khoảng 3,6 ngàn ha đất nông nghiệp không thể sản xuất trong mùa khô này vì thiếu nước là thông tin được bà nguyễn thị cát tiên, chủ tịch ubnd h.xuân lộc chia sẻ trong buổi làm việc của thường trực tỉnh ủy với huyện mới đây.
Cánh đồng lúa gần UBND xã Xuân Thọ (H.Xuân Lộc) biến thành khu vui chơi, quán nước. Ảnh: H.LỘC |
Kéo theo đó là nguồn lực đất đai bị lãng phí, thu nhập giảm sút, phát triển kinh tế - xã hội bị ảnh hưởng.
Do nguồn nước sản xuất bị thiếu hụt, hàng ngàn ha đất lúa trên địa bàn h.xuân lộc trở thành bãi chăn thả gia súc. đất trồng hoa màu, cây ăn trái bị giảm năng suất.
Bà Lê Thị Cảnh (ngụ xã Xuân Thọ, H.Xuân Lộc) chia sẻ: “Tôi có 0,4ha trồng lúa và vào vụ Đông Xuân phải bỏ trống vì thiếu nước. Tình trạng này đã kéo dài mấy năm nay, do mùa khô ở vùng này, nước ngầm cũng hiếm”.
Ông nguyễn thanh tân, phó chủ tịch hội nông dân xã xuân thọ cho biết, có khoảng 60-70% trong tổng số gần 1,6 ngàn ha đất nông nghiệp của xã đang bị thiếu nước sản xuất vào mùa khô. khu vực bị ảnh hưởng nhiều là vùng trồng tiêu, mít, bơ (ấp thọ lộc, ấp thọ hòa) và cánh đồng xuân thọ diện tích hơn 1,2 ngàn ha gần như bỏ trống.
Theo tính toán của đơn vị tư vấn, để đủ nước tưới cho hơn 3,6 ngàn ha, phải đầu tư 2 trạm bơm điện và hệ thống kênh dẫn. Tổng mức đầu tư hơn 1,1 ngàn tỷ đồng. |
“Xã không có hệ thống thủy lợi. Vào mùa khô, nước ngầm suy giảm, người dân phải chia tưới làm nhiều lần, vừa tốn tiền điện vừa ảnh hưởng đến năng suất cây trồng. Bà con rất trông chờ đường nước qua xã để thuận lợi sản xuất nông nghiệp” - ông Tân chia sẻ.
Cùng có ý kiến về nguồn nước, ông Nguyễn Văn Sơn, Bí thư Đảng ủy xã Xuân Bắc cho rằng, diện tích đất trồng lúa và hoa màu ngày càng giảm hoặc chỉ làm được 1-2 vụ. Trường hợp thiếu nước, người dân chỉ có 2 cách là tiếp tục khoan giếng hoặc chuyển sang trồng cây lâu năm. Theo ông Sơn, giải pháp căn cơ là phải có dự án đưa nguồn nước sông về xã. Điều này không chỉ giải quyết bài toán nước tưới mà còn là cơ sở để đầu tư nhà máy xử lý nước sạch cho người dân.
Trong sản xuất nông nghiệp, nguồn nước là yếu tố quan trọng bậc nhất. thiếu nước khiến đồng ruộng bị bỏ hoang, năng suất cây trồng bị giảm sút. việc khoan giếng lấy nước để sản xuất nông nghiệp chỉ là giải pháp tình thế vì nguồn nước ngầm có hạn. khai thác vượt ngưỡng an toàn sẽ gia tăng hạn hán, gây sụt lún đất.
Trong buổi làm việc của thường trực tỉnh ủy với huyện vào tháng 3 vừa qua, bà nguyễn thị cát tiên, chủ tịch ubnd h.xuân lộc cho biết, hiện nay khu vực 3 xã: xuân bắc, xuân thọ và suối cao có 3,6/15,5 ngàn ha đất nông nghiệp rất khan hiếm nguồn nước, chỉ canh tác được vào mùa mưa, còn mùa khô bỏ trống. việc đầu tư xây dựng hệ thống thủy lợi để phục vụ sản xuất nông nghiệp rất cần thiết và cấp bách.
Trước đây, khu vực này đã được đề xuất dự án Trạm bơm La Ngà phục vụ tưới và cấp nước sinh hoạt cho người dân nhưng đến nay, Bộ NN-PTNT vẫn chưa đầu tư dự án. Do đó, huyện kiến nghị tỉnh xem xét triển khai dự án từ nguồn ngân sách của tỉnh. Trước mắt, giai đoạn đầu thực hiện đồng thời 2 trạm bơm điện và hệ thống kênh tưới để phục vụ sản xuất nông nghiệp.
Liên quan đến dự án này, Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi cho rằng, khó trông chờ nguồn vốn trung ương do Bộ NN-PTNT chưa ghi dự án vào kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025. Theo ý kiến của Bộ thì dự án có vốn đầu tư lớn, suất đầu tư tương đương 328 triệu đồng/ha là rất cao.
“Việc trông chờ nguồn vốn từ trung ương là không khả thi. Tỉnh có chủ trương đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách. Tuy nhiên, do dự án có vốn lớn nên phải cân nhắc, tính toán, chia nhỏ thực hiện theo hướng khu vực nào dễ làm trước, sau đó mở rộng. Trách nhiệm của huyện là phải tổ chức lại sản xuất, chuyển đổi cây trồng, ứng dụng công nghệ và hình thành chuỗi liên kết để phát huy hiệu quả kinh tế của dự án, tránh lãng phí nguồn lực đầu tư” - Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi nhấn mạnh.
Theo Phòng NN-PTNT H.Xuân Lộc, hiện khu vực 3 xã nói trên có nhiều diện tích cây trồng cho hiệu quả kinh tế thấp là điều, tràm, mía. Nếu có hệ thống thủy lợi, dự kiến người dân sẽ chuyển đổi khoảng 1,5 ngàn cây lâu năm sang các loại cây ăn trái như: thanh long, bưởi, cam quýt, xoài, sầu riêng… Ngoài ra, quỹ đất cây trồng hàng năm, nếu có nước sẽ trồng những cây hiệu quả kinh tế cao. Khi đó, nguồn lực đất đai không bị lãng phí, giá trị sử dụng đất tăng.