Tâm linh hôm nay

Hạt giống nảy mầm thiền (P.4)

Điều quan trọng nhất trong bài thực tập này là Bạn làm quen với hơi thở của Bạn, cảm nhận được chính xác hơi thở vào đến đâu, ra đến đâu. Thân và ý của Bạn phải cùng là một, cùng có mặt ngay tại giây phút hiện tại.

Thực tập Thiền


Con đường Bạn đang đi, đi từ trang thứ nhất đến trang này. Đây là con đường sự thật được thắp sáng bởi các ngọn đuốc. Bạn đi đến đâu, sự thật đi đến đó, các ngọn đuốc đang có mặt ở đó. Mức độ mờ nhạt, sáng tỏ, u mờ,... là do Bạn.


Sự gắn kết giữa các danh từ Thiền, các ý nghĩa của một vài danh từ, sự khích lệ, sự diễn giải, giải nghĩa, các ví dụ và hình ảnh luôn gắn kết nhau. Nếu Bạn mới đọc hoặc chưa thực tập Thiền, có thể một vài từ ngữ khó hiểu. Chỉ cần Bạn đọc lại từ ngữ theo mạch văn và diễn giải, Bạn có thể hiểu rõ ràng hơn. Bài viết này hướng đến đối tượng người đọc (Bạn) và thực hành Thiền cụ thể trên nền tảng cơ bản của từ bi, lòng yêu thương và bác ái đến với Bạn.


Mỗi bước Bạn bước đi, Bạn cảm thấy sáng tỏ, không hụt hẫng, không lấm bùn, không để nước cuốn đi, không để côn trùng làm Bạn sợ hãi, không để bất kỳ thế lực bên ngoài nào làm ảnh hưởng, không để bùn níu chân,.. Bạn đang bước thực tế: ngay bây giờ và ở đây. Hãy vững bước, bước theo các ngọn đuốc và tự tin đi đến sự thật.


Mục tiêu của bài viết:

Bạn nhận diện được sự thật.


Thiền chỉ là danh từ. Danh từ “Thiền” đã được chuyển hóa.


“Học thuyết quan trọng nhất của Thiền tông vẫn là tập trung vào sự tự tu tự chứng, không chấp nhận bất cứ một sự khuyên dạy hay dẫn dắt nào của người khác, cho dù người đó là một bậc thầy! Tất cả đều chỉ có thể được xem như những lời gợi ý, và sự tu tập để đạt đến giác ngộ phải là do chính mỗi người tự tìm thấy và hành trì”

Bài Thực tập Thiền 1: Thở vào – Thở ra đến phổi.


Tùy theo hơi thở của Bạn dài hay ngắn. Thở vào từ mũi và để hơi thở qua vòm miệng, qua cổ, xuống phổi. Để từ từ cho hơi thở từ phổi đi ra cổ, vòm miệng và ra ngoài ở mũi.


Ngưng lại mọi suy nghĩ trong khi thở vào – thở ra. Chỉ quan tâm đến hơi thở. Rất đơn giản. Bạn chỉ cần thở vào – thở ra và ngưng lại mọi suy nghĩ.


Để nhìn rõ về vị trí của mũi, miệng, cổ, phổi... Bạn có thể xem phụ lục hình người ở cuối bài viết.


Trong khi tập trung đến hơi thở vào, Bạn có thể có cảm giác trống rỗng nơi mũi, hình thành các hố đen ngay trước mặt; cổ phình to ra để tiếp nhận hơi thở, hai lá phổi co bóp và nóng hổi phần lưng sau, các lân tinh lốm đốm xuất hiện... Nếu Bạn chưa quen, Bạn có thể mở mắt để thực hành bài tập này. Bạn chỉ quan sát hơi thở. Các hiện tượng đó hình thành là do cảm nhận của Bạn.

Hãy nhận biết hơi thở đi đến đâu, vào ra đến đâu. Bạn không nên để hơi thở xuống phía dưới bụng, vì đây là bài thực tập làm cho Bạn có khí lực và nhận diện hơi thở.


Thực tập không nóng vội, không kìm nén hoặc gò ép chính mình phải làm cái này, phải làm cái kia; phải nghĩ cái này, phải nghĩ cái kia,.. Bạn hãy thở đều và dùng tâm ý quan sát nó. Khi hơi thở và tâm ý không cùng đi với nhau, Bạn thực tập thở lại cho đến khi hơi thở và tâm ý luôn đều đặn và hòa quyện.


Bài thực tập này Bạn có thể áp dụng ở bất kỳ đâu và bất kỳ lúc nào. Khi Bạn mệt mỏi, hãy nhớ đến Thiền và lấy nó ra áp dụng với hơi thở hiện tại; khi:


tâm thần bấn loạn

ý nghĩ quẩn quanh

u mê càng quẩn

miệng nói luyên thuyên

chân tay bứt rứt

sân hận dâng trào

nhớ nhung thảm thiết

người thương sâu nặng

cảm giác u mê

bồi hồi việc tới

căm giận việc qua

đá chó mắng mèo

đập phá gây gổ

trong lòng trống rỗng

làm việc không nhớ

bỏ trước quên sau

đi mà không biết

đứng ngồi không hay

không ai tỏ bày,..

hãy nhớ về Thiền.


Khi đó Bạn hãy trở về nhanh với hơi thở hiện tại: thở vào – thở ra và quan sát nó. Thở vào, quan sát hơi thở vào; thở ra, quan sát hơi thở ra. Thở vào, quan sát hơi thở vào; thở ra, quan sát hơi thở ra và tiếp tục, tiếp tục. Hãy buông bỏ việc qua, không màng việc tới, chỉ quan tâm đến hơi thở vào – hơi thở ra hiện tại và quan sát nó. Thật hữu ích, thật màu nhiệm.

Hãy quan tâm đến hơi thở trong bất kỳ trường hợp nào, hãy theo dõi hơi thở. Theo dõi hơi thở để kiểm soát các hành động vượt quá giới hạn, kiểm soát sự nóng giận, kiểm soát tính khí cục cằn, kiểm soát lời ăn tiếng nói, kiểm soát ý nghĩ tiêu cực, nâng cao sự từ bi, nâng cao lòng bác ái,..


Khi nóng giận, biết mình đang nóng giận, quay về với hơi thở. Cơn giận được kiểm soát. Khi ăn nói lỗ mãn, văng tục, chửi thề, đay nghiến người khác, gây lời thị phi; biết mình đang lỗ mãn, quay về với hơi thở. Lời ăn tiếng nói được kiểm soát,.. Thực tập nhiều thành thói quen tốt, tính tình đằm lại, hành động mềm dẻo, hướng dần đến sự an lành, từ bi, bác ái và cao thượng.


Bạn nên thực tập thường xuyên bài tập này, vừa có lợi cho sức khỏe của Bạn ở ngay thời điểm hiện tại, vừa có lợi cho việc thực tập Thiền. Hãy thực tập khi Bạn có thể, thời gian bao lâu là do Bạn, thực tập khi nào cũng do Bạn; nằm thiền, ngồi thiền; thiền trong nhà, thiền ở bên sông, thiền trong khu rừng, thiền trên cánh đồng cỏ,... Bất kỳ chỗ nào nếu Bạn muốn.


Bạn mới thực tập Thiền, khi Bạn có dịp hãy thực tập Thiền ngồi trong vòng 15, 20 phút; ghi nhận lại cảm giác của Thiền ngồi. Khi có dịp Thiền nằm, hãy thực tập Thiền nằm trong vòng 15, 20 phút; ghi nhận lại cảm giác Thiền nằm. Khi có dịp Thiền đi trong nhà, hãy để mắt mở và thực tập Thiền đi trong vòng 15, 20 phút; ghi nhận lại cảm giác Thiền đi.


Bạn so sánh các cảm giác Thiền ngồi, Thiền nằm, Thiền đi để chọn tư thế Thiền tốt nhất cho lúc ban đầu thực tập. Các cảm giác về tê cứng chân, mỏi chân, mỏi tay, mỏi lưng, đau khớp,... chỉ là các cảm giác ban đầu thực tập. Điều đó không quan trọng, Bạn sẽ không còn các cảm giác đó khi tiếp tục thực tập một cách thường xuyên và chuyên cần.


“.. Kẻ nhác, không tinh tấn

Hãy cộng trú bậc Hiền

Bậc Thánh sống viễn ly

Thường siêng năng tinh tấn

Tinh cần tu Thiền tịnh”.


Điều quan trọng nhất trong bài thực tập này là Bạn làm quen với hơi thở của Bạn, cảm nhận được chính xác hơi thở vào đến đâu, ra đến đâu. Thân và ý của Bạn phải cùng là một, cùng có mặt ngay tại giây phút hiện tại. Thật tuyệt, ý của Bạn không đi ra ngoài thân thể nữa. Ý đã hòa vào thân của Bạn. Cả hai đang cùng có mặt.


Thực tập không nóng vội. Hãy cảm nhận sâu sắc khi thực tập Thiền ở bài thực tập này. Bài thực tập này vẫn đang có lợi cho sức khỏe của Bạn.


Khi trong người có rượu – bia hoặc những chất kích thích thần kinh khác, không nên Thiền.


Bài Thực tập Thiền 2: Thở vào – Thở ra đến bụng dưới (xương cùng).


Trong bài thực hành này. Bạn thở vào từ mũi, đến vòm miệng, đến cổ, đến phổi, đến bụng dưới – ngay xương cùng; thở ra từ bụng dưới đến phổi, đến cổ, đến vòm miệng, đến mũi và đi ra ngoài.


Khi hơi thở vào đi đến đâu, Bạn phải cảm nhận được rõ ràng hơi thở đi đến đó. Hơi thở không thể có điểm kết thúc trong lòng (ổ) bụng. Nó phải được đẩy xuống cuối của xương cùng; hơi thở ra cũng phải xuất phát từ đáy của xương cùng đi vào lòng (ổ) bụng, đến phổi, đến cổ, đến vòm miệng, đến mũi và ra ngoài nhằm tạo ra “khí” (gồm có thân và ý) luôn luôn liền mạch, đều đặn và hài hòa trong chính cơ thể.


Khi thở vào đến bụng, bụng của Bạn phồng lên; khi hơi thở ra đến bụng, bụng của Bạn nén xuống. Khi tập, Bạn chưa quen: hơi thở vào hoặc thở ra có thể bị cắt ngang, mất kiểm soát giữa thân và ý; Bạn phải thực hiện lại hơi thở vào từ đầu. Lại bắt đầu thở vào từ mũi, đến vòm miệng, đến cổ, đến phổi, đến bụng dưới; thở ra từ bụng dưới đến phổi, đến cổ, đến vòm miệng, đến mũi và đi ra ngoài.


Hơi thở là sự kết hợp của tâm và thân ngay cùng tại một thời điểm, ngay giây phút hiện tại.


Hơi thở vào là sự tiếp nhận oxy – oxy mang lại sự sống hiện tại.


Hơi thở vào – ra đến bụng dưới thực chất là sự kiểm soát thân thể để Bạn có được lượng oxy vào đến tận cùng các mạch máu (thân) và cảm nhận (ý) ngay lập tức hơi thở ở từng dây thần kinh, trong từng mạch máu đang luân chuyển.


Bạn cũng đã thấy bản chất của môi trường không khí bên ngoài là từ trường, các hạt điện tích cực nhỏ, khi có hơi thở đều đặn và liên tục sẽ tạo ra luồng không khí. Luồng không khí đó được va chạm và cọ sát liên tục nên tạo ra dòng điện từ từ chính hơi thở của Bạn. Khi có các dòng điện, luồng khí va chạm và tác động qua lại với nhau tạo ra sự hấp dẫn giữa các dạng của dòng điện, luồng khí. Sự hấp dẫn đó đã được chứng minh trong “luật hấp dẫn”, “sóng hấp dẫn”,..


Bạn kiểm soát được thân thể cũng đồng nghĩa là Bạn đã kiểm soát được từng tế bào, từng sợi dây thần kinh mà hơi thở đi qua. Từng tế bào, từng dây thân kinh khi hơi thở đi qua được kiểm soát thì những tế bào và các dây thần kinh lân cận nó, Bạn cũng cảm nhận được.


Khi Bạn cảm nhận và nhận diện được hơi thở của mình, đồng nghĩa với việc Bạn nhận diện được chính những dòng điện từ từ trong hơi thở đó đang đi qua. Dòng điện từ trường được tạo ra và hiện diện qua hơi thở. Vậy hơi thở đi đến đâu, dòng điện từ trường đi đến đó; khi đã có điện từ trường xuất hiện trong cơ thể Bạn theo các phản ứng sinh, hóa, lý thì sự lan tỏa khắp cơ thể Bạn là hiển nhiên. Đó là sự thật.


Hơi thở chánh niệm là có sự có mặt của tâm ý và thân thể ngay ở phút giây hiện tại.


Không có hơi thở chánh niệm, Bạn sẽ suy nghĩ: “ôi, hơi thở gì mà đi đến xương cùng! Cùng lắm là nó đến phổi là xong!”. Hơi thở chánh niệm vượt qua khái niệm đó.


Cũng tương tự như khi Bạn thực tập hơi thở đến phổi. Bạn đã có thể đưa hơi thở vào đến cuống phổi, đưa hơi thở tràn qua hai bên bờ phổi và cho phổi co ép lại đưa hơi thở ra, ra cuống phổi, ra cổ, ra vòm miệng, ra mũi và thoát ra bên ngoài. Thực tập bài thực tập này, Bạn cũng có thể đưa hơi thở vào (chánh niệm) đi qua bao tử (dạ dày) để nhận diện bao tử, tiếp tục hơi thở vào đến ruột non, ruột già, đến trực tràng, đến hậu môn.


Bạn cũng có thể đưa hơi thở vào (chánh niệm) đi qua thùy gan phải, thùy gan trái để nhận diện gan, tiếp tục hơi thở vào đến ruột non, ruột già, đến trực tràng, đến hậu môn. Bạn cũng có thể đưa hơi thở vào (chánh niệm) đi qua hai bên thận để nhận diện thận, tiếp tục hơi thở vào đến ruột non, ruột già, đến trực tràng, đến hậu môn...


Hơi thở chánh niệm vào – hơi thở chánh niệm ra giúp cho Bạn nhận diện và kiểm soát các bộ phận của cơ thể, ngay khi một trong các bộ phận đó có hoặc không có vấn đề. Bạn cảm nhận ở đâu đó trong các bộ phận có vấn đề, mỗi khi hơi thở đi đến, Bạn có thể dùng hơi thở chánh niệm quan sát và xoa bóp cho bộ phận đó dễ dàng.


Với phần đau nhức, sưng tấy, lão hóa, tổn thương, lở loét,.. Bạn có thể coi nơi đó là “điểm kết thúc” của hơi thở vào và là “điểm bắt đầu” của hơi thở ra hoặc Bạn cũng có thể cho hơi thở vào, hơi thở ra đi qua phần đau nhức và hơi thở tiếp tục đi đến các bộ phận khác.


Bạn tiếp tục thực tập hơi thở đến tận xương cùng. Bạn sẽ kiểm soát được “lục phủ – ngũ tạng” trên cơ thể Bạn. Khi thực tập nhuần nhuyễn, Bạn chuyển qua các bài tập hơi thở đến chân và hơi thở vòng.


Thực tập hơi thở đến chân, Bạn cũng phải cảm nhận rõ ràng được hơi thở chánh niệm: thở vào từ mũi, đến vòm miệng, đến cổ, đến phổi, đến bụng dưới, đến chân; thở ra từ chân đến bụng dưới, đến phổi, đến cổ, đến vòm miệng, đến mũi và đi ra ngoài.


Thực tập vững chắc và nhuần nhuyễn hơi thở đến chân theo cách hơi thở vận hành ở trên, Bạn cũng có thể tiếp nhận với hơi thở chánh niệm theo cách khác: thở vào từ mũi – đồng thời cảm nhận luồng khí đến từ ngay giữa chân mày hoặc cảm nhận luồng khí ngay trên đỉnh đầu, đến vòm miệng, đến cổ, đến phổi, đến bụng dưới, đến chân; thở ra từ chân đến bụng dưới, đến phổi, đến cổ, đến vòm miệng, đến mũi – đồng thời cảm nhận luồng khí đi ra từ ngay giữa hai chân mày hoặc cảm nhận luồng khí đi ra từ ngay trên đỉnh đầu vượt thoát ra bên ngoài.


Quá trình điều hòa và theo dõi hơi thở từ hơi thở vào đến hơi thở ra trên toàn bộ cơ thể làm thân và ý cân bằng và có sự kiểm soát.

Ngược lại, ý không hiểu thân làm cho thân tự do phát triển theo hướng tốt hoặc hướng xấu và mất kiểm soát. Móng tay, móng chân quá dài, đầu tóc bù xù, Bạn có ý thức cắt tỉa gọn gàng. Đồ ăn, chén đũa,.. Bạn có ý thức rửa cho sạch. Cũng như vậy với các cơ quan bên trong cơ thể (thân) Bạn dùng tâm để rửa sạch và cắt tỉa gọn gàng.


Người có:

lời nói nhố nhăng

đàm tiếu vu oan

hành động lỗ mãn

tâm hồn bụi bẩn

ý thức không có

đạo nghĩa cũng không

không chịu tinh tấn

tuệ giác tối tăm

lòng mình không định

ý này ý khác

a dua hóng hớt

ham bạc mê dâm

hậm hực cả ngày

sầu đau buồn chán

việc mình chẳng lo

hay bàn người khác

gia đình nhếc nhác

phá xóm phá làng

gây phiền gia tộc

chẳng biết tổ tiên

người yếu không giúp

kẻ mạnh hùa theo

người nghèo khinh miệt

tư lợi cá nhân

sự việc xa gần

không thông chẳng hiểu,..


Người như thế cần phải rửa sạch nội tâm tạo ra các hạt giống tốt, hạt giống yêu thương, tinh thần bác ái thông qua thiền tịnh.


Thực tập hơi thở trong Thiền để quán chiếu về sự hiểu biết trong nội tâm, nội tại của chính mình, nhận ra chân tướng chính mình nhằm hướng đến việc hay, điều thiện. Muốn được như vậy, Bạn phải hiểu rõ về duyên khởi. Mọi sự do duyên khởi mà thành. Dùng Tứ diệu đế, Bốn sự thật để nhận ra mọi sự. Đây là vấn đề căn bản nhất trong việc thực tập Thiền.


Khi tâm tĩnh lại, Bạn sẽ nhận ra được chính mình so với khi tâm dao động. Hơi thở đều đặn trong thân, kiểm soát được vào ra của hơi thở của thân, Bạn sẽ nhận ra đúng giá trị thân thể bên trong cũng như bên ngoài của Bạn.

Nguyễn Trường Giang
Trích Hạt giống nảy mầm thiền

Còn nữa...

TIN, BÀI LIÊN QUAN:

Nguyễn Trường Giang

Mạng Y Tế
Nguồn: Phật giáo (https://phatgiao.org.vn/hat-giong-nay-mam-thien-p4-d21453.html)

Chủ đề liên quan:

hạt giống nảy mầm

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY