Tâm sự hôm nay

Tràn lan hàng Trung Quốc “mác” Việt Nam: Mối lo lớn cho sản xuất trong nước

Có một thực trạng đang thu hút sự chú ý của người dân trong thời gian gần đây, đó là sự tràn lan các loại hàng hoá tiêu dùng, gia công chất lượng kém có xuất xứ từ Trung Quốc
Có một thực trạng đang thu hút sự chú ý của người dân trong thời gian gần đây, đó là sự tràn lan các loại hàng hoá tiêu dùng, gia công chất lượng kém có xuất xứ từ Trung Quốc được “đội lốt” thành hàng “Made in Vietnam” để qua mặt khách hàng. Điều này không chỉ gây thiệt hại cho bản thân khách hàng, mà lớn hơn, còn gây thiệt hại cho sản xuất trong nước, ảnh hưởng lớn tới hình ảnh các doanh nghiệp Việt nói chung. Sự bất công thể hiện rõ ở chỗ để có chút tiếng tăm, hình ảnh, các nhà sản xuất phải kỳ công gây dựng trong khi những “nhà sản xuất” khác chỉ việc ngồi… đính mác.

Hàng Việt Nam chất lượng cao từ… Trung Quốc

Đầu tháng 3/2015, Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) TP.HCM phát hiện lô hàng hơn 3.000 sản phẩm gồm các loại quần áo, giày, ví da, thiết bị di động... mang các thương hiệu ngoại như Nike, Gucci, Versace đựng trong các bao lớn. Trong đó, khoảng 1.500 đôi giày hiệu Nike có tem nhãn ghi rõ được sản xuất tại Việt Nam.

Tương tự, một lô hàng lớn gồm 4 xe tải bị Ban chỉ đạo phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban chỉ đạo 389 Quốc gia) kiểm tra khi đang chuyển hàng từ biên giới phía Bắc vào tiêu thụ. Hàng hóa trên xe ước tính khoảng 100 tấn gồm nhiều chủng loại như: quần áo, phụ tùng xe máy, xe đạp điện, hàng điện gia dụng… Toàn bộ hàng hóa có xuất xứ từ Trung Quốc nhưng nhiều sản phẩm gắn mác sản xuất tại Việt Nam.

Thậm chí các sản phẩm gia dụng còn ghi rõ sản xuất tại Hà Đông, Hà Nội với hạn bảo hành 1 năm, có chứng nhận hợp quy chuẩn, hàng... Việt Nam chất lượng cao (?).

Việc đính mác Việt cho hàng Tàu còn diễn ra ngay trong nước. Mới đây, Chi cục QLTT TP.HCM thu giữ hàng ngàn tem nhãn sản phẩm mang các thương hiệu ngoại, Việt Nam được các tiểu thương tại chợ Tân Bình (quận Tân Bình) dùng để gắn cho các sản phẩm giả mạo. Theo đại diện Chi cục QLTT TP.HCM, các mặt hàng giả mạo xuất xứ Việt từ nước ngoài chủ yếu được nhập lậu vào trong nước. Các chủ hàng chấp nhận bỏ hàng hóa vi phạm. Tất cả sản phẩm vi phạm loại này đều bị tịch thu, tiêu hủy.

Đính mác dễ như trở bàn tay

Dễ nhận thấy một điều rằng các mặt hàng “Made in Vietnam” bán trên thị trường hiện nay đều xuất phát từ lý do các doanh nghiệp đi gia công sản phẩm cho các hãng nước ngoài. Chính vì thế, người ta sẽ thấy những chiếc áo, quần thương hiệu Zara, Levis… vẫn “made in Vietnam”. Nếu là hàng “chuẩn” thì chất lượng tất nhiên vẫn được kiểm soát nghiêm ngặt bởi các hãng quốc tế, nhưng lợi dụng điều này, nhiều cơ sở, thậm chí cá nhân nhỏ lẻ tự sang Trung Quốc đặt hàng, mẫu mã theo ý mình rồi mang về đính “Made in Vietnam” để trộn lẫn hàng của hãng nổi tiếng. Tất nhiên, giá sản phẩm rẻ hơn nhiều và dễ qua mặt khách hàng, đây là một trong những chiêu “sản xuất” phổ biến nhất hiện nay, đang góp phần làm rối ren thị trường.

Chị Hà Thị T, chủ một đầu mối hàng “Made in Vietnam” thừa nhận: “Chắc chắn hàng Việt Nam “xịn” được các hãng tên tuổi đặt sẽ bền, đẹp hơn nhiều hàng Tàu vì được quản lý chất lượng chặt chẽ và giá cả đương nhiên cao hơn. Tuy nhiên, nguồn hàng này rất ít do chỉ có hàng lỗi mốt hoặc sai sót kỹ thuật được trả về hoặc tồn đọng lại mới được xuất bán ở thị trường Việt Nam, ngoài ra, nhiều chủ hàng cứ thích rẻ thì đành phải dùng chiêu trộn lẫn hàng ngoài đính mác thôi. Ví dụ cùng cái quần Zara, Mango “Made in Vietnam” do hãng đặt có giá hàng triệu đồng thì hàng Zara Tàu chỉ bán ra 400.000 đồng là chủ hàng đã có lãi. Nhưng không có mác “Made in Vietnam” mà có chữ Trung Quốc thì người ta không chịu mua”.

Việc gắn mác cho sản phẩm thì không gì đơn giản hơn, người ta chỉ việc mua mác bán sẵn hoặc tự thiết kế rồi về đính lên là xong. Mác rởm bán đầy trên những phố chuyên phụ kiện như phố Hàng Bồ, quận Hoàn Kiếm.

Người bán chỉ việc đặt các mác, tag có logo Zara, Bebe, Mango, F21, H&M đem về khâu, đính lên quần áo là có hàng “Made in Vietnam”. Các loại nhãn mác này thường được bán với giá 400 - 500 đồng/chiếc. Nhiều chủ cơ sở sản xuất nhãn mác tại Hà Đông, Cổ Nhuế (Hà Nội) cũng nhận đơn đặt hàng từ 200 chiếc trở lên với giá chỉ từ 40.000 - 50.000 đồng/200 chiếc mác theo ý khách đặt.

Nhiều doanh nghiệp đang tự hại mình

ThS. Bùi Ngọc Sơn - Trưởng phòng Kinh tế Quốc tế, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính trị thế giới nhận định: “Chi phí sản xuất của các doanh nghiệp Trung Quốc vốn đã quá rẻ so với Việt Nam. Trong khi đó, họ sản xuất những mặt hàng tương đồng với những nhu cầu của chúng ta, giao thông thì thuận tiện mà văn hóa cũng có nhiều điểm giống nhau. Từ những điểm thuận lợi này nên khó mà ngăn được dòng hàng hóa “chảy về”. Đó là chưa nói đến việc quản lý của chúng ta còn lỏng lẻo, thậm chí có cả tham nhũng trong đó”.

Trong khi đó, theo một nghiên cứu của Trung tâm WTO, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Việt Nam hiện có 62 cửa khẩu trên biên giới đường bộ, sông, biển, trong đó có 29 cửa khẩu biên giới với Trung Quốc (tại 7 tỉnh miền núi biên giới phía Bắc). Ngoài ra, chúng ta có trên 43 cửa khẩu phụ, trên 160 đường mòn, lối mở, trong đó 30% là giữa Việt Nam và Trung Quốc. Do đó, việc kiểm soát thương mại xuất nhập khẩu qua tất cả các cửa khẩu chính-phụ, lối mở này là một thách thức rất lớn đối với các cơ quan quản lý.

Vì vậy, trong các chính sách kinh tế phải tạo ra được môi trường kinh tế về cơ bản để người ta thấy buôn lậu là rất khó và lợi nhuận không đủ chi phí. Khi đó, họ sẽ không thấy thỏa mãn và chắc chắn sẽ hạn chế được việc buôn lậu.

Còn một khi chúng ta để tạo ra chênh lệch về chi phí thì không có bộ máy nào có thể mọc ra để ngăn được việc buôn lậu với quy mô khổng lồ với tất cả các loại hàng hóa như hiện nay.

Tình trạng hàng trung quốc mác Việt Nam còn cho thấy một điều đáng buồn nữa, đó là chúng ta chưa có một thương hiệu đủ mạnh để có thể sản xuất toàn bộ, mà phần lớn toàn thị trường tập trung gia công phần cuối nên sự nhập nhằng nhãn mác là không thể tránh khỏi. Về lâu dài, việc nhiều doanh nghiệp đua nhau tận dụng cái sự khôn lỏi để làm lợi trước mắt đang tự hại chính mình và cả nhà sản xuất chân chính. Bởi khi niềm tin bị mất đi, người tiêu dùng không còn ủng hộ tiêu thụ sản phẩm thì doanh nghiệp chỉ còn đường ch*t.

Hoàng Lê

Mạng Y Tế
Nguồn: Nguồn Internet (news-tran-lan-hang-trung-quoc-mac-viet-nam-moi-lo-lon-cho-san-xuat-trong-nuoc-6038.html)
Từ khóa: hàng trung quốc

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY