Công nhân môi trường Chi nhánh Đống Đa dọn dẹp, rửa các khu vực có rác thải tồn đọng. Ảnh: Công Trình |
Bà Mai Thanh Hằng – Trưởng phòng Kế hoạch – Kỹ thuật, Chi nhánh Cầu Diễn (Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội) cho biết, trong 2 ngày (từ ngày 15/7 đến 16 giờ ngày 17/7), đơn vị đã tiếp nhận gần 1.000.000 tấn ráctừ 4 quận nội thành cũ. Hiện tại, đơn vị đang khẩn trương di chuyển khối lượng rác tập kết tạm tại Chi nhánh lên bãi rác Nam Sơn để xử lý theo quy định. Để đảm bảo tiến độ đề ra, từ ngày 17/7 đến nay, hàng ngày, đơn vị đã tăng cường thêm 40 công nhân làm việc 2 ca nhằm đẩy nhanh tiến độ di chuyển lượng rác tập kết tạm. “Theo dự kiến, hết ngày 20/7, toàn bộ lượng rác tập kết tạm tại chi nhánh sẽ được chuyển lên khu xử lý Nam Sơn” – bà Mai Thanh Hằng cho biết.
Chị Nguyễn Thị Thủy, công nhân Chi nhánh Cầu Diễn cho hay, từ khi xảy ra sự cố, ngày làm việc của công nhân kéo dài và vất vả hơn rất nhiều. "Lúc rác mới chuyển đến mùi còn đỡ, khi dọn rác đi mới khủng khiếp. Rác ủ lâu ngày phát sinh cả khí độc, nếu không bảo hộ cẩn thận sẽ bị choáng váng. Dù vất vả nhưng các công nhân của chi nhánh đều nỗ lực hết mình để hoàn thành nhiệm vụ đề ra, góp phần đảm bảo VSMT cho Thủ đô” – chị Thủy cho biết.
Tương tự, tại khu vực quận Đống Đa, trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị, ông Nguyễn Mạnh Hùng – Phó Giám đốc Chi nhánh Đống Đa, Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị Hà Nội cho biết, trong thời gian xảy ra sự cố người dân chặn xe vào bãi rác Nam Sơn, đơn vị đã chủ động tăng cường lực lượng, máy móc tổ chức thu dọn lượng rác tồn đọng và chuyển về Chi nhánh Cầu Diễn theo phân luồng rác của TP. Nhờ đó, trong suốt thời gian xảy ra sự cố, công tác thu gom rác cơ bản vẫn được đảm bảo theo yêu cầu đề ra, không xảy ra tình trạng rác thải tồn đọng qua ngày gây mất VSMT…
Ông Chử Phúc Lợi – Phó Giám đốc Chi nhánh Nam Sơn, Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị Hà Nội cho biết, sau khi Khu Liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn hoạt động trở lại, đơn vị tăng cường nhân công, máy móc, hóa chất để kịp thời thu gom và xử lý rác thải tồn đọng trên địa bàn TP theo đúng quy định. Hiện nay, công suất tiếp nhận rác của Khu Liên hợp xử lý rác Nam Sơn là khoảng 5.000 tấn/ngày đêm. Để đẩy nhanh tiến độ khắc phục sự cố, đơn vị đã tăng cường lực lượng, máy móc, nâng khả năng tiếp nhận, xử lý rác lên khoảng 6.000 tấn/ngày đêm… Tuy nhiên, để dọn dẹp hết lượng tồn đọng tại các địa bàn khác (trừ 4 quận nội thành) thời gian dự kiến là hết ngày 20/7.
Trước đó, ngày 17/7, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Đào Đức Toàn đã chủ trì hội nghị đối thoại với Nhân dân vùng ảnh hưởng môi trường Khu Liên hợp xử lý chất thải Sóc Sơn. Tại buổi đối thoại, Phó Bí thư Thành ủy Đào Đức Toàn nhấn mạnh, những cơ chế, chính sách hỗ trợ di dân tái định cư vùng ảnh hưởng môi trường Khu Liên hợp xử lý chất thải Sóc Sơn đã được TP ban hành và hướng dẫn đầy đủ. Mặc dù vậy, trong quá trình triển khai vẫn có những vấn đề phát sinh. Nhiệm vụ trước mắt, Phó Bí thư Thành ủy đề nghị huyện Sóc Sơn tổng hợp đầy đủ các ý kiến, kiến nghị của người dân, gửi TP có ý kiến đối với những nội dung vượt thẩm quyền để kịp thời tháo gỡ. Liên quan đến tiến độ thực hiện, Phó Bí thư Thành ủy đề nghị huyện Sóc Sơn tập trung đền bù toàn bộ các phương án trên đất nông nghiệp, phấn đấu xong trong tháng 7/2020. Đối với phương án đền bù phục vụ dự án di dân, cần tập trung giải quyết xong trong năm 2020. Phương án nào xong thì chi trả luôn cho người dân.
Phó Bí thư Thành ủy cũng nhìn nhận, để xảy ra việc Nhân dân chặn xe chở rác có trách nhiệm của nhiều phía, trong đó có chính quyền địa phương và cả người dân. Do đó, đề nghị các bên cùng chia sẻ, chung tay tháo gỡ. “TP giao Thanh tra tiếp tục giám sát việc thực hiện của huyện. Ai không làm được, làm sai thì Thanh tra phải tuýt còi. Nếu cán bộ không đủ năng lực để giải quyết thì phải thay thế” - Phó Bí thư Thành ủy Đào Đức Toàn nhấn mạnh.
Liên quan đến sự cố người dân chặn chở rác vào bãi Nam Sơn, nhiều chuyên gia khẳng định, việc TP Hà Nội chủ động đối thoại với người dân để kịp thời giải quyết “nút thắt” là điều hết sức cần thiết nhằm đảm bảo VSMT trên địa bàn TP và an ninh trật tự tại khu vực Khu Liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn. Tuy nhiên, để chủ động đối phó với các tình huống tương tự có thể phát sinh, ngoài việc sớm giải quyết những vướng mắc với người dân các xã Nam Sơn, Hồng Kỳ (huyện Sóc Sơn) TP Hà Nội cần đẩy nhanh hơn nữa các dự án xử lý rác thải đã và đang triển khai thực hiện. Bên cạnh đó, các đơn vị chịu trách nhiệm duy trì VSMT cần chủ động phương án cho từng tình huống có thể xảy ra. Thậm chí, cần chủ động bố trí các trạm xử lý rác như cách mà Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội hay HTX Thành Công đã và đang thực hiện.