá.
Giáo sư Pollar nhận định việc biến thể mới Omicron có xu hướng gây bệnh nhẹ hơn so với Delta, số ca nhập viện ít hơn, là tín hiệu tích cực. Nhưng thế giới vẫn cần cảnh giác, bởi sẽ có thể lại xuất hiện biến thể mới sau Omicron mà chưa biết mức độ lây lan, độc lực của nó ra sao.