Tâm sự hôm nay

Sắp xây dựng Nhà máy khai thác nước mặt sông Hồng: Hà Nội sẽ không thiếu nước sạch?

Trước tình trạng phụ thuộc vào đường ống nước sông Đà, nguồn cung cấp nước chính cho nhiều quận Hà Nội...
Trước tình trạng phụ thuộc vào đường ống nước sông Đà, nguồn cung cấp nước chính cho nhiều quận Hà Nội, nhưng lại liên tiếp vỡ 15 lần khiến hàng nghìn hộ dân lao đao, các bệnh viện cũng bị xáo trộn, thành phố Hà Nội đã sẵn sàng kế hoạch đầu tư xây dựng nhà máy nước mặt sông Hồng, hạn chế những tồn tại hiện nay. Đây là thông tin đang rất được người dân chờ đợi...

Đảm bảo nước sạch theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế

Trao đổi với phóng viên, ông Lê Văn Dục - Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, nhà máy sẽ được xây tại xã Liên Hồng, huyện Đan Phượng, tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 3.700 tỷ đồng từ nguồn vốn tự có của doanh nghiệp, vốn vay và huy động hợp pháp. Dự án được khởi công quý I/2016 và hoàn thành vào cuối năm 2020. Khi hoàn thành dự án sẽ cung cấp nước cho khu vực phía Nam sông Hồng, gồm: đô thị trung tâm Hà Nội (các quận nội thành) và khu vực chưa có hệ thống cấp nước thuộc phía Tây đường vành đai 3, phía Bắc Quốc lộ 32, thuộc quận Bắc Từ Liêm, huyện Đan Phượng và hỗ trợ cấp nước cho huyện Hoài Đức.

Cũng theo ông Lê Văn Dục, toàn bộ quy trình chuẩn bị đầu tư và triển khai dự án sẽ được giám sát chặt chẽ. Với công nghệ xử lý nước thô được xử lý qua 6 bước gồm: sơ lắng cặn thô - keo tụ - trộn phản ứng - lắng ngang - lọc nhanh - lọc hữu cơ (than hoạt tính) - khử khuẩn - bể chứa nước sạch. Đây là quy trình công nghệ xử lý nước truyền thống với dây chuyền sản xuất hiện đại, công nghệ ổn định, tin cậy và phù hợp để xử lý nước có dao động lớn về độ đục. Nước sản xuất đến tay người tiêu dùng sẽ đạt quy chuẩn theo quy định của Bộ Y tế. Sau khi nhà máy hoàn thành, tình trạng thiếu nước sạch đầu mùa hè, mất nước cục bộ khi có sự cố đường ống nước cũng sẽ được khắc phục.

Ông Dục cho biết thêm, cùng với việc xây dựng nhà máy nước mặt sông Hồng này, thành phố đang nâng công suất, sản lượng của Nhà máy nước Bắc Thăng Long - Vân Trì (Đông Anh) thêm khoảng 30.000m3/ngày đêm, dự kiến khoảng tháng 3/2016 sẽ hoàn thành, đưa vào khai thác. Nhà máy này cung cấp lượng nước cấp bù cho sản lượng mà Công ty Nước sạch Hà Nội còn thiếu, cung ứng cho địa bàn Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng và khu vực nội thành. Tiếp đó, thành phố tiếp tục bổ sung nguồn nước ngầm, khoan thêm giếng, tăng sản lượng các nhà máy hiện có. Như vậy sẽ giải quyết căn bản tình trạng khan hiếm nước sạch cho người dân Thủ đô như những năm trước đây.

Quy trình kỹ thuật đảm bảo chặt chẽ

Theo đánh giá của Sở Xây dựng, việc khai thác nước ngầm tại Hà Nội được dự báo đã “tới hạn” của cả 3 tiêu chí là ô nhiễm, cạn kiện và sụt lút. Do vậy, thành phố đã và đang lên kế hoạch tăng cường khai thác nước mặt thay thế nước ngầm. Hiện nay trong tổng số 900.000m3 nước sạch/ngày đêm cung cấp cho toàn thành phố thì nước ngầm là 600.000m3, nước mặt là 300.000m3. Tới đây, Hà Nội sẽ dần dần nâng mức nước mặt lên đến 600.000m3 và giảm việc khai thác nước ngầm xuống với tỷ lệ tương ứng.

Việc xây dựng nhà máy khai thác nước mặt sông Hồng sẽ phân thành hai giai đoạn. Giai đoạn 1 từ 2015-2018 xây dựng lắp đặt thiết bị đạt công suất cấp nước 150.000m3/ngày đêm; giai đoạn 2 đến năm 2020 xây dựng, lắp đặt thiết bị nâng công suất cấp nước lên 300.000m3/ngày đêm.

Rút kinh nghiệm từ các sự cố vỡ đường ống nước sông Đà, ông Lê Văn Dục cho biết, theo quy định mới, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ giám sát chặt chẽ suốt quá trình đầu tư cho tới khi hoàn thành dự án chứ không “thả rông” như các dự án trước đây. “Chúng tôi đã yêu cầu chủ đầu tư trong suốt từ quá trình đầu tư, thiết kế kỹ thuật đều được cơ quan có thẩm quyền của Nhà nước phê duyệt. Ngày xưa, chủ đầu tư được phê duyệt hết, cơ quan nhà nước có thẩm quyền chỉ thẩm định, thẩm tra. Về chất liệu đường ống, mạng lưới tuyến ống, Giám đốc Sở Xây dựng khẳng định sẽ dùng đường ống bằng gang dẻo, chỉ chôn đủ tải (1,5m) chứ không phải chôn sâu 6m như đường nước sông Đà nên khi vỡ ống chữa rất nhanh, ông Dục nói.

Trước đó, để giải quyết tình trạng phụ thuộc đường ống nước sông Đà cũ liên tục bị vỡ, ngày 7/10, thành phố đã gấp rút khởi công tuyến ống cấp nước sông Đà số 2, truyền dẫn từ Quốc lộ 21 về đường vành đai 3 để ứng cứu cho tuyến số 1 sông Đà. Mong rằng với các giải pháp tổng thể của thành phố, người dân Thủ đô sẽ không còn nơm nớp lo “vỡ ống” như hiện nay.

Trần Lâm

Mạng Y Tế
Nguồn: Nguồn Internet (news-sap-xay-dung-nha-may-khai-thac-nuoc-mat-song-hong-ha-noi-se-khong-thieu-nuoc-sach-20151.html)

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY