Ngọn gió có một “mãnh lực” lạ kỳ. một buổi sáng tinh mơ, tiết trời bỗng dưng mát mẻ lạ thường. rồi gió bấc thổi hiu hiu khiến lòng người như tươi trẻ lại. người ta không cách nào lý giải gió… thường và gió bấc, chỉ biết đó là gió của cái tết miền nam đang về. tết của đoàn viên, sum họp sau cả năm dài miệt mài tất bật lo “cơm, áo, gạo, tiền” nên ai nấy đều nôn nao, chờ đợi.
Tết là dịp để người ta trở về bên gia đình. “quà nào bằng gia đình sum họp, tết nào vui hơn tết đoàn viên”, chỉ là một đoạn quảng cáo thôi mà “nhạc sĩ” nào đó đã viết ca từ đầy ý nghĩa như thế. tết việt là cái tết đoàn viên để yêu thương được trao đi và nhận về. để ai nấy đều thấy rằng, không khi nào như tết, đó là lúc để trở về bên nhau trong tình cảm yêu thương, để hiểu rằng gia đình luôn là chiếc nôi, là tổ ấm. dù đi đâu xa xôi thì cứ chừng hai mươi mấy tết, khi công ty, cơ quan vừa cho nghỉ tết là người ta lại khăn gói về quê…
Mỗi khi tết đến, một mỹ tục của tết miền nam chính là việc gìn giữ những phong tục đẹp đẽ của cái tết đoàn viên. dễ thấy nhất là sự chuẩn bị chu đáo để mọi người có thể trở về nhà mình ăn tết một cách đủ đầy, ấm cúng. những người phụ nữ miền nam “bày” đủ thứ chuyện trong mái ấm của họ để nhìn vào các bà, các mẹ, các chị, người ta thấy được những người phụ nữ tuyệt vời ở chữ “công”!
Người sống bằng nghề ruộng (trồng lúa), thì tết là dịp để người ta thể hiện cách đối đãi tử tế của họ đối với những người phụ trợ việc đồng áng trên mảnh đất ruộng của mình. những người cuộc sống còn chưa khấm khá, không có đất đai để trồng lúa và chăn nuôi thì chọn việc làm thuê trên phần đất người khác để tìm kế sinh nhai, thế nhưng tiền công không chỉ quy thành tiền sòng phẳng mà đong, đếm bằng tình nghĩa. họ đa số là những người nghèo cho nên tiền công dù hậu hỉ thế nào cũng chẳng đủ lấp vô “nhà trống”! thế là những cái liếp quanh vườn trồng rau, thả cá quanh năm của gia chủ cũng trở thành “nồi cơm” chung. “chú hai ơi, bữa nay cho con chài mớ cá kho tiêu ăn nghen”, “thím hai ơi cho con xin mớ rau muống…”, hỏi chỉ là cái lệ, thế rồi, cá chài lên được bao nhiêu, rau hái được bấy nhiêu, họ cứ đem về mà ăn. ngày thường là vậy, còn khi tết về thì những người chủ ruộng lại kêu nhóm người làm thuê đất ruộng nhà mình, kể cả một số người chung quanh có cuộc sống nghèo khó, tiếng là cho mượn lúa ăn tết, kỳ thực có khi là cho không, không lấy lại. trong ngồn ngồn công việc đón tết, người quê nam bộ không quên câu: “bầu ơi thương lấy bí cùng, tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”. người ta không quên đạo lý đó, cùng san sẻ với người nghèo để ai ai cũng có cái tết tươm tất hơn. cho mượn lúa để bà con chòm xóm xoay sở, có khi để bán lấy tiền mua sắm vật dụng trong nhà, có khi đem chà lấy gạo dùng trong ba ngày tết… đó đã trở thành mỹ tục mỗi khi tết đến, xuân về…
Trong xóm làng những miền quê Nam bộ (chỉ có mấy nóc nhà thưa thớt), bình thường thì yên ắng nhưng độ chừng hai mươi mấy Tết, không khí bỗng chộn rộn hẳn lên. Các bà, các chị í ới rủ nhau đi chợ mua sắm. Nồi bánh Tét là thứ không thể không có ở nhiều nhà. Mấy bà già tay chân run rẩy, vụng về chuyện gì không biết chứ còn cái tay khéo léo gói bánh, cột dây thì không một người phụ nữ hiện đại nào có thể “thi thố” với họ! Công nghệ thực phẩm bây giờ tiên tiến, người ta có thể lượt sạch hết vỏ hạt đậu xanh, một nguyên liệu quan trọng cho đòn bánh Tét. Thế nhưng, các bà, các chị lại không chọn loại đậu đã tách vỏ này, họ cho rằng, nó đã mất chất, không còn ngon như hạt đậu còn nguyên vỏ. Thế là công đoạn đầu tiên của nồi bánh Tét là ngâm đậu, lựa vỏ… Tốn kém thời gian nhưng để có một đòn bánh ngon thì các bà, các mẹ rất chịu bỏ công. Một đòn bánh tét ngon ở quê tôi chứa đựng không biết bao nhiêu là bí quyết của các bà, các mẹ: gói để đòn bánh chắc tay, vỏ bánh màu xanh, để lâu hư, nhân bánh ở giữa, cục nhân mỡ trong vắt và thơm lừng mùi hành… Tất cả đều có những bí quyết!
Quết bánh phồng, nướng bánh bông lan, sên mứt sừa, kho thịt, nấu bánh tét, rồi làm khô với đủ loại như cá lóc, cá kèo, tôm khô, tôm lụi… Thử hỏi, có món nào mà không được bán ở chợ, vậy mà nhiều phụ nữ ở nông thôn ở miền Nam vẫn giữ nguyên “quan điểm” tự tay làm mới ngon, mới tạo nên được không khí Tết, mùi Tết trong mái ấm gia đình mình…
Có lẽ chính vì vậy mà trong những gian nhà lá đơn sơ ở những miền quê heo hút, dù không có pháo hoa, đèn màu rực rỡ thì cái tết vẫn hiện hữu, ấm áp vô cùng! dĩa mứt dừa không màu không thể đẹp bằng thứ mứt dừa đủ sắc màu ở chợ, dĩa khô cá lóc có cũng không bắt mắt bằng kỹ nghệ ướp màu ở chợ nhưng mùi vị “nhà làm” của các mẹ, các chị thì khỏi chê… và bên từng gian nhà nhỏ, vợ chồng, con cái sum vầy bên mâm cơm ngày tết, khói nhang thơm lừng trên bàn thờ tổ tiên. tết cũng không thể không nhắc đến phong tục lì xì. thường thì vào sáng mồng một tết, con cháu chúc tết người lớn rồi nhận về bao lì xì mừng tuổi mới. ngược lại, con cháu đã trưởng thành, làm ra tiền cũng lì xì cho người lớn để gọi là thể hiện tấm lòng thơm thảo. tất cả làm nên bức tranh đẹp của tết miền nam!
Những năm gần đây, những “hội xuân”, “chợ tết quê” được khắp các tỉnh- thành tổ chức bày ra đầy sinh khí khi xuân về. thi nấu món ăn ngày tết, gói bánh tét, trưng bày mâm ngũ quả, biểu diễn thư pháp, múa lân, tổ chức các trò chơi dân gian cho trẻ con… đó là những hoạt động không thể thiếu khi tổ chức các sân chơi khơi gợi hồn tết truyền thống của người việt nam.
Nếu những điều nằm ở cảm nhận của trái tim làm nên hồn tết thì sắc màu rực rỡ trong ba ngày tết đã “vẽ” nên bức tranh tết đầy họa tiết! tết ở đâu là sắc màu nhất, xin thưa đó là chợ hoa xuân. khoảng 24 - 28 tết, đi chợ hoa, là thấy không khí tết rộn ràng. màu vàng tươi của hoa mai, cúc, vạn thọ là màu chủ đạo của cái tết phương nam. nhưng những năm gần đây, người ta cũng đã mang cái tết phương bắc xa xôi xuôi vào trong nam. đó là những nhánh hoa đào chúm chím màu hồng phấn. bảo quản, gìn giữ đào trong ba ngày tết đòi hỏi sự chăm chút công phu. nhưng vì rất nhiều chàng trai, cô gái xứ kinh kỳ vào nam để ở rể, làm dâu nên cũng nhiều người muốn tậu một cành đào về nhà để hoài niệm về cố hương yêu dấu…
Những năm gần đây, khi mà cuộc sống tiện nghi hơn, thì cái tết đoàn viên của một vài gia đình đôi khi cũng không trọn vẹn ý nghĩa như xưa. nhiều gia đình đón tết không đủ đầy các thành viên vì bọn trẻ thích được đi chơi xa, chọn dịp tết để tụ họp bè bạn “quẩy” khắp nơi trong ba ngày tết. đã có mạng xã hội với zalo, facebook, viber… nên chỉ cần một cuộc gọi video với nhau là có thể thấy nhà mình đang làm gì, hay ngắm cảnh pháo hoa rực rỡ ở quê mình dù cách xa hàng trăm km. cho nên nhiều bạn trẻ cũng không thiết tha mấy với những chuyến xe trở về quê bên gia đình… những người phụ nữ hiện đại ngày nay, “trăm công nghìn việc” ở cơ quan, công sở nên tết cũng không có thời gian để tự tay gói bánh, làm khô… họ chọn cách chạy ùa ra chợ sau khi đã tất bật với ngồn ngộn việc cơ quan, rồi dùng tiền mang tết về nhà. tất cả những món ăn đặc trưng của tết như tôm chao, lạp xưởng, bánh tét, dưa kiệu… đều bày khắp chợ, từ chợ tỉnh đến chợ huyện, chợ xã… thế là tết cũng ít chộn rộn, vui vẻ như cái tết mà người phụ nữ “nội tướng” trong gia đình tự tay làm nên. nhưng dù như thế nào, tết vui vầy, đủ đầy ý nghĩa nhất vẫn là cái tết được trở về bên mái ấm, thăm lại những người thân yêu, ngồi quây quần cùng nhau bên nồi bánh tét, ăn với nhau những bữa cơm với thịt kho thơm lừng, tôm khô, củ kiệu, dưa hành đậm phong vị tết quê hương… đó là lúc mọi người cùng nhau nhấm nháp hương vị tết phương nam ấm nồng!
Phải chăng chính từ những mỹ tục Tết quê ở miền Nam mà trong tâm thức của nhiều người, cái Tết quê nhà luôn là đẹp nhất, là đáng cho người ta quay về để đón thời khắc chuyển giao đẹp đến nao lòng của đất trời…