Kinh tế xã hội hôm nay

Hà Nội triển khai giai đoạn 2 đục thông vòm cầu Phùng Hưng, mở rộng không gian phố cổ

MangYTe - Tiếp tục dự án mở rộng không gian phố cổ Hà Nội, cơ quan chức năng tiến hành triển khai giai đoạn 2 thí điểm đục thông vòm cầu Phùng Hưng.

Ngày 26/5, Đường sắt Việt Nam chấp thuận mở điểm thi công xây dựng Công trình cải tạo thí điểm 5 ô vòm đá từ số 79 đến 83 đoạn đường dẫn phía Nam cầu Long Biên.

Rào chắn trên phố gầm cầu đoạn từ Hàng Lược sang Hàng Giấy dài 35m, rộng 1,4m được rào bằng hàng rào tôn cao 2m.

Dự kiến, việc đục thông vòm cầu số 79 sẽ được thực hiện trong khoảng 20 ngày, với sự giám sát của các chuyên gia Cục Đường sắt Việt Nam nhằm bảo đảm an toàn tuyệt đối cho công trình cầu đường sắt, an toàn giao thông vận tải đường sắt.

Vòm cầu số 93 đục thông thí điểm thành công.

Cục Đường sắt yêu cầu mỗi đợt chỉ được tiến hành thi công từng vòm, tổ chức kiểm tra, theo dõi đảm bảo an toàn trong quá trình thi công.

Trong lúc thi công, đơn vị thi công sẽ kết hợp xử lý hạng mục thoát nước, chống thấm vòm đá xây cũ, sửa chữa một số hư hỏng phát sinh nếu có khi đục thông vòm, hoàn thiện mặt ngoài vòm đá sau khi đục thông và gia cố.

Trước đó, khu vực vòm cầu đá Phùng Hưng có 131 vòm cầu dẫn đường sắt và có tới 127 vòm cầu được bịt kín do yêu cầu đảm bảo an ninh.

Các vòm cầu này là trụ đỡ cho tuyến đường sắt (do hai hãng Daydé và Pillé - Pháp xây dựng từ 1898-1902) về ga Long Biên (có thời gian dài còn gọi là ga Đầu Cầu).

Quanh các khu vòm cầu là nơi người dân tập kết hàng hóa buôn bán chủ yếu là giày dép, điểm khai thác trông giữ xe. Nơi đây cũng được dân du lịch đánh giá là một trong những phố ẩm thực nổi tiếng của Hà Nội.

Anh Nguyễn Tuấn Anh (15 Hàng Cót - Hoàn Kiếm) chia sẻ: "Việc mở rộng thêm 5 vòm cầu đá này nhận được đa số sự ủng hộ của người dân trong khu vực vì sẽ giúp người dân Thủ đô có thêm không gian vui chơi. Dự kiến sẽ có phố đi bộ tiếp theo xuất hiện, tăng kết nối với các tuyến phố di sản ở phố cổ và đặc biệt là khu vực bích họa Phùng Hưng hiện nay".

Từng chia sẻ với Báo Gia đình & Xã hội, ông Ðặng Ðình Bằng - Phó Trưởng ban thường trực Ban Quản lý phố cổ Hà Nội cho biết: "Thực chất việc đập thông các vòm cầu là trả lại nguyên hiện trạng của cầu mà trước đây chúng ta đã bịt kín lại từ những năm 1980".

Theo UBND TP Hà Nội, mục tiêu của việc đục thông vòm cầu cạn nhằm phát huy giá trị di sản đô thị, khai thác không gian trống khu vực nội đô lịch sử theo đúng mục tiêu quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đã phê duyệt. Dự án của thành phố còn nhằm bảo tồn và phát huy giá trị di sản đô thị của một số vòm đá dưới cầu dẫn lên cầu Long Biên trở thành không gian công cộng, phục vụ cho cộng đồng về văn hóa, du lịch của Thủ đô. Những vòm cầu cạn từ Phùng Hưng tới ga Long Biên được tạo thành từ các trụ móng cầu cạn đường sắt do người Pháp xây dựng bằng đá hộc vào hơn 100 năm trước. Hiện tại, ngoài 4 vòm cầu vẫn được giữ làm đường giao thông, 127 vòm còn lại đã bị bịt kín bằng đá hộc, xi măng từ thập niên 1980.

Phạm Hà - Lan Hương

Báo Gia đình và Xã hội cập nhật tin tức trong ngày liên tục, mới nhất

Mạng Y Tế
Nguồn: Gia đình (http://giadinh.net.vn/xa-hoi/ha-noi-trien-khai-giai-doan-2-duc-thong-vom-cau-phung-hung-mo-rong-khong-gian-pho-co-2020071317203828.htm)

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY