Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, ông Phạm Thanh Hải, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Hải Dương cho biết, để chủ động nguồn cung hàng hóa thiết yếu phòng khi dịch bệnh gia tăng, Sở đã tổ chức đoàn công tác làm việc tại một số doanh nghiệp, cơ sở chuyên doanh theo từng ngành hàng; ký biên bản làm việc với cam kết của từng đơn vị; trong đó các doanh nghiệp, hộ kinh doanh cam kết sẵn sàng tăng năng lực sản xuất, kinh doanh từ 50%-100% khi có yêu cầu phòng, chống dịch bệnh, đồng thời sẵn sàng giảm lượng hàng bán ra cho khách hàng thường xuyên để ưu tiên cung ứng hàng vào các địa bàn bị cách ly theo yêu cầu.
Cụ thể, đối với mặt hàng gạo, hiện có 3 đơn vị chuyên doanh đã ký cam kết với Sở Công Thương sẵn sàng tham gia cung ứng khi có yêu cầu, đáp ứng đủ lượng hàng trong mọi tình huống. Lượng hàng các đơn vị dự trữ thường xuyên để đảm bảo lưu thông khoảng 450 tấn. Khi dịch bệnh bùng phát có thể huy động về kho hàng (sau 10 ngày) đạt 1.000 tấn.
Về mặt hàng thịt lợn, hiện có 3 đơn vị chuyên doanh ký cam kết với Sở Công Thương, với lượng hàng các đơn vị lưu chuyển thường xuyên khoảng 7.700 kg/ngày. Khi dịch bệnh bùng phát có thể tăng năng lực cung ứng 15-17 tấn/ngày. Như vậy trong 14 ngày, 3 đơn vị có thể cung ứng tối đa khoảng 220 tấn thịt lợn - sẵn sàng đáp ứng trong kịch bản ứng phó với dịch bệnh từ cấp độ 1 đến cấp độ 5.
Hải Dương đảm bảo nguồn hàng phong phú, đa dạng, giá cả cơ bản ổn định |
Còn mặt hàng thịt gà, hiện có 1 đơn vị chuyên doanh ký cam kết với Sở Công Thương sẵn sàng tham gia cung ứng khi có yêu cầu. Lượng hàng đơn vị lưu chuyển thường xuyên khoảng 6.000 kg thịt/ngày. Khi dịch bệnh bùng phát đơn vị này có thể cung ứng 10 tấn thịt/ngày. Như vậy trong 14 ngày, riêng đơn vị này có thể cung ứng tối đa khoảng 140 tấn thịt gà.
Tương tự, mặt hàng rau, củ, quả các loại, hiện có 2 đơn vị chuyên doanh ký cam kết với Sở Công Thương, với lượng hàng 2 đơn vị lưu chuyển thường xuyên khoảng 55 tấn/ngày. Khi dịch bệnh bùng phát có thể cung ứng 110 tấn/ngày. Như vậy trong 14 ngày, 02 đơn vị có thể cung ứng tối đa khoảng 1.540 tấn rau các loại.
Đối với mặt hàng thủy sản, hiện có 1 đơn vị chuyên doanh (cá lồng) ký cam kết với Sở Công Thương sẵn sàng tham gia cung ứng khi có yêu cầu. Lượng hàng đơn vị dự trữ thường xuyên để đảm bảo lưu thông khoảng 50 tấn. Khi dịch bệnh bùng phát có thể huy động lượng hàng đạt 200 tấn. Mặt hàng trứng, hiện có 1 đơn vị chuyên doanh ký cam kết với Sở Công Thương sẵn sàng tham gia cung ứng khi có yêu cầu. Lượng hàng đơn vị lưu chuyển thường xuyên khoảng 600-700 quả/ngày. Khi dịch bệnh bùng phát có thể cung ứng 10.000 quả trứng/ngày...
Bên cạnh đó, đối với nhóm hàng thiết yếu khác như: Mỳ tôm, muối, dầu ăn, nước đóng chai, nước mắm, nước sát khuẩn, khẩu trang, giấy vệ sinh..., hiện có 3 đơn vị chuyên doanh theo mô hình siêu thị gồm: Công ty TNHH EB (Big C Hải Dương), Chi nhánh Công ty CP Intimex Việt Nam tại Hải Dương, Công ty TNHH Đầu tư và Dịch vụ Lan Chi - Chi nhánh Hải Dương (Lan Chi Mart Chí Linh và Lan Chi Mart Kinh Môn) đã ký cam kết với Sở Công Thương sẵn sàng tham gia cung ứng khi có yêu cầu.
Lượng hàng các đơn vị này dự trữ thường xuyên để đảm bảo lưu thông luôn sẵn sàng đáp ứng đủ trong các tình huống kịch bản từ cấp độ 1 đến cấp độ 4. Các doanh nghiệp cam kết sẵn sàng tăng năng lực kinh doanh từ 35% - 100% khi có yêu cầu phòng chống dịch bệnh, lượng hàng có thể huy động đầy đủ về kho hàng của doanh nghiệp chỉ trong thời gian từ 2-3 ngày.
Ông Phạm Thanh Hải nhấn mạnh, tại thời điểm hiện nay, lượng hàng hóa thiết yếu về cơ bản luôn sẵn sàng đáp ứng nhu cầu tiêu dùng khi có yêu cầu cách ly ở các tình huống kịch bản theo các cấp độ, các doanh nghiệp, hộ kinh doanh lưu chuyển thường xuyên và dự trữ để duy trì lưu thông. Ngoài ra, nhiều sản phẩm nông sản, thực phẩm sản xuất tại Hải Dương còn cung ứng ra các tỉnh ngoài, nhất là thủ đô Hà Nội, thành phố Hải Phòng, tỉnh Quảng Ninh.
Lãnh đạo Sở Công Thương Hải Dương cũng cho hay, trong trường hợp dịch bệnh diễn biến phức tạp theo chiều hướng xấu (có thể cao hơn cả cấp độ 5), khi đó một số nhóm, mặt hàng sẽ cần bổ sung thêm nguồn cung..., Sở Công Thương sẽ báo cáo các cấp có thẩm quyền can thiệp hỗ trợ vốn vay với lãi suất ưu đãi (0%) cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh để chuẩn bị đủ nguồn hàng theo yêu cầu.
Đồng thời, đề nghị Bộ Công Thương tham mưu Chính phủ và phối hợp với các cơ quan có liên quan ở Trung ương đẩy mạnh tuyên truyền giúp ổn định tâm lý người dân, nhằm định hướng người dân không mua gom, tích trữ hàng hóa tránh gây hiện tượng thiếu hàng, tăng giá cục bộ trong ngắn hạn. “Trường hợp dịch bệnh kéo dài, đề nghị Bộ Công Thương kiến nghị Chính phủ có cơ chế hỗ trợ nguồn vốn với lãi suất ưu đãi để các doanh nghiệp đảm bảo lượng hàng hóa dự trữ lưu thông sẵn sàng phục vụ nhu cầu nhân dân phòng chống dịch bệnh” - ông Phạm Thanh Hải chia sẻ.
Chủ đề liên quan:
a dịch Covid 19 cung ứng đủ hàng hóa hải dương hàng hóa năng lực ng Thương Hải Dương sẵn sàng sản xuất