Tâm sự hôm nay

Thực trạng các khu công nghiệp: Cũ chưa đầy, mới vẫn mở

Hiện nay, tình trạng lấy đất nông nghiệp để làm khu công nghiệp (KCN), khu chế xuất (KCX), khu vui chơi giải trí khá phổ biến làm cho diện tích đất nông nghiệp của nước ta vốn đã ít lại ngày càng bị thu hẹp dần
Hiện nay, tình trạng lấy đất nông nghiệp để làm công nghiệp">khu công nghiệp (KCN), khu chế xuất (KCX), khu vui chơi giải trí khá phổ biến làm cho diện tích đất nông nghiệp của nước ta vốn đã ít lại ngày càng bị thu hẹp dần, người nông dân mất đất dẫn đến nhiều hệ lụy tiêu cực như vấn đề an ninh lương thực, nghèo đói của một bộ phận người dân do không còn tư liệu sản xuất, trong khi đó tỷ lệ lấp đầy của các KCN vẫn còn thấp...

Tỷ lệ bỏ trống còn nhiều

Lý do thu hồi đất, lấy đất nông nghiệp để xây KCN mà chính quyền một số địa phương đưa ra là nhằm phát triển công nghiệp, đẩy nhanh tăng trưởng kinh tế địa phương, tăng thu ngân sách, góp phần xóa đói, giảm nghèo, tạo công ăn, việc làm và phục vụ tốt hơn yêu cầu cuộc sống của người dân địa phương... Tuy nhiên, mục tiêu này đôi khi có tác dụng ngược lại, đó là làm cho một số ít cá nhân, doanh nghiệp giàu lên, thu ngân sách địa phương không những không tăng mà ngân sách phải bỏ ra số tiền tương đối lớn để khắc phục ô nhiễm môi trường do các KCN thải ra, ảnh hưởng đến cuộc sống người dân địa phương, làm cho cuộc sống người dân đã khó khăn càng khó khăn thêm. Trong bài viết này, chúng tôi chỉ đề cập đến những bất cập trong việc sử dụng đất tại các KCN.

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư thì tỷ lệ lấp đầy các KCN chỉ mới đạt khoảng 65%, nhiều địa phương còn đạt thấp hơn khoảng 20-40% đã bắt đầu tính đến chuyện mở rộng hoặc xây dựng mới các KCN, KCX. Đây là một vấn đề hết sức nghịch lý, trong khi diện tích đất ngày càng bị thu hẹp, thậm chí nhiều nơi thu hồi đất nông nghiệp “bờ xôi, ruộng mật” của người dân để làm KCN. Câu hỏi đặt ra ở đây là tại sao trong khi các KCN chưa lấp đầy thì các địa phương lại vội vã xúc tiến thành lập thêm các KCN mới? Chắc chắn sẽ có nhiều uẩn khúc, trong đó có nguyên nhân liên quan đến việc thu hồi đất của người dân.

Minh chứng là nhiều chủ đầu tư lập dự án, xin cấp đất xây KCN, thành lập doanh nghiệp sau khi được phê duyệt và được sự tiếp tay của một số cán bộ thoái hóa, biến chất ở các cơ quan có thẩm quyền nên xin chuyển đổi mục đích xây dựng khu chung cư, phân lô bán nền hoặc dùng vào mục đích khác để trục lợi... Lý do mà họ đưa ra thì rất nhiều, lý do nào cũng hợp lý, nào là làm ăn thua lỗ, vị trí xây dựng KCN hiện không còn hợp lý nữa, người dân cần nhà ở đất ở, với phương châm thu hồi bồi thường 1 bán đấu giá lấy tiền 10. Nếu không được chấp nhận là họ bỏ hoang, còn người dân bị thu hồi đất không có đất ở, đất sản xuất.

Không thể “đua” xây KCN

Về vấn đề này, vừa qua tại cuộc họp bàn với Ban Chỉ đạo phát triển các KCN, khu kinh tế (KKT), Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải ghi nhận những đóng góp của các KCN, KKT cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Tuy nhiên, so với mục tiêu mong muốn, hoạt động của các KCN, KCX cũng như các dự án đầu tư vẫn còn nhiều tiềm năng, tỷ lệ lấp đầy trung bình đạt 65% diện tích cần nhanh chóng thúc đẩy mạnh hơn nữa.

Cũng tại cuộc họp này, Phó Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch - Đầu tư tập trung cùng các địa phương tiếp tục thực hiện việc rà soát, điều chỉnh các quy hoạch để báo cáo Chính phủ. “Tinh thần là kiên quyết cắt giảm những diện tích, loại bỏ các KCN không hiệu quả, không thu hút được dự án, đồng thời thực hiện nghiêm việc đưa dự án đầu tư vào khu vực đã xây dựng cơ sở hạ tầng”.

Được biết, trong tổng số 14 KCN trên cả nước thuộc nhóm có tỷ lệ lấp đầy thấp, chưa đền bù, giải phóng mặt bằng và chưa đầu tư xây dựng hạ tầng, đã có 5 KCN được điều chỉnh giảm diện tích quy hoạch, chuyển đổi chủ đầu tư, chuyển đổi mục đích sử dụng đất, gồm KCN Quang Minh II (Hà Nội), KCN Phong Phú (TP. Hồ Chí Minh),... Hai KCN Bá Thiện và Bình Xuyên II của Vĩnh Phúc bị thu hồi GCNÐT, triển khai thu hồi và điều chỉnh giảm quy mô hàng trăm héc-ta. Cụ thể, tỉnh Vĩnh Phúc đã chính thức thu hồi toàn bộ 327 héc-ta đất của KCN Bá Thiện từ Compal và giao cho Ban Quản lý các KCN tỉnh làm chủ đầu tư, hoàn thiện hạ tầng KCN Bá Thiện giai đoạn 1 (diện tích khoảng 54 héc-ta).

Thiết nghĩ, để bảo vệ diện tích đất đang có nguy cơ bị thu hẹp để xây KCN, các cơ quan có thẩm quyền cần quy định các địa phương hoặc trong một vùng kinh tế đã được phê duyệt phải lấp đầy hết các KCN thì mới cho xây dựng mới, có thể quy định phải đạt trên 80%. Đồng thời có chính sách khuyến khích các tỉnh gần nhau liên thông phát triển KCN, không nhất thiết tỉnh này có tỉnh kia phải có. Bởi vì tài nguyên đất đai là vô giá, có ý nghĩa sống còn đối với bất kỳ quốc gia nào. Do vậy, quy định chặt chẽ trong việc sử dụng đất ở các KCN càng tiết kiệm thì hiệu quả kinh tế - xã hội càng tăng, góp phần đảm bảo an ninh lương thực và trật tự an toàn xã hội, thúc đẩy phát triển toàn diện đất nước.

Phạm Văn Chung

Mạng Y Tế
Nguồn: Nguồn Internet (news-thuc-trang-cac-khu-cong-nghiep-cu-chua-day-moi-van-mo-16148.html)

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY