Kinh tế xã hội hôm nay

Gói hỗ trợ hơn 62 ngàn tỷ đồng: Khi nào, đối tượng nào được nhận tiền hỗ trợ từ Chính phủ?

(MangYTe) - Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc của Chính phủ do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì diễn ra ngày 10/4 với các địa phương về các giải pháp, nhiệm vụ cho 4 nội dung lớn ứng phó tổng thể, toàn diện với những tác động từ dịch COVID-19 tới các mặt của đời sống xã hội, Bộ trưởng Bộ LĐ-TBXH Đào Ngọc Dung đã báo cáo về việc triển khai gói hỗ trợ hơn 62 ngàn tỷ.

Theo Bộ trưởng LĐ-TB&XH, khoảng 20 triệu đối tượng thuộc 7 nhóm được thụ hưởng gồm: Người có công với cách mạng đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng; đối tượng bảo trợ xã hội; hộ nghèo, hộ cận nghèo; người lao động làm việc theo chế độ hợp đồng lao động phải thỏa thuận tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương từ 1 tháng trở lên; Người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp, người lao động không có giao kết hợp đồng lao động bị mất việc làm; Người sử dụng lao động có khó khăn về tài chính và đã trả trước tối thiểu 50% lương ngừng việc cho người lao động; Hộ kinh doanh cá thể có doanh thu khai thuế dưới 100 triệu đồng/năm tạm ngừng kinh doanh từ 1/4/2020.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng cho biết, việc triển khai gói hỗ trợ an sinh xã hội thời điểm này là cấp bách nhưng cũng là vấn đề chưa có tiền lệ. Điều mà lãnh đạo Đảng, Nhà nước yêu cầu là phải đảm bảo hỗ trợ đúng đối tượng trong thời gian sớm nhất, không để lòng vòng, không để độ trễ trong thực hiện chính sách; công khai, minh bạch, không để trục lợi chính sách.

Để triển khai Nghị quyết, Bộ LĐ-TB&XH đang phối hợp với các bộ ngành sớm hoàn thiện và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định về quy trình cụ thể, tiêu chuẩn, điều kiện, trình tự, thủ tục triển khai của từng đối tượng, thành phần được quy định.

"Đến nay, Dự thảo đã xong. Chiều nay 10/4, Bộ sẽ cùng với các ngành thẩm định vấn đề này. Vào đầu tuần tới sẽ triển khai" – Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết.

Về cách thức triển khai: Danh sách các đối tượng đủ điều kiện thụ hưởng do Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố chịu trách nhiệm chỉ đạo rà soát, xem xét, phê chuẩn trên cơ sở đảm bảo công khai, minh bạch trong từng tổ dân phố, thôn, xóm và niêm yết công khai ở cấp xã, phường. Sau khi báo cáo được sự nhất trí của Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, từ Trung ương tới địa phương sẽ lập Ban giám sát do người đứng đầu Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam làm Trưởng ban với sự tham gia của Hội Cựu chiến binh, Hội Nông dân, đại diện Đoàn đại biểu Quốc hội và thành viên một số ngành tại địa phương.

Đối với hỗ trợ các đối tượng người có công, bảo trợ xã hội, người nghèo, hộ cận nghèo sẽ thực hiện hỗ trợ 3 tháng - thực hiện chi trả 1 lần, cơ bản trong tháng 4 và đầu tháng 5.

Đối với đối tượng có quan hệ lao động, việc hỗ trợ tối đa trong 3 tháng, tháng nào bị giảm sâu thu nhập, đủ điều kiện thì hỗ trợ tháng đó. Đối với việc cho doanh nghiệp vay lãi 0% để trả lương, doanh nghiệp đứng ra vay, Ngân hàng Chính sách xã hội chi trả trực tiếp vào tài khoản của người lao động.

Đối với nhóm lao động không có giao kết hợp đồng (lao động tự do) đây là đối tượng bị ảnh hưởng trực tiếp, lớn nhất của dịch COVID-19. Đây cũng là nhóm khó xác định nhất, dễ nảy sinh hệ lụy, hỗ trợ từ kinh phí của Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và một số địa phương. Người lao động tự do được hưởng chính sách hỗ trợ chủ yếu từ chính quyền cơ sở, phường xã nơi quê quán, song cũng có thể ở nơi lao động làm việc khi có xác nhận chưa nhận hỗ trợ tại quê quán.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng cho rằng, danh sách các đối tượng được thụ hưởng, do UBND các tỉnh, thành phố chịu trách nhiệm chỉ đạo rà soát, xem xét và phê chuẩn danh sách, đảm bảo công khai, minh bạch; tổ dân phố, thôn xóm niêm yết công khai ở xã/phường. Đồng thời quy định rõ trách nhiệm của từng cấp, nhất Chủ tịch UBND các xã là người chịu trách nhiệm toàn diện ở địa bàn; ở công ty, doanh nghiệp, người đứng đầu phải chịu trách nhiệm.

Quá trình triển khai thường xuyên kiểm tra, xử lý ở mức nghiêm minh nhất tất cả vi phạm theo quy định. “Từ Trung ương tới địa phương sẽ thành lập Ban giám sát do lãnh đạo Ủy ban Trung ương MTTQ các cấp làm trưởng ban, cùng các thành phần như Hội cựu chiến binh, hội Nông dân, đại diện đoàn ĐBQH, thành viên một số ngành ở địa phương” – ông Đào Ngọc Dung nhấn mạnh.

Kết luận Hội nghị, Thủ tướng nêu rõ, trong thời điểm hiện nay phải thực hiện tốt Chỉ thị 16, tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội nghiêm túc, tuy nhiên không ngăn sông cấm chợ, không ngăn cản vận chuyển hàng hóa, vật tư, thiết bị, vẫn tổ chức sản xuất nhưng phải bảo đảm khoảng cách để không lây nhiễm trong cộng đồng. Phải tập trung sức lực hơn nữa, tháo gỡ, chấm dứt tình trạng trì trệ, chậm trễ như diễn ra vừa qua ở một số địa phương, một số ngành. Quý I, chúng ta tăng trưởng 3,82% là đáng khích lệ trong bối cảnh suy thoái toàn cầu nhưng đây là mức thấp, nhất là ở một số địa bàn trọng điểm, “chúng ta phải tự suy nghĩ cái này để phấn đấu tốt hơn”. Cho nên, cùng với quyết tâm, chỉ đạo phải cụ thể, sáng tạo hơn trên tinh thần biến nguy cơ thành thời cơ.

Nêu rõ, Chính phủ sẽ trực tiếp giải quyết 91 kiến nghị mà các tỉnh, thành phố nêu ra tại Hội nghị, Thủ tướng lấy ví dụ về vấn đề xuất khẩu gạo của An Giang và khẳng định “sẽ có văn bản trả lời về xuất khẩu gạo”. Xuất khẩu gạo phải được kiểm soát để bảo đảm an ninh lương thực nhưng khuyến khích xuất khẩu để bảo đảm quyền lợi của người nông dân.

Đặc biệt, phải tìm thị trường mới, phải đổi mới cách làm, phải thay đổi thói quen. Phải xử lý nghiêm sự chậm chạp, vô trách nhiệm, từ tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh đến đầu tư, an sinh xã hội, trật tự xã hội.

Thủ tướng lưu ý, phải đẩy mạnh sản xuất, cùng với xuất khẩu, phải chú trọng thị trường trong nước với 100 triệu dân. Bên cạnh sản xuất và lưu thông thuận lợi thì chống đầu cơ, nâng giá, nhất là thịt lợn. Chú ý đẩy mạnh công tác đối ngoại khi năm nay, Việt Nam làm Chủ tịch ASEAN.

Về truyền thông, phải tạo nên động lực mới, tạo sự đồng lòng, nhất trí của nhân dân.

Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì cùng các bộ, ngành khẩn trương xây dựng các kịch bản để phục hồi, đưa nền kinh tế bật dậy nhanh sau dịch, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tuần tới, nhất là địa bàn trọng điểm, ngành trọng điểm phải có trách nhiệm đóng góp vào vấn đề này.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì cùng Văn phòng Chính phủ tổng hợp các khó khăn, vướng mắc, đề xuất, kiến nghị của các địa phương, cộng đồng doanh nghiệp để đưa vào nghị quyết của Chính phủ./.

Hồng Hà (t/h)

Mạng Y Tế
Nguồn: Tổ quốc (http://toquoc.vn/goi-ho-tro-hon-62-ngan-ty-dong-khi-nao-doi-tuong-nao-duoc-nhan-tien-ho-tro-tu-chinh-phu-20200410144100031.htm)

Tin cùng nội dung

  • Theo y học cổ truyền, viêm bàng quang là bệnh chủ yếu do thấp nhiệt uất ở hạ tiêu, bàng quang gây nên. Vì vậy, việc điều trị chủ yếu là thanh nhiệt, lợi thấp, lợi niệu, thông lâm làm chính.
  • Lao là một bệnh truyền nhiễm do trực khuẩn Mycobacterium. Bệnh thường ở phổi, nhưng cũng có thể ở các tạng phủ khác (lao màng não, lao màng phổi, lao màng bụng, màng tim, lao hạch, lao khớp...).
  • Theo Đông y, hạ khô thảo vị đắng, cay, tính hàn, không độc, có tác dụng thanh can hỏa, tán uất kết, tiêu ứ, sáng mắt.
  • Trước đây người ta thường biết đến mề đay như một căn bệnh chỉ gây khó chịu trong cuộc sống hàng ngày mà không nghĩ rằng đôi khi nó cũng có thể gây nguy hiểm đến tính mạng.
  • Ung thư tinh hoàn ảnh hưởng đến chất lượng đời sống cũng như sức khỏe nam giới. Đặc biệt, những đối tượng dưới đây có nguy cơ mắc bệnh cao.
  • Nghiên cứu thuộc trường Đại học McGill ở Montreal, Canada phát hiện một loại phân tử chỉ có ở người và linh trưởng mà một lượng nhỏ phân tử này cũng có thể hỗ trợ điều trị chứng trầm cảm.
  • Khi bị thủy đậu, người bệnh cần được khám, dùng Thuốc và chăm sóc theo đúng hướng dẫn của thầy Thuốc. Bên cạnh đó, có thể áp dụng một số các bài Thuốc Đông y sau có tác dụng hỗ trợ điều trị tốt, giúp người bệnh nhanh khỏi và hồi phục sức khỏe.
  • Cai nghiện Thuốc lá là một quá trình đòi hỏi rất nhiều nỗ lực, ý chí và quyết tâm của bản thân người nghiện cũng như sự ủng hộ của những người xung quanh. Mặc dù không dễ dàng, nhưng nhiều người đã thành công. Bên cạnh những biện pháp giúp khắc phục các triệu chứng khi cai nghiện Thuốc lá, hiện nay, trên thị trường đã xuất hiện những dòng sản phẩm hỗ trợ giúp quá trình cai nghiện trở nên dễ dàng và hiệu quả hơn.
  • Trí nhớ kém là một trong các triệu chứng điển hình thường gặp ở bệnh nhân tâm thần.
  • Viêm bàng quang, niệu đạo là một bệnh lý rất thường gặp với các triệu chứng sốt, đau tức bụng dưới, táo bón, đái dắt, đái khó, đái buốt, đái đục hoặc có mủ,…
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY