Mẹo vặt về sức khỏe hôm nay

Giúp con sẵn sàng chiến với bệnh thủy đậu

Đối với bệnh thủy đậu, trẻ em là đối tượng dễ bị lây nhiễm nhất và cũng có thể để lại nhiều di chứng nguy hiểm. Mùa dịch sắp đến, các mẹ cần chuẩn bị gì để bảo vệ con tránh khỏi căn bệnh này?
90% bệnh nhân thủy đậu là trẻ 2-7 tuổi

Dân gian hay gọi thủy đậu là bệnh phỏng rạ (miền Bắc) hay bệnh trái rạ (miền Nam). Thủy đậu là bệnh nhiễm trùng cấp tính do vi rút Varicella - Zoster gây ra. Bệnh có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, đặc biệt là ở những đối tượng có hệ miễn dịch yếu hoặc chưa hoàn thiện, chẳng hạn như trẻ em. Theo thống kê của Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh, 90% số bệnh nhân bị nhiễm thủy đậu là trẻ em trong khoảng từ 2 đến 7 tuổi. Do đây là bệnh dễ lây nhiễm nên những trẻ đi học, thường xuyên tiếp xúc với những môi trường đông người có nguy cơ mắc bệnh cao hơn.

Phó Giáo sư - Tiến sĩ - Bác sĩ Cao Hữu Nghĩa (Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh) cho biết: “Thủy đậu vốn là một bệnh lành tính nhưng nếu không được phát hiện sớm để điều trị kịp thời và đúng cách sẽ gây nhiều biến chứng nguy hiểm. Mụn nước do thủy đậu có thể gây viêm da, để lại các vết sẹo lõm trên da về sau. Biến chứng thứ hai có thể gặp phải là viêm phổi với triệu chứng như đau ngực, khó thở, tím tái, ho ra máu. Nguy hiểm hơn, bệnh có thể dẫn đến viêm não, rối loạn tâm thần, co giật, hôn mê…, thậm chí Tu vong.”

Người lành có thể bị nhiễm vi rút thủy đậu nếu tiếp xúc với dịch từ bóng nước bị vỡ của người nhiễm bệnh hoặc hít phải những giọt nước bọt khi bệnh nhân ho, hắt hơi. Do vi rút này có khả năng lây lan trong không khí nên thủy đậu rất dễ bùng phát thành dịch. Hằng năm, ở nước ta, tháng 3 - tháng 5 chính là mùa cao điểm của bệnh thủy đậu do thời tiết nồm, ẩm ướt vốn là điều kiện lý tưởng cho vi rút Varicella Zosta phát triển.

Tiêm vắc xin - cách phòng bệnh hiệu quả

“Biết thủy đậu là bệnh rất dễ lây nhiễm, nên hằng năm, cứ vào mùa dịch, mỗi khi cho con đi học mình cứ lo ngai ngái trong lòng. Cứ hôm nào nghe nói trong lớp có cháu bị bệnh là mình lại cho con nghỉ học ở nhà” - chị M. H. (Quận 3, TP. Hồ Chí Minh) cho biết. Đó cũng là cách “chẳng đặng đừng” mà các bà mẹ khác áp dụng để giúp con phòng bệnh khi thủy đậu vào mùa. Để tránh tiếp xúc với các nguồn lây nhiễm, nhiều mẹ cũng khuyên nhau không nên đưa trẻ đến những nơi quá đông người như bến xe, bệnh viện, siêu thị… nếu không cần thiết. Trong trường hợp bắt buộc phải đến những nơi này, các mẹ nên cẩn thận cho bé đeo khẩu trang y tế, vệ sinh sạch sẽ bằng xà phòng diệt khuẩn ngay sau đó. Phó Giáo sư - Tiến sĩ - Bác sĩ Cao Hữu Nghĩa nhận xét: “Các biện pháp như cách ly khỏi nguồn bệnh, vệ sinh thân thể chỉ bảo vệ trẻ ở mức tương đối. Nguyên nhân là do ngay cả trong thời gian ủ bệnh - khi các mụn nước chưa xuất hiện, người bệnh không hề hay biết mình đã mắc bệnh thủy đậu nhưng vẫn có khả năng lây nhiễm cho người khác”.

Theo Phó Giáo sư - Tiến sĩ - Bác sĩ Cao Hữu Nghĩa, thay vì phòng bệnh cho con một cách tương đối và “kiêng khem” như thế, các bà mẹ nên đưa con đi tiêm vắc xin ngừa bệnh thủy đậu. Đây được xem là cách phòng bệnh thủy đậu đơn giản và hiệu quả nhất. Vắc xin ngừa thủy đậu hiện nay có khả năng phòng bệnh hiệu quả đến 90% (10% còn lại là có thể bị thủy đậu sau khi tiêm chủng, nhưng các trường hợp này cũng chỉ bị nhẹ và ít biến chứng).

-Trẻ em từ 12 tháng đến 12 tuổi cần được tiêm 1 liều vắc xin ngừa thủy đậu
-Thanh thiếu niên từ 13 tuổi trở lên cần được tiêm 2 liều (cách nhau ít nhất 6 tuần)
-Phụ nữ khi có kế hoạch sinh con, nên tiêm vắc xin ngừa thủy đậu trước khi mang thai 3 tháng để phòng bệnh hiệu quả và tránh lây truyền từ mẹ sang con.
-Vắc xin ngừa thủy đậu có mặt tại hầu hết các cơ sở y tế cả công lẫn tư trên khắp cả nước
- Để biết thêm thông tin về bệnh và cách ngăn ngừa thủy đậu hữu hiệu, truy cập: http://thuydau.webtretho.com/
Hoặc gọi số hotline: 1800545459 để được tư vấn miễn phí.
Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khỏe đời sống (http://suckhoedoisong.vn/giup-con-san-sang-chien-voi-benh-thuy-dau-n132277.html)

Tin cùng chuyên mục

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY