Năm 2019, cơ sở sản xuất của anh Trần Đức Thuật (thị xã Duy Tiên) được hỗ trợ 2 máy đục gỗ CNC, thay thế cho 5 - 7 người làm. Anh Thuật cho biết, từ khi có máy móc hiện đại, việc sản xuất đồ mộc thuận tiện hơn, sản phẩm được sản xuất đồng loạt, mẫu mã đồng nhất, giúp anh cắt giảm đáng kể nhân công, chi phí; năng suất lao động tăng lên đáng kể. Hiện, cơ sở của anh đã đáp ứng được những đơn hàng lớn từ 100 – 200 triệu đồng, thu nhập của lao động cũng tăng từ hơn 4 triệu đồng lên 6 – 7 triệu đồng/người/tháng.
Từ nguồn kinh phí khuyến công, các cơ sở CNNT đã đầu tư máy móc, thiết bị tạo ra năng suất cao |
Còn tại Công ty TNHH May và Thương mại Minh Quang (TP. Phủ Lý), từ khi được Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại Hà Nam hỗ trợ đầu tư 4 máy may lập trình có tính năng vượt trội thì năng suất tăng lên rõ rệt. Máy may mới có công suất đạt 200 sản phẩm/giờ, tiết kiệm thời gian. Bề mặt phẳng không làm xước khuôn mẫu, thuận tiện để gấp. Việc đầu tư ứng dụng sản phẩm mới giúp công ty nâng cao tính chủ động trong sản xuất, đáp ứng tốt nhất yêu cầu về số lượng, chất lượng ngày càng cao của khách hàng.
Những năm qua, khuyến công Hà Nam đã thực hiện hiệu quả nội dung hỗ trợ ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến vào sản xuất, giúp các cơ sở CNNT mở rộng sản xuất, gia tăng sức cạnh tranh trên thị trường. Giai đoạn 2018 – 2019, chương trình hỗ trợ được thực hiện trong các lĩnh vực: May mặc, đồ gỗ mỹ nghệ, hàng thêu ren xuất khẩu... Đã có 20 cơ sở CNNT được hỗ trợ từ nguồn kinh phí khuyến công quốc gia và địa phương, với số vốn 4,6 tỷ đồng.
Từ những hỗ trợ thiết thực, các cơ sở CNNT không chỉ nâng cao năng suất, lợi nhuận, mà còn tiếp cận được với thiết bị khoa học tiên tiến để có cơ hội mở rộng, phát triển sản xuất; nhất là với những cơ sở có quy mô nhỏ lẻ, kinh phí khó khăn.
Sự lớn mạnh của các doanh nghiệp, cở sở CNNT đã và đang góp phần không nhỏ gia tăng giá trị sản xuất công nghiệp và thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội của các địa phương; đồng thời, giải quyết việc làm, đem lại thu nhập ổn định cho nhiều lao động tại chỗ.
Bên cạnh đó, công tác xúc tiến thương mại cũng được Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại Hà Nam chú trọng, tổ chức tham gia và vận động doanh nghiệp, cơ sở CNNT tham gia các hội chợ, triển lãm tại các tỉnh thuộc khu vực Đồng bằng sông Hồng. Đặc biệt, trung tâm phối hợp với các địa phương tổ chức tốt phiên chợ "Đưa hàng Việt về miền núi", triển khai ở những xã vùng sâu, vùng xa, những nơi mà người dân ít có điều kiện được tiếp cận với hàng hóa chất lượng cao do doanh nghiệp trong nước sản xuất. Từ những chương trình đó, các mặt hàng, sản phẩm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp của địa phương đã được quảng bá sâu rộng, kết nối cung – cầu giữa nhà phân phối và người tiêu dùng.
Năm 2020, khuyến công Hà Nam tiếp tục hỗ trợ ứng dụng máy móc tiên tiến vào sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở CNNT, làng nghề tham gia hội chợ triển lãm quảng bá thương hiệu, sản phẩm CNNT tiêu biểu của tỉnh, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động lưu thông hàng hóa, thúc đẩy sản xuất phát triển. |